(Tổ Quốc) - Con gái 6 tuổi tử vong, người bố bị tạm giữ hình sự... Trong phút chốc, một gia đình đang yên lành bỗng dưng thành tang thương, tù tội. Bao nhiêu câu “giá như” chắc hẳn sẽ được đặt ra, nhưng hối hận đến mấy thì cũng quá muộn màng...
Lâu lâu, một vụ bạo hành trẻ em lại dấy lên, khiến chúng ta – nhất là những người đã làm mẹ, làm cha thấy xót xa, thương cảm. Nuôi con, dạy con, có ai không một đôi lần giận quá mất khôn, từ một lời mắng chửi, trong cơn bốc hỏa có khi thành một trận đòn roi. Dù vậy, giới hạn giữa sự răn đe và bạo hành đôi khi rất mong manh, thiếu kiềm chế một lúc, hậu quả có khi ám ảnh một đời.
Người cha trong vụ bé gái 6 tuổi tử vong ở Hà Nội gây xôn xao mấy hôm nay cũng vậy. Anh ta khai nhận chi tiết với luật sư việc đánh con gái tại nhà vào trưa 16/9 do con chậm tiếp thu. Theo luật sư, khi lực lượng chức năng đưa về nhà để làm việc, người bố liên tục gào khóc, nói muốn chết và nhiều lần đập đầu vào cửa kính.
Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, chúng ta đặt ra nhiều giả thiết, rằng người bố trong vụ việc không cố tình đánh con đến mức tử vong. Người này có thể do bực tức, nóng giận không thể kìm nén, đã dùng một vật đánh vào trúng chỗ hiểm trên cơ thể con gái. Nhưng dù với bất cứ lý do nào, người bố cũng sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm theo đúng quy định và tính mạng của một đứa trẻ cũng không bao giờ có thể lấy lại được nữa.
"Con nhà người ta" nhưng... không phải con mình
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Diệp Quang, cái chết thương tâm của bé gái với nghi vấn do bố bạo hành cho thấy một điều, con trẻ luôn có thể trở thành nạn nhân cho những bức xúc, dồn nén, kỳ vọng của bố mẹ: "Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bạo hành từ thể chất đến tinh thần, nhiều vụ không bộc lộ hậu quả ngay lập tức nên chưa được phát hiện ra, sau đó cứ bị dồn nén như một cái lò xo, đến khi nó bung lên thì có khi không thể cứu vãn nữa".
Ông Khanh cũng cho biết thêm, hoàn cảnh dịch bệnh bó hẹp không gian sinh hoạt, đã khiến cho không chỉ những gia đình trở thành F0 hay F1 mới bị tổn thương mà ngay cả ở những gia đình chưa rơi vào tình trạng phải thở oxy cũng đã mất đi sinh khí của cuộc sống, dễ ức chế. Đôi khi chỉ là những lỗi lầm nhỏ nhặt của con cũng có thể khiến cho bố mẹ bùng nổ, rơi vào trạng thái "giận cá chém thớt".
Những muộn phiền công việc, những lo âu về sức khỏe, cơm áo gạo tiền,... tất cả những thứ đó thường được các ông bố bà mẹ mang về nhà và không đâu dễ bằng việc trút giận lên những đứa con bởi chúng không thể chống đỡ, không thể nói lại. Xã hội cũng chưa có đủ các văn bản pháp quy để có thể bảo vệ "những người yếu thế" trong phạm vi gia đình, dù trên lý thuyết thì không thiếu, nhưng lại chung chung và không có những mức phạt đủ sức răn đe!
Đa số phụ huynh đánh mắng con khi học xuất phát từ kỳ vọng quá lớn vào con cái của mình, điều này cũng vì tình yêu thương và nỗ lực dành cho con em mình những gì tốt nhất. Tuy nhiên, chúng ta không thể nôn nóng hoặc "bắt con cá leo cây", bởi mỗi đứa trẻ sinh ra có những khả năng và tốc độ tiếp thu khác nhau. Bố mẹ nên học cách "tự bằng lòng", đừng lấy những hình ảnh "con nhà người ta" để áp đặt vào con mình. Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện.
Ghét bỏ, bạo hành hay nuông chiều vô lối đều dễ đánh mất con
Bên cạnh đó, từ trước đến nay, quan điểm con cái là "tài sản" của cha mẹ đã được xem là hiển nhiên, "tôi sinh ra nó thì nó là thuộc về tôi". Đặc biệt khi lớn lên, nếu con xinh xắn, học giỏi, thông minh, lanh lợi thì cha mẹ lại càng ấp ủ cưng chiều và hãnh diện. Trái lại, nếu chẳng may có một đứa con kém thông minh, ngơ ngáo... thì cảm thấy thất bại, đầy mặc cảm.
"Từ tâm lý ấy, dẫn đến 2 thái cực: Một là chiều chuộng thả phanh, hai là áp đặt vô điều kiện và dễ dàng đi đến sự bạo hành từ tinh thần đến thể chất, với lý do giáo dục hay uốn nắn con nên người. Đôi khi hai thái độ này lại trộn lẫn với nhau! Có lúc thì chiều con đến vô lý, và cũng có khi chửi mắng, đánh đập con như kẻ thù. Đây chính là hai thái cực rất dễ để đánh mất con. Sự cưng chiều thì sẽ đưa đến những đứa con ỷ lại, kiêu ngạo và ích kỷ. Còn sự bạo hành thì làm tổn thương từ tâm lý đến thể chất của con. Trong giai đoạn còn nhỏ thì có khi bố mẹ chưa nhận ra là càng nuông chiều hay càng bạo hành thì đứa con càng xa mình", chuyên gia Lê Khanh chia sẻ.
Ông Khanh cho biết, mình từng tiếp nhận tư vấn những đứa trẻ ở lứa tuổi thiếu niên nhưng đã có những hành vi và lời lẽ đầy oán ghét, thậm chí là căm thù những người đã sinh ra mình, chống đối công khai. Có trường hợp thì yêu sách, đòi hỏi những điều cực vô lý, mà tội nghiệp bố mẹ lại nghĩ trẻ bị bệnh... tâm thần.
"Không phải ngẫu nhiên mà trẻ lớn lên với tâm thế đầy chống đối hoặc coi mình là cái rốn của vũ trụ như thế. Những tổn thương, do những lời lẽ cay nghiệt hay có khi lại là sự chiều chuộng thái quá khi trẻ còn nhỏ đã "giết chết" lòng tự trọng cũng như sự yêu thương và tôn trọng mà lẽ ra con cái cần phải có với đấng sinh thành", ông Khanh nói.
Bảo vệ sức khỏe tâm thần cho gia đình - vấn đề cấp bách
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh chia sẻ, số lượng bố mẹ tìm đến chuyên viên để tư vấn về khả năng kiểm soát nóng giận của mình khá ít, thông thường, họ chỉ đưa con đến vì sự chống đối hay trầm cảm của con, và trong quá trình tư vấn mới tình cờ phát hiện ra họ đã dạy dỗ con bằng bạo lực.
Sẽ rất khó có một lời khuyên nào khi hậu quả thương tâm đã xảy ra và vì thế, việc bảo vệ sức khỏe tâm thần cho gia đình, từ người lớn đến trẻ em là một nhu cầu cấp bách. Tuy nhiên, điều này thực sự khó khăn. Những liệu pháp tâm lý hay những lời khuyên của các nhà mô phạm, các chuyên gia chỉ có thể phát huy tác dụng khi cái tâm lý "xấu che tốt khoe" bớt nặng nề trong mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam. Ít ai muốn phơi bày những cái dở, cái xấu của mình trong việc ứng xử giữa bố mẹ và con cái để từ đó có thể giúp nhận ra những điểm yếu để có thể điều chỉnh.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, mở lòng và suy nghĩ tích cực là chìa khóa để giảm bớt căng thẳng và lo lắng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, hãy luôn cố gắng nhìn rõ bản chất, mức độ của vấn đề và sẵn sàng chia sẻ những vướng mắc tâm lý với người thân, bạn bè... để kịp thời tìm ra hướng giải quyết.
"Mỗi khi tức giận, bố mẹ có thể nhắm mắt lại và đếm đến 10 để giảm lượng adrenaline (chất do tuyến thượng thận tiết ra khi tức giận) trong não của bạn, sau đó hít thở sâu để bình tĩnh lại. Bạn cũng có thể áp dụng kĩ thuật thở 4-4-4, hít vào trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây, rồi thở ra chậm rãi trong 4 giây. Hãy lặp đi lặp lại kĩ thuật này cho đến khi bạn cảm thấy mình đủ bình tĩnh để phản ứng với con. Hoặc đơn giản hơn, ngồi xuống, uống từng ngụm nước nhỏ cũng giúp hạ hỏa.
Trên hết, bố mẹ cần nhớ, xâm hại đối với trẻ em không chỉ đơn thuần là bạo lực, mà đôi khi chỉ cần một câu dọa, một câu xúc phạm” cũng nghiêm trọng không kém việc bị hành hạ thể xác. Và trẻ em khi gặp sang chấn về tâm lý sẽ rất khó để tự lành, nhiều khi tổn thương về tâm lý sẽ kéo dài cả đời, làm thay đổi sự phát triển của trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ từ 2-11 tuổi khi bị kích động quá mức sẽ có khuynh hướng bỏ chạy hay phản kháng bằng bạo lực, từ chối tiếp nhận giáo dục", chuyên gia cho biết.
Hạ Uyên