(Tổ Quốc) - Đối với trẻ nhỏ, chỉ một phút lơ là cũng có thể khiến bé gặp nguy hiểm tính mạng.
Một tai nạn nguy hiểm ở trẻ nhỏ vừa xảy ra tại nhà chị Lưu Kiều Trang (ở Hà Nội). Cụ thể, chị Trang để 2 con là bé Tôm (4 tuổi) và Bắp (19 tháng tuổi) chơi cùng nhau.
Trong lúc chơi tô màu, bé Bắp cắn một mẩu bút sáp màu vào trong miệng. Thấy vậy, bé Tôm liền cho tay vào miệng em để móc mẩu bút ra nhưng không được nên chạy đi gọi mẹ. Bé Bắp thấy anh chạy đi thì khóc, làm cho mẩu bút sáp trôi vào trong họng.
Bé gái 19 tháng tuổi bị hóc dị vật, đang chạy đi tìm mẹ thì ngừng thở, bất động.
"Lúc đó mình thấy con mặt mũi tím tái, ngưng thở, không cử động. Mình nhìn thì đoán ngay là con bị hóc vì bình thường cháu mà tranh giành đồ chơi với anh là sẽ khóc rất lâu.
Lần này bé chỉ gào khóc 2 câu rồi im bặt thì chắc chắn có chuyện chẳng lành. Thế là mình bế dốc ngược con xuống để dị vật không tụt sâu vào bên trong, sau đó liên tục vỗ vào lưng bé cho dị vật rơi ra.
Mình cũng hoảng nên vừa vỗ lưng con, vừa chạy ra cửa gọi mọi người giúp đỡ, vì nhà có mỗi 3 mẹ con, bố bọn trẻ đi công tác. May sao một lát là mẩu bút chì rơi ra, dài bằng 1 đốt rưỡi ngón tay.
Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 2 phút từ lúc cháu bị hóc đến khi dị vật rơi ra ngoài. Bản thân mình lúc đó cũng chẳng nghĩ được gì, chỉ làm theo bản năng của người mẹ khi thấy con gặp nguy hiểm thôi" - chị Trang nhớ lại.
Phát hiện sự việc, chị Trang nhanh chóng dốc ngược con, vỗ vào lưng bé để dị vật rơi ra ngoài.
Sau khi mẩu bút sáp văng ra ngoài thì bé Bắp mới khóc được thành tiếng, mặt hồng hào trở lại. Bé sợ nên đòi mẹ bế 30 phút rồi lại chơi với anh bình thường.
Đến giờ nghĩ lại tình huống nguy hiểm, chị Trang vẫn còn run bần bật. Đã có rất nhiều vụ việc trẻ nhỏ bị hóc dị vật để lại hậu quả nghiêm trọng, chỉ một vài phút chậm trễ là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bé.
"Sau sự việc này, mình cũng cẩn thận hơn rất nhiều khi trông con, phải liên tục ngó xem bé đang làm gì. Có khi đang làm việc dở tay cũng phải bỏ đấy xem con thế nào hoặc gọi bé lớn chơi cùng em còn để ý em" - chị Trang nói thêm.
Hóc dị vật là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ. Do đó, phụ huynh cần trông chừng con cẩn thận, để những vật có kích thước nhỏ xa tầm tay của trẻ, đồng thời nắm được phương pháp sơ cứu khi con không may bị hóc.
Cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật:
- Bố mẹ không dùng tay móc họng trẻ, việc này sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn.
- Nếu trẻ tỉnh táo, hồng hào, nói được, không khó thở thì giữ nguyên tư thế ngồi, đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
- Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc, không nói được thì cần gọi ngay xe cấp cứu. Trong lúc chờ, bố mẹ đặt con nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót của bàn tay thuận đập vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương vai) khoảng 5 lần liên tục. Nếu dị vật chưa văng ra, bố mẹ đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa ấn thẳng 1 góc 90 độ vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ), thực hiện 5 lần.
- Lặp lại các động tác cho đến khi dị vật văng ra hoặc xe cấp cứu đến.
Lam Giang