(Tổ Quốc) - Nữ MC cho biết sẽ cho 3 con ở nhà xem câu chuyện này vì khâm phục hai anh em Khánh Thảo. Cô muốn các con nhìn hoàn cảnh của gia đình Khánh Thảo, hiểu về sự may mắn, đủ đầy của bản thân mà quý trọng cuộc sống hiện tại.
Nhiều bạn trẻ cảm thấy ghen tị và xấu hổ với bạn bè vì bố mẹ của các bạn làm nghề này nghề kia danh giá, được nể trọng, trong khi đó bố mẹ mình chỉ là cô lao công, bán vé số hay buôn đồng nát... Các bạn thường cố tình lảng tránh mỗi khi mọi người nói về gia đình, tìm mọi cách che giấu nghề nghiệp của bố mẹ.
Tuy vậy, chẳng có nghề nghiệp nào trong xã hội là thấp hèn nếu họ mưu sinh bằng chính sức lao động của mình. Nhất là bố mẹ chúng ta đã dãi nắng dầm mưa với mục đích nuôi con cái đủ đầy, ăn học thành tài. Chẳng ai chê cười bạn khi bố mẹ bạn là những người lao động chân chính cả.
Con tự hào về công việc "đặc biệt" của mẹ
Mới đây, tâm sự của cô bé 11 tuổi Khánh Thảo (TP.HCM) về việc bị bạn bè nhìn thấy mẹ đang lượm ve chai mang đến những cảm xúc khó tả cho khán giả trong "Điều con muốn nói".
Cô bé 11 tuổi kể: "Mỗi ngày, mẹ đều dậy từ lúc 6 giờ sáng và làm đến 7 - 8 giờ tối. Mẹ làm nghề nhặt ve chai. Buổi trưa, mẹ tranh thủ về nấu cơm cho hai anh em con. Mẹ nói nếu làm công nhân lương không đủ sống nên mẹ chọn công việc này vừa có thu nhập, vừa có thời gian chăm sóc tụi con. Lúc mẹ ốm, con và anh sẽ nấu cơm, chăm sóc mẹ".
Vất vả là thế nhưng mẹ em chưa bao giờ than vãn mà luôn lạc quan vui vẻ. Vì thế, những ngày không đi học, Khánh Thảo sẽ theo giúp mẹ soạn ve chai vừa thu mua về. "Công việc vất vả nhưng mẹ cố gắng kiếm tiền cho tụi con ăn học. Có hôm, mẹ ngất xỉu ngoài đường, người xung quanh chạy lại đỡ mẹ dậy. Vì thế, khi mẹ làm về trễ, anh em con lo lắng, thường gọi điện, đợi mẹ về nhà. Khi con giúp đỡ mẹ, mẹ rất tự hào về con", Khánh Thảo nói.
Bạn bè Thảo đều biết mẹ làm nghề này: "Một ngày, bạn con nhìn thấy mẹ đang nhặt ve chai. Đến lớp nghe bạn hỏi, con muốn giấu nghề của mẹ nhưng nếu con làm vậy mẹ sẽ tủi thân vì thế con thật rằng mẹ làm nghề lượm ve chai. Các bạn biết không trêu chọc mà còn động viên con, khẳng định nghề này không xấu", em nói.
Khánh Thảo đặt trong Chiếc hộp bí mật mảnh giấy nhỏ với dòng chữ nắn nót: "Con tự hào về mẹ". Em thương mẹ vì mẹ luôn bên cạnh, nuôi nấng, chăm lo cho em và tự hào về công việc "đặc biệt" của mẹ.
Nghe con gái tâm sự, người mẹ không che giấu được sự xúc động: "Tôi luôn nhủ dù số phận khắc nghiệt, ba mẹ con sẽ vượt qua, quan trọng nhất phải sống vui vẻ. Trước đây, con mặc cảm, hỏi mẹ sao nhà mình nghèo quá. Tôi giải thích cho hiểu và tạo động lực để con cố gắng hơn".
Với chị điều may mắn nhất là hai con ngoan ngoãn, chăm học, đạt học lực khá – giỏi trong lớp. Con gái Khánh Thảo còn chủ động phụ giúp mẹ việc nhà và thu gom ve chai. Chị vui vì các con rất thương mẹ.
Theo dõi câu chuyện, MC Ốc Thanh Vân cho rằng, ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần kiếm tiền lương thiện, chân chính cũng đã đủ để tôn vinh. Nghề diễn viên cũng vậy, để trở thành một diễn viên chân chính và làm nghề tử tế khó khủng khiếp.
Nữ MC khuyên Khánh Thảo nên tập trung học hết THPT sau đó hãy thi tiếp để theo đuổi niềm đam mê trở thành diễn viên. Cô cũng bày tỏ sự yêu mến với người mẹ bởi dù làm công việc vất vả nhưng gương mặt chị luôn toát ra vẻ lạc quan, tươi tắn. Nữ MC chia sẻ sẽ cho 3 con ở nhà xem tập phát sóng này vì khâm phục hai anh em của Khánh Thảo. Cô muốn các con nhìn hoàn cảnh của gia đình Khánh Thảo, hiểu về sự may mắn, đủ đầy của bản thân mà quý trọng cuộc sống hiện tại.
Tại sao con cái kỳ thị nghề nghiệp bố mẹ?
Kỳ thị nghề nghiệp cha mẹ không phải trường hợp hiếm thấy bởi nhiều em học sinh đã so sánh nghề của cha mẹ với nhau. Theo một tiến sĩ tâm lý, có 3 nguyên nhân khiến các em không tự tin về bố mẹ mình.
Thứ nhất, xuất phát từ chính bản thân các em, liệu đã thật sự yêu quý, tôn trọng bố mẹ mình hay chưa? Thứ hai, do quan niệm về nghề nghiệp của các em còn nhiều lệch lạc. Các em luôn có suy nghĩ trong đầu rằng có nghề thấp kém, có nghề cao quý. Thứ ba, đây là một trong những căn bệnh xã hội, mang tính chất là bệnh sĩ của trẻ con, thấy gì khoe được thì khoe chứ chưa có ý thức về những việc hiện nay các em đang làm.
Để thay đổi, trước hết cần giúp trẻ hiểu về nghề nghiệp rõ ràng để trẻ hiểu việc đánh giá sự cao quý của bất cứ nghề nghiệp nào đều phải dựa trên những đóng góp của công việc đó cho xã hội. Bên cạnh đó cần phải tăng cường việc giáo dục lòng yêu thương, sự tôn trọng, hiếu lễ của mỗi con người đối với bố mẹ của mình chứ không phải cứ sinh ra ở nơi nhung lụa, giàu sang thì mới là vinh dự, tự hào.
Ngoài ra, cần tạo được môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh để phát triển nhân cách của các em. Thật khó nếu như các em trong cũng một lớp học lại có các ý thức khác nhau về tôn vinh gia đình. Phải giáo dục cho học sinh phát triển nhân cách nhưng không được lệch lạc, phải lấy yêu thương, tự hào về bố mẹ, về gia cảnh của gia đình để từ đó phải phấn đấu từ cuộc sống thật ấy mà đi lên.
Hiểu Đan