Biết ơn là một sức mạnh lớn lao chốn công sở, cũng là kỹ năng mềm không thể thiếu trong môi trường làm việc

(Tổ Quốc) - Sự đổ vỡ của các mối quan hệ chốn công sở, suy cho cùng cũng là bởi hai bên thiếu đi sự biết ơn.

Những người lạc quan vẫn hay bảo nhau: Mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Thế nhưng thực tế, đi làm chẳng có gì vui! Làm sao cười nổi khi lúc nào sếp cũng hằn học nhân viên, còn cấp dưới thì lại thản nhiên đi nói xấu sếp?

Vậy bản chất của những mâu thuẫn chốn công sở này bắt nguồn từ đâu? 

Đó là vì mỗi chúng ta đã bị vỡ mộng. Ai cũng có những ham muốn riêng. Rằng người khác phải đạt tiêu chuẩn này nọ, rồi họ buộc phải đối xử tốt với mình và thỏa mãn những nhu cầu của bản thân. Ví dụ như sếp thì muốn nhân viên phải chăm chỉ hoàn thành vượt KPI, thức khuya dậy sớm làm hàng tỉ những nhiệm vụ của sếp giao cho. Còn nhân viên thì lại muốn sếp dễ tính với từng sản phẩm của mình, bắt làm việc ít hơn và trả lương phải thật cao cùng hàng tá những đãi ngộ hấp dẫn khác. 

Biết ơn là một sức mạnh lớn lao chốn công sở, và cũng là kỹ năng mềm không thể thiếu trong môi trường làm việc - Ảnh 1.

Chúng ta dường như đang bắt ép đối phương không được là chính họ và phải gồng lên hết sức chỉ để đạt được những gì bản thân mong muốn nhằm có lợi cho bản thân.

Mặc dù bản chất của con người là ích kỷ và muốn mang về nhiều quyền lợi nhất cho bản thân nhưng vẫn có phương pháp để kìm hãm sự tham lam đó xuống. Đó chính là lòng biết ơn. Biết ơn ở chốn công sở, không chỉ là việc chúng ta trân trọng thành quả và cố gắng của những đồng nghiệp, cấp trên. Mà khi con người ta biết ơn, họ sẽ tự nguyện, không kể công, không đòi hỏi một kết quả gì quá đáng.

Các chị em công sở đã bao giờ tự hỏi, vì sao có những công ty phát triển vẫn rất tốt mà sếp và nhân viên thì cực kỳ hài hòa, chẳng hề quá gay gắt và xích mích, đố kỵ không? Là bởi vì cả cấp trên lẫn cấp dưới đều nhìn nhau với tư cách của những người đồng hành trên chặng đường phát triển và tìm kiếm lợi nhuận cho công ty. Chứ họ không hề coi nhau như nô lệ và bắt ép phải thực hiện theo ý mình.

Mặt khác, biết ơn mang ý nghĩa chúng ta lo sợ một người đồng nghiệp, một người sếp ngày nào đó sẽ không còn bên cạnh mình và không còn chung mục tiêu vươn lên. Biết ơn là khi sếp trân trọng những cố gắng của nhân viên, những thời khắc mà tất cả vẫn cùng nhau cố gắng trong giai đoạn khó khăn.

Biết ơn là một sức mạnh lớn lao chốn công sở, và cũng là kỹ năng mềm không thể thiếu trong môi trường làm việc - Ảnh 2.

Biết ơn còn là nhân viên chẳng đòi hỏi sếp về tương lai ngày mai phải buộc tăng lương như thế nọ như thế kia, không ra những yêu sách cấp trên phải làm được cho mình cái gì, phải trở thành điều gì.

Vậy làm cách nào để các chị em công sở có thể rèn luyện đức tính biết ơn nơi làm việc?

Trước hết, đừng bao giờ tiếc lời cảm ơn. Nhiều người vẫn nghĩ nói hai chữ cảm ơn thật ngượng ngùng và thật khó bày tỏ. Thế nhưng cảm ơn lại mang rất nhiều ý nghĩa. Nó như một lần ta thấy biết ơn về công sức của người khác, cũng như khiến đối phương thấy hài lòng, dễ chịu. Đặc biệt, khi ta biết cảm ơn tới sếp của mình, cấp trên sẽ cực kỳ hài lòng và sớm trọng dụng bạn trong tương lai.

Tiếp đến, hãy biết đánh giá khách quan công sức của đồng nghiệp. Có thể những gì họ đang làm chưa mang lợi ích tức thì cho bạn, nhưng biết đâu trong tương lai, chính những việc ấy lại giúp đỡ bạn thăng tiến thì sao. Chị em công sở không nên coi thường và hạ thấp đồng nghiệp mà nên cởi mở để phân tích. Đó được coi như nền tảng của sự biết ơn.

Biết ơn là một sức mạnh lớn lao chốn công sở, và cũng là kỹ năng mềm không thể thiếu trong môi trường làm việc - Ảnh 3.

Và cuối cùng, đừng quên biết ơn tới chính bản thân mình. Chúng ta đã thực sự cố gắng, nỗ lực từng ngày để trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn ngày hôm qua. Từng sự thay đổi đều đáng được ghi nhận. Biết ơn chính bản thân được xem như một món quà, giúp các chị em công sở tạo động lực trong tương lai. 

Hãy luôn rèn luyện khả năng biết ơn trong môi trường làm việc của mình nhé! 

Quiry

Tin mới