(Tổ Quốc) - Với những đứa trẻ lì lợm thì mềm mỏng hay cứng rắn đều không phải cách hay nhất để giáo dục con mà phải là sự kiên nhẫn và những bí quyết vô cùng đặc biệt này.
Có nhiều lúc, các bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với tình huống trẻ nói "Không!" với tất cả yêu cầu của bố mẹ. Các con không chỉ hành động ngược lại với ý kiến của bố mẹ mà còn từ chối lắng nghe mọi lời khuyên nhủ từ người lớn trong nhà.
Những lúc trẻ bướng bỉnh như thế này nếu bố mẹ vội vã phản ứng như quát mắng hay răn đe nặng lời thường chỉ khiến tình trạng tiêu cực hơn. Bố mẹ cần nhớ rằng, những đứa trẻ bướng bỉnh cũng là những đứa trẻ bình thường khác và con cần cách đối xử khác đi so với lúc bình thường. Bởi vậy, những bí quyết dưới đây sẽ giúp bố mẹ đối xử đúng mực với con khi chúng trở nên khó bảo và lì lợm bất thình lình.
1. Để con tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình
Lúc con cư xử bướng bỉnh, hãy để chúng tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Miễn là những hành vi đó không mang lại nguy hiểm cho con. Khi được tự chịu trách nhiệm, con sẽ rút ra được cách làm phù hợp với bản thân mình. Đó là cách để mọi cơn giận dữ xung đột giữa bố mẹ và con được lắng xuống. Bố mẹ cũng sẽ có thời gian tìm ra cách cư xử phù hợp với con.
2. Để con được quyết định hành động của mình
Hãy để con được tự quyết định hành động của mình càng nhiều càng tốt, bởi đó là những bài học rất tốt cho sự tự lập. Chính những lần tự ra quyết định sẽ giúp con hiểu rõ hơn những lời chỉ dẫn hay nhắc nhở của bố mẹ không hề vô lý, bố mẹ chỉ muốn giúp con. Điều này sẽ giúp con bớt đi những lần xung đột với bố mẹ vì tính cách ương bước của mình.
3. Đưa ra cho con những lựa chọn
Nếu khi con quyết định hành động theo cách khác thường mà bố mẹ không thể ngăn cản hãy đưa ra những lựa chọn. Ví dụ chúng hoàn toàn không muốn rời khỏi khu vui chơi dù đã đến giờ ra về. Bố mẹ có thể đưa cho con lựa chọn rằng chúng ta có thể ở lại thêm 10 phút rồi về nhé. Điều này sẽ khiến con cảm thấy tự chủ và thoải mái hơn.
4. Trao quyền cho con
Những đứa trẻ bướng bỉnh là những đứa trẻ hiểu rất rõ về quyền lợi của mình, chúng biết rằng khi mình hò hét ăn vạ đủ lâu thì mình sẽ có được thứ mình muốn. Để ngăn chặn những cơn tức giận đó, bố mẹ hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp trao quyền cho trẻ. Trẻ sẽ rất thích khi được nắm quyền, chúng sẽ cư xử ngoan ngoãn hơn nhiều so với khi bị bố mẹ ép buộc làm một điều gì đó.
5. Sử dụng linh hoạt các quy tắc
Gia đình nào cũng có những quy tắc riêng, và lúc cần bố mẹ phải vận dụng thật linh hoạt những quy tắc này để trẻ thấy rằng chúng không phải là cái rốn vũ trụ, chúng sẽ phải chịu kỷ luật nếu như làm trái những quy tắc đã có trong nhà.
6. Không đẩy con vào tình huống buộc phải đối đầu với bố mẹ
Bố mẹ thường nghĩ rằng các con chỉ thích làm bố mẹ cáu lên hoặc cảm thấy vô cùng khó chịu nhưng thực tế không phải vậy. Trẻ chỉ đối đầu và ương bướng khi chúng bị cha mẹ dồn vào tình huống đó. Bởi vậy bố mẹ cần kiểm soát tốt lời nói và hành vi của mình, tránh đẩy trẻ vào thế đối đầu. Mọi chuyện sẽ được giải quyết trong hòa bình khi bố mẹ bình tĩnh xử lý.
7. Giữ thể diện cho con
Bố mẹ nhất định không nên quát mắng hay đánh con ở nơi công cộng, đông người. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ, chúng sẽ ngay lập tức cảm thấy bố mẹ không còn yêu thương và quan tâm mình nữa. Bố mẹ cần thể diện và trẻ nhỏ cũng vậy. Nếu con có hành vi ương bướng, hãy cùng con ra một góc khuất để trao đổi và đưa ra cách xử lý phù hợp, đừng cố gắng quát mắng con ngay tại nơi đông người.
8. Lắng nghe con
Trẻ nhỏ cũng có lý do của con khi chúng làm bất kỳ một việc gì đó, dù đúng hay sai. Và việc bố mẹ cần làm là lắng nghe những lý do và ý kiến đó của con. Chỉ có kiên nhẫn lắng nghe mới có thể hiểu được chính xác nguyên nhân và tìm ra cách xử lý phù hợp. Bố mẹ không nên ỷ vào mình là người lớn mà phớt lờ ý kiến của con, điều này chỉ tạo ra ảnh hưởng xấu đến trẻ mà thôi.
9. Sử dụng kỷ luật chứ không phải trừng phạt
Có quy tắc thì sẽ có thưởng phạt, nhưng dạy con thì cần kỷ luật chứ không phải trừng phạt. Bố mẹ không nên mang những hình phạt khắt khe ra với con và nghĩ rằng "đòn đau nhớ lâu", điều đó chỉ làm con tiêu cực và khó bảo hơn mà thôi. Kỷ luật sinh ra để giúp trẻ hiểu được hành vi mình làm là không đúng và cần sửa chữa còn trừng phạt sẽ khiến con cảm thấy có lỗi và day dứt trong thời gian dài.
Mây