(Tổ Quốc) - Những lời của bác sĩ sau đó khiến người mẹ không tin vào tai mình.
Hy vọng con mình thi đỗ điểm cao, vào được trường điểm, trường chọn, không ít bậc cha mẹ đang bước vào cuộc đua nước rút, ra sức đầu tư cho con, vô hình trung tạo ra áp lực cho chính bản thân mình và cả trẻ nhỏ. Ngoài việc học ra thì trẻ hiếm khi có cơ hội được thư giãn.
Cô Lý (Trung Quốc) là mẹ của một đứa trẻ 10 tuổi, dù con năm nay mới học tiểu học nhưng cô cũng lo lắng không kém phụ huynh của học sinh cuối cấp 3. Thực ra cô cũng thương con nhưng nhìn những bố mẹ xung quanh còn gấp gáp hơn, cô không muốn con mình tụt hậu, vì vậy đành "nhắm mắt" ghi danh cho con mình vào nhiều trường luyện thi và các lớp học năng khiếu. Sau giờ học hàng ngày, đứa trẻ phải vội vã đến các trường luyện thi, và dù về nhà lúc tám, chín giờ, nhưng em vẫn phải tiếp tục viết bài tập mà giáo viên đã giao.
Thành tích của đứa trẻ thực sự rất xuất sắc, nhưng cô Lý lại phớt lờ cơ thể đứa trẻ đang từ từ "bật đèn đỏ", có dấu hiệu kiệt sức, không tập trung. Một ngày, khi đang làm bài tập về nhà, đứa trẻ đột nhiên hôn mê, cô Lý hoảng sợ ngay lập tức đưa con trai đến bệnh viện.
Những lời của bác sĩ khiến người mẹ không tin vào tai mình: ''Các cơ quan của đứa trẻ hiện đang suy yếu nghiêm trọng". Cậu bé 10 tuổi nhắm mắt vĩnh viễn sau đó không lâu mà nguyên nhân cái chết là do làm việc quá sức.
Tuyệt vọng, cô Lý trở về nhà như một xác chết biết đi, cùng lúc đó lại phát hiện trên bàn để lại tờ giấy đỏ khi dòng chữ "Bố mẹ họp phụ huynh xong rồi, đừng đánh con" như con dao đâm vào trái tim đang đau khổ của người mẹ này. Cô vỡ òa trong nước mắt.
Trên thực tế, Burn-out hay kiệt sức đang biến thành một “dịch bệnh”. Nó không chỉ “lây lan” trong môi trường công sở, mà còn tồn tại trong học đường, ảnh hưởng không nhỏ tới thể chất và tâm trí của học sinh. Theo một số liệu liên quan, 80% trẻ em thiếu ngủ trầm trọng, và tỷ lệ cận thị của học sinh tiểu học đã lên đến 40%.
Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ đối với con cái của họ không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của trẻ mà còn gây tổn hại đến sức khỏe thể chất của trẻ. Cũng chính vì khối lượng học tập dày đặc mà sự hứng thú, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ bị hạn chế rất nhiều.
Các bậc cha mẹ hãy tự ngẫm lại mình, tại sao lại tạo áp lực quá lớn cho con cái khi đáng lẽ chúng phải tận hưởng một tuổi thơ hạnh phúc?
Sự kỳ vọng của phụ huynh về thành tích học tập của con cái đã vô tình đặt gánh nặng lên vai trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại đổ thừa cho chương trình học quá nặng, khiến trẻ học trên lớp chưa hiểu, chưa đủ, buộc phải học thêm ở nhiều nơi.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ tạo áp lực học hành cho con cái, một phần lớn nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân họ, cả đời "sống tầm thường" nên không nỡ để con cái tầm thường, và hy vọng rằng con cái có một tương lai tươi sáng, bù đắp cho những hối tiếc chưa làm được của chính mình.
Bên cạnh đó, trong thời đại ngày nay khi sinh viên đại học tràn lan khắp nơi và thạc sĩ không còn là điều hiếm gặp, các bậc cha mẹ luôn đầy ắp những lo lắng cho tương lai của con cái mình. Họ sợ con mình tụt hậu, cuộc sống sau này không hạnh phúc nên cố gắng hết sức để con được học hành nhiều nhất có thể.
Họ cũng bị lây nhiễm bệnh từ cha mẹ khác, nhìn thấy những đứa trẻ khác học luyện thi hay kỹ năng, họ không thể ngồi yên.
Là cha mẹ, chúng ta nên suy nghĩ dưới góc độ của trẻ, rằng con thực sự muốn gì? Phụ huynh ép con cái học hành với suy nghĩ muốn tốt cho con, nhưng phải biết rằng trẻ em rất mỏng manh, sức sống yếu ớt giống như một sợi dây chun, chúng ta luôn muốn phát huy hết khả năng của trẻ nhưng nếu kéo căng quá mức có thể sẽ bị đứt.
Cha mẹ nên quan sát và nói chuyện cởi mở với con trẻ, đồng thời nhận biết kịp thời các dấu hiệu kiệt sức của con, như: Trẻ mệt mỏi, thậm chí khóc khi làm bài tập về nhà, đó là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã vượt quá mức chịu đựng. Trẻ đang bất lực và không biết phải giải quyết mọi việc ra sao.
Hãy lắng nghe những gì trẻ nói, đặc biệt là những câu thể hiện sự mệt mỏi, kiệt quệ như "quá sức", "con không biết bắt đầu từ đâu", "không thể kiểm soát", "không làm được"… Hãy dành nhiều thời gian ở bên cạnh con, ít nhất một giờ mỗi tuần, để nói chuyện nghiêm túc về những gì đang xảy ra. Nếu thấy con quá căng thẳng, hãy gợi ý những trò giải trí hoặc để con được nghỉ ngơi. Trường hợp cha mẹ không biết làm gì, hãy tìm đến chuyên gia.
Hiểu Đan