(Tổ Quốc) - Nhiều cha mẹ thường ít chú trọng đến ý thức an toàn và dạy con kỹ năng tự cứu mình trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đây thực sự là điều đáng lưu ý.
Những đứa trẻ thường được bố mẹ bao bọc nhưng khi không có ai xung quanh, các em cần có khả năng tự lực nhất định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh chủ quan không lường trước được những tình huống bất ngờ xảy ra, không dạy con trước một số kỹ năng nên lúc nguy cấp thực sự trẻ không biết cách xử lý như thế nào cho hợp lý.
Mới đây, một cậu bé 4 tuổi ở Trung Quốc bị lạc cuối cùng về nhà an toàn nhờ kỹ năng được mẹ dạy thu hút sự quan tâm. Được biết bé đi chơi với mẹ vào buổi tối, nhưng vì chạy quá nhanh nên trong nháy mắt không tìm thấy mẹ. Ban đêm, ánh sáng không tốt, tìm được nhau cũng không dễ dàng, càng đi càng xa nhau.
Cậu bé lo lắng, có chút hoảng loạn. Tuy nhiên, trong lúc khóc vì sợ, bé chợt nhớ ra lời mẹ dặn: "Không tìm được cha, mẹ mà gặp chuyện thì nên tìm chú công an!". Vì vậy, cậu bé bắt đầu đi loanh quanh tìm đồn công an, hy vọng có thể qua đó để về với mẹ.
May mắn thay cuối cùng bé gặp một cảnh sát tuần tra gần đó. Người này giúp liên lạc với cha mẹ thông qua số điện thoại mà đứa trẻ cung cấp. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ người cha đã vội vã đến đón.
Trẻ em luôn thích đi lung tung khi ra ngoài, một khi bị lạc sẽ rất nguy hiểm. May mà cậu bé này biết tự cứu mình, nhưng thực tế không phải bao giờ cũng gặp được đồn cảnh sát hoặc đứa trẻ an toàn trước khi gặp được người có thể giúp đỡ.
Nhiều cha mẹ thường ít chú trọng đến ý thức an toàn và dạy con kỹ năng tự cứu mình trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đây thực sự là điều đáng lưu ý đối với phụ huynh.
1. Để trẻ ghi nhớ một số thông tin cần thiết
Sau khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ có thể học được rất nhiều điều và ghi nhớ tốt. Lúc này, bạn có thể dạy trẻ một số thông tin về gia đình như tên, số điện thoại di động của bố mẹ, địa chỉ nhà. Biết đâu một ngày nào đó, con cái có thể sử dụng những thông tin quan trọng này để nhờ người khác giúp liên hệ với gia đình.
2. Xác định người an toàn để xin giúp đỡ
Bố mẹ hãy dạy cho con biết những ai là người an toàn, có thể tin cậy nhờ giúp đỡ. Nếu con đi lạc ở nơi công cộng như siêu thị, rạp hát, công viên thì nên tìm đến những ông bố, bà mẹ có con nhỏ đi cùng hoặc những nhân viên mặc đồng phục.
Nếu ở ngoài đường phố, con có thể tìm đến các chú công an hoặc ghé vào nhà dân, một cơ quan ngay gần đó như ủy ban, ngân hàng để nhờ liên lạc với gia đình.
Bố mẹ hãy dặn con tuyệt đối không nhận quà của người lạ, không cho người lạ đụng chạm vào cơ thể. Con phải tránh xa các đối tượng tỏ vẻ tốt bụng quá mức như cho tiền, cho quà bánh hoặc đồ chơi để dụ dỗ đi cùng.
3. Giữ trẻ tránh xa những thứ nguy hiểm
Giữ trẻ tránh xa những thứ hoặc những nơi có thể tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Ví dụ: Không để trẻ ra sông một mình, tránh xa lửa hoặc các vật nguy hiểm có thể phát nổ, không cho trẻ trèo cao. Trẻ em rất tò mò và khám phá những gì chúng cho là thú vị, nhưng điều này có thể gây nguy hiểm.
4. Đừng mở cửa một cách tùy tiện
Khi trẻ ở nhà một mình, ai đó có thể gõ cửa. Hãy nói với trẻ rằng không được mở cửa cho ai, bất kể bên kia có nói rằng mình đang sửa điện nước hay liên hệ vì bố mẹ nhờ. Nếu bên kia vẫn tiếp tục, con hãy gọi bố mẹ.
Hiểu Đan