(Tổ Quốc) - Bị cột tay chân bằng băng dính và bị đưa tới một địa điểm bỏ hoang ở phía bên kia thành phố. Một mình trong căn hầm tối om và ẩm ướt, bé gái quyết định tự cứu mình...
"Tôi có 21 năm làm việc trong Cục Cảnh sát và tôi chưa bao giờ thấy một hành động dũng cảm như thế này của một đứa trẻ 7 tuổi" - Chánh thanh tra Robert Davis của cảnh sát Philadelphia nhận xét khi nhắc tới vụ trốn thoát khỏi bọn bắt cóc của bé Erica Pratt.
Erica Pratt bị hai kẻ lạ mặt bắt cóc vào một buổi tối ngày 22/7/2002, khi đang chơi với em gái 5 tuổi trước nhà tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ để đòi số tiền chuộc 150.000 USD (Khoảng hơn 3 tỷ đồng).
Cô bé được đưa đến một nhà hàng bỏ hoang ở Bắc Philadelphia, cách nhà khoảng 12 km. Những kẻ bắt giữ đã che mắt, trói tay chân cô bé bằng băng keo và để Erica một mình trong tầng hầm tối tăm.
Trong lúc cảnh sát đang truy lùng thủ phạm, Erica bình an trở về nhà. Cô bé kể, suốt 24h không thấy kẻ xấu quay lại, cô đã tìm cơ hội tự giải cứu. Cô bé 7 tuổi dùng răng gặm từng chút một cho tới khi băng dính ở cổ tay bị đứt. Khi chân vẫn bị cột, Erica nhảy từng bước lên từng bậc cầu thang.
Gặp cửa hầm bị khóa, Erica tập trung đạp vào một điểm trên cửa tới khi có kẽ hở đủ lớn để trèo qua. Vì cửa trước căn nhà cũng bị khóa, cô bé đập vỡ cửa sổ kêu cứu. Tiếng kêu cứu lọt vào tai của hai thiếu niên gần đó. Những đứa trẻ kéo Erica ra khỏi cửa sổ, và một trong số chúng đạp xe để báo cảnh sát. Gần 1 ngày bị giam giữ, Erica chỉ có một lon nước duy nhất trong hành trình tự giải cứu của mình.
Ngày tiếp theo, James Burn cùng Edward Johnson, 23 tuổi, bị bắt giữ. Johnson bị Pratt nhận diện là một trong hai kẻ bắt cóc. Cuối cùng, Johnson bị phạt tù 10-37 năm tù, Burn bị phạt 14 năm 6 tháng tù cho tới 49 năm tù.
Tương tự như Erica Pratt, Elizabeth Shoaf, 14 tuổi cũng từng gây chấn động nước Mỹ khi mưu trí thoát thân ly kỳ như truyện trinh thám.
Mười ngày đã trôi qua kể từ khi Elizabeth Shoaf (14 tuổi) biến mất một cách không thể giải thích được trên đường trở về nhà từ trường học của cô ấy ở Quận Kershaw, Nam Carolina ngày 6/9/2006.
Nhưng một tin nhắn - từ chính Shoaf - đã cung cấp hy vọng cho những người tìm kiếm: "Mẹ ơi, con ở trong cái hố đối diện ngọn đồi xe tải lớn hay đi qua. Có bom. Mau gọi cảnh sát", tin nhắn viết.
Hai ngày sau, trong lúc tìm kiếm chiếc hố được mô tả trong tin nhắn, cảnh sát nghe thấy tiếng gọi của bé gái và tìm được Elizabeth Shoaf đứng một mình gần căn hầm sâu khoảng 4,5m, rộng 1m, dài 6m. Khi tinh thần ổn định, Shoaf kể lại 10 ngày bị bắt cóc.
Sau một giờ đi lòng vòng kể từ khi bị bắt cóc, Shoaf mất phương hướng và cố ý để tuột đôi giày đang đi làm dấu hiệu cho người khác tìm thấy. Ít lâu sau, Shoaf được dẫn đến trước cửa căn hầm dưới mặt đất trong rừng.
Sau khi bị kéo xuống hầm, Shoaf bị xâm hại nhiều lần. Nhằm ngăn nạn nhân bỏ trốn, Filyaw nói trên miệng hầm có cài bom. Để sống sót, Shoaf nghĩ ra cách đối phó. Trước những lời dọa giết, cô bé 14 tuổi vẫn bình tĩnh tán gẫu về chủ đề hắn thích. "Tôi làm mọi thứ hắn bảo. Hắn luôn gọi tôi là cưng nên tôi cũng gọi hắn như thế. Khi hắn bảo yêu tôi, tôi sẽ vờ như rất thích hắn và muốn ở bên", Shoaf trả lời báo chí.
Sau vài ngày, Shoaf được tháo xích và ra ngoài hầm vài phút mỗi ngày. Mỗi lần như vậy, cô bé lén cho nắm tóc vương lại trên cành cây với hy vọng chó cảnh sát sẽ đánh hơi được.
Chờ tên này ngủ say, Shoaf lấy điện thoại nhắn tin cho nhiều người nhưng đều không có sóng. Một lần bị bắt quả tang, cô bé nhanh trí nói đang chơi điện tử. Sau ba ngày cố gắng, một tin nhắn cuối cùng cũng bắt được sóng và đến tay người mẹ.
Ngày thứ 9 bị bắt cóc, Shoaf và Filyaw nghe thấy tiếng trực thăng trên hầm nên bật tivi lên xem. Filyaw biết cảnh sát đang tìm mình và trở nên giận dữ với nạn nhân. "Tôi sợ vì tưởng rằng sẽ chết. Hắn ta rất giận dữ", Shoaf kể lại.
Nhưng sự tức giận của Filyaw dần nhường chỗ cho nỗi sợ. Hắn quay sang hỏi Shoaf nên làm gì và được khuyên nên bỏ trốn trước khi cảnh sát tới nơi. Ít lâu sau khi Filyaw làm theo "lời khuyên" của mình, Shoaf chui ra ngoài hầm kêu lớn cho tới khi cảnh sát nghe thấy và tới giải cứu.
Cùng ngày Shoaf được cứu, Filyaw bị bắt khi đang ẩn náu trong chiếc hố cách đó 5 dặm. Hắn ta bị khởi tố và kết tội 421 năm tù không ân xá.
Shoaf, bây giờ đã ngoài 20 tuổi, tốt nghiệp đại học, làm công việc trợ lý nha khoa. Năm 2018, Lifetime đã phát sóng bộ phim "Girl in the Bunker" kể về thử thách của Shoaf.
Bố mẹ phải lưu ý và dạy con ngay các nguyên tắc an toàn để tránh bị bắt cóc sau đây:
1. Hét to lên: "Cháu không biết chú ta/cô ta". Nói với trẻ rằng khi một người lạ bắt được con, ngay lập tức con hãy cắn, đá, cào, cấu và cố gắng thu hút sự chú ý bằng mọi giá, ngay cả khi tình huống đó vô cùng đáng sợ. Ngoài ra, bố mẹ nên la lớn: "Cháu không biết chú ta/cô ta. Chú ta/cô ta đang muốn bắt cháu đi".
2. Ngắt cuộc trò chuyện và giữ khoảng cách với người lạ. Trẻ nên biết rằng mình không được phép trò chuyện với người lạ. Nếu có, cuộc trò chuyện nhất thiết kéo dài không quá 5-7 giây. Tốt nhất nên rời đi chỗ khác và tìm tới một nơi an toàn.
Khi cuộc trò chuyện diễn ra, trẻ nên đứng cách người lạ một khoảng 2-2,4m. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, trẻ phải lùi lại một bước. Thực hành tình huống này với con, cho con thấy khoảng cách tầm hơn 2m là như thế nào và nhấn mạnh rằng, phải duy trì khoảng cách đó bất chấp chuyện gì xảy ra.
3. Dạy trẻ tránh đi chung thang máy với người lạ. Dạy trẻ chờ thang máy ở tư thế quay lưng lại tường để con có thể quan sát thấy bất cứ ai đang tiến lại gần. Nếu đó là một người lạ hay một người gần như không quen biết lắm, trẻ nên đưa ra một lời cáo lỗi để không vào chung thang máy với người này.
4. Không để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng. Giải thích cho con bạn rằng nếu có tiếng gọi cửa nhưng không trông thấy ai qua lỗ khóa và không có tiếng đáp lại cho câu hỏi: "Ai đấy?", con nhất định không được mở cửa, dù chỉ hé một chút xíu để xem chuyện gì đang xảy ra.
Ngoài ra, trẻ cũng không được phép để người lạ biết bố mẹ đang đi vắng, cho dù người lạ kia khẳng định mình là bạn với bố mẹ hoặc nói rằng, anh ta/cô ta là thợ sửa chữa. Nếu một người lạ tỏ ra kiên trì và cố gắng đột nhập vào nhà, trẻ phải gọi ngay cho cha mẹ hoặc hàng xóm.
5. Lập mật mã gia đình. Nếu ai đó nói với trẻ: "Đi theo cô/chú. Cô/chú sẽ dẫn cháu đến chỗ bố mẹ", điều đầu tiên mà trẻ nên làm là hỏi lại người lạ: "Tên bố mẹ cháu là gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?".
Bạn nên lập ra một câu có vai trò như mật khẩu dùng trong các tình huống khẩn cấp. Sử dụng cụm từ ít ai nghĩ tới sẽ gây khó khăn cho người lạ có thể đoán ra, như "Cam Bông" chẳng hạn.
Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn thoát thân khi bị bắt cóc như 2 trường hợp trên. Vì vậy, dưới đây là những kỹ năng giúp trẻ thoát thân khi bị bắt cóc bố mẹ cần trang bị cho trẻ:
1. Kỹ năng cởi trói
Phần lớn, có khả năng rất lớn là trẻ sẽ bị trói khi bị bắt cóc. Hành động này khiến cho trẻ không thể hành động được gì. Chính vì vậy, kỹ năng đầu tiên mà cha mẹ cần dạy cho trẻ chính là kỹ năng cởi trói.
2. Kỹ năng tự vệ
Khi bị kẻ xấu tiếp cận, hãy dạy trẻ học cách la lớn đồng thời giãy giụa khi bị kẻ bắt cóc lôi đi. Sau đó dùng tay, dùng chân tấn công lại kẻ bắt cóc mọi lúc có thể. Các vị trí tấn công có thể là ở đầu gối, chân và vùng nhạy cảm của hắn.
Cắn cũng là cách để trẻ tấn công kẻ bắt cóc. Đây là cách khiến cho kẻ bắt cóc đau và lơ đi trẻ, trẻ có thể lợi dụng để chạy trốn.
3. Kỹ năng đối phó kẻ xấu trong thang máy
Hãy dặn trẻ chú ý đến hành vi của người lạ khi ở một mình trong thang máy. Nếu có gì kỳ lạ thì cách thông minh nhất là bấm dừng lại ở tất cả các tầng và kêu cứu. chắc chắn sẽ không ai dám tấn công trẻ khi mà cửa mang máy cứ liên tục mở.
Hiểu Đan