(Tổ Quốc) - Sau phút giây xấu hổ, ông bố đã lấy lại bình tĩnh và nói 1 câu khiến tất cả các phụ huynh trong lớp phải vỗ tay đồng tình.
Anh Tiểu Vương (Trung Quốc) có con trai năm nay 6 tuổi, hiện đang học cấp 1. Bé An An - con trai anh học tập rất chăm chỉ, thường xuyên thức khuya để làm bài. Thậm chí có hôm cậu bé còn nằm ngủ gục trên bàn. Tuy vậy, thành tích học tập của An An vẫn thấp hơn nhiều so với bạn bè cùng lớp.
Điều này khiến anh Vương khá buồn nhưng không hề quát mắng, trách móc con. Bởi ông bố này biết rõ, khả năng nhận thức của mỗi người là khác nhau và con anh đã chăm chỉ, cố gắng hết sức mình.
Sau khi hết học kỳ một, anh Vương tham gia buổi họp phụ huynh cho con. Tất cả các phụ huynh đều được mời phát biểu nhưng khi đến lượt ông bố này, cô giáo lại gọi như sau: "Xin mời phụ huynh của học sinh có điểm số kém nhất lớp lên phát biểu". Ngay lập tức, mọi ánh mắt của cả lớp đều đổ dồn vào anh Vương.
Ông bố bối rối trong giây lát nhưng vẫn kịp bình tĩnh, đứng lên nói lại với cô giáo: "Tôi là bố bé An An, con trai tôi có thể là một học sinh kém trong mắt mọi người nhưng thực sự thằng bé đã học hành rất chăm chỉ, ngoan ngoãn. Tôi nghĩ rằng An An không phải là một đứa trẻ hư.
Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói, đó là tiêu chí đánh giá sự thành công, xuất sắc của một con người không chỉ nằm ở điểm số học tập. Mặc dù thành tích học tập của An An không được tốt nhưng về mặt giao tiếp và các hoạt động ngoại khóa luôn rất tốt và được mọi người khen ngợi. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng con trai tôi có tên, không phải "học sinh có điểm số kém nhất lớp" như cô giáo đã gọi. Tôi xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe".
Lời phát biểu của anh Vương lập tức nhận được tràng vỗ tay của các phụ huynh trong lớp. Ai nấy đều gật gù, tỏ ra đồng tình với quan điểm của ông bố này. Về phần cô giáo sau đó cảm thấy rất xấu hổ và cúi mặt xin lỗi anh Vương về sai lầm của mình.
Điểm số không phải yếu tố quyết định tương lai của con trẻ
Theo nghiên cứu của nhà Tâm lý học, Tiến sĩ người Phillipines Irish Movido, chỉ số thông minh (IQ) chiếm 20% trong sự thành công của một người, trong khi 80% còn lại phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc (EQ) quyết định.
Nói một cách khác, thành công của một người không phụ thuộc vào điểm số, giải thưởng mà người đó đạt được trong khi đi học. Bởi theo bà Movido, những đứa trẻ đạt thành tích học tập xuất sắc thường là những người gắn chặt với các quy tắc và nghe lời giáo viên một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, điều này đôi khi lại là điểm yếu của trẻ khi trưởng thành.
Theo bà Movido: "Cuộc sống rất lộn xộn và không có bất kỳ quy tắc nào. Do đó, trên thực tế, những đứa trẻ thành công không phải là những học sinh xuất sắc mà là những người biết sáng tạo, đổi mới, và vượt ra khỏi những rào cản của bản thân và xã hội".
Định nghĩa về trí tuệ cảm xúc là gì, bà Movido lý giải: Đó là sự hiểu biết về bản thân, hiểu về người khác, thúc đẩy bản thân phát triển, biết đồng cảm và biết tạo dựng các mối quan hệ. Tất cả những điều này giúp nuôi dưỡng nên những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công trong tương lai.
Trải qua nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, các nhà tâm lý học Mỹ cũng cho biết nếu chỉ lấy sự cao thấp của thành tích học tập để tuyển chọn trẻ em ưu tú thì sẽ có tới 70% những đứa trẻ sở hữu năng lực độc đáo không được lựa chọn.
Thanh Hương