(Tổ Quốc) - Cứ ngỡ, ông bố Hà Nội phải có cả chồng sách dày cộp, chứa toàn bí kíp cao siêu nhưng sự thật lại khác xa tưởng tượng!
Thời buổi hội nhập quốc tế, ngày càng nhiều gia đình chú trọng dạy song ngữ cho con từ nhỏ. Tuy nhiên việc học thêm một ngôn ngữ chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Nếu không có phương pháp dạy dỗ đúng cách, bố mẹ rất dễ khiến con bị rối loạn ngôn ngữ. Trẻ sẽ rơi vào cảnh: "Tiếng Ta chưa sõi mà tiếng Tây cũng chẳng xong".
Với gia đình anh Nguyễn Quốc Tư (sinh năm 1991), hiện đang sinh sống tại Hà Nội, đó lại là câu chuyện khác. Anh Tư hiện đang là giám đốc một công ty giáo dục, đồng thời là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ (NCS.TS) tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc). Vợ anh là người Ukraine, hiện cũng là NCS.TS tại Đại học Cát Lâm.
Cả hai có một bé gái tên Nguyễn Elizabeth, năm nay 3 tuổi. Ở độ tuổi mầm non, nếu nhiều đứa trẻ vẫn còn nói chưa sõi thì con gái anh Tư đã "bắn" tằng tằng đến 5 ngôn ngữ, bao gồm: Việt, Anh, Trung, Ukraine, Nga. Đây là điều khiến ai nghe qua cũng phải kinh ngạc.
Rất nhiều phụ huynh đã nhắn tin cho anh Nguyễn Quốc Tư để hỏi xin bí quyết dạy con thành thạo nhiều ngoại ngữ. Cứ ngỡ, ông bố Hà Nội phải có cả chồng sách dày cộp, chứa toàn bí kíp cao siêu nhưng sự thật lại khác xa tưởng tượng! Anh Tư cho biết, mình không hề dạy con theo chủ đích. Thay vào đó, hai vợ chồng chú trọng tạo nên một điều đặc biệt cho Elizabeth.
Trong cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi, anh Tư đã có những chia sẻ đầy thú vị.
"Vợ chồng mình tạo "môi trường ngôn ngữ sống" cho con, không phải "môi trường ngôn ngữ chết"
- Được biết bé Elizabeth hiện nói được tới 5 thứ tiếng. Vậy bé đã học nói ngôn ngữ nào đầu tiên?
Thật ra vợ chồng mình không dạy đâu mà con tự tiếp thu ngôn ngữ. Năm 2014, mình sang Trung Quốc học tập và làm việc. Elizabeth sinh năm 2018 ở Bắc Kinh nên ngôn ngữ đầu tiên con tiếp thu là Tiếng Trung. Xung quanh mọi người, kể cả bố mẹ đều nói Tiếng Trung nên con dần dần hấp thụ ngôn ngữ đó.
Đến khi con hơn 1 tuổi, gia đình mình chuyển về Việt Nam. Lúc đó mình đi làm từ sáng sớm đến tối muộn nên Elizabeth ở nhà với mẹ nhiều hơn. Mẹ toàn nói Tiếng Ukraine nên con lại hấp thụ thêm thứ tiếng này. Vậy là ở nhà con nói Tiếng Ukraine với mẹ, đến khi bố về thì nói Tiếng Trung với bố.
Khoảng mấy tháng sau thì mình cho con đi học trường mẫu giáo song ngữ Anh - Việt ở gần nhà. Bé biết thêm 2 ngôn ngữ này và luôn nói chuyện với ông bà nội bằng Tiếng Việt. Còn Tiếng Nga thì có nhiều phần giống với Tiếng Ukraine. Bé hấp thụ ngôn ngữ này nhờ xem các chương trình TV, hoạt hình của Nga. Tuy nhiên Elizabeth nói Tiếng Nga ít hơn so với 4 thứ tiếng còn lại.
Bé gái 3 tuổi nói 5 thứ tiếng
Hiện tại, Tiếng Việt, Trung và Ukraine là 3 thứ tiếng mà con thành thạo nhất. Thời gian trước, mình thấy con nói Tiếng Trung tốt hơn, nhưng giờ ở Việt Nam nên con bắt đầu suy nghĩ mọi thứ bằng Tiếng Việt trước.
- Biết nhiều thứ tiếng như vậy, có bao giờ Elizabeth bị rối loạn ngôn ngữ?
Không đâu, vì với mỗi người trong gia đình, con lại nói bằng một thứ tiếng khác. Với bố là Tiếng Trung, mẹ là Tiếng Ukraine và ông bà nội là Tiếng Việt. Gia đình mình nhất quán khi sử dụng ngôn ngữ với con, tránh con bị rối loạn.
Tuy nhiên trẻ nhỏ có nhiều từ không rõ và thường nói từ đó bằng thứ tiếng mà mình biết. Lúc nhỏ khi Elizabeth đếm số từ 1-10, bé nghĩ đến tiếng nào thì sẽ nói thứ tiếng đó trước. Nhưng đó không phải rối loạn ngôn ngữ đâu. Khi bắt đầu hội thoại, chỉ cần nói một chút thôi là con sẽ nhanh chóng thích nghi và không bị nhầm.
- Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất khi dạy trẻ học ngoại ngữ?
Khi con học tiếng, mình luôn đặt "môi trường" lên đầu tiên. Nói thật, mình không dạy theo chủ đích mà chỉ tạo cho Elizabeth một môi trường ngôn ngữ. Đó phải là "môi trường sống", không phải "môi trường chết", "môi trường một chiều" như nghe ghi âm, xem Youtube,...
"Môi trường sống" phải có sự tương tác trực tiếp, chẳng hạn như nói chuyện qua lại trong gia đình, hay nói chuyện với bạn bè, thầy cô trên lớp,... Với Tiếng Việt, Trung, Ukraine; Elizabeth nói tốt nhất vì có môi trường tương tác tốt. Còn Tiếng Anh, Tiếng Nga thì kém hơn.
Bởi với Tiếng Anh, bé chỉ tương tác với 1 thầy giáo dạy chuyên tại trường, sau đó là xem TV và cuối cùng là nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Anh. Tần suất sử dụng kém hơn và môi trường "đầu vào" cũng ít hơn nên bé hay bí từ. Còn với Tiếng Nga, bé chỉ nghe và không nói chuyện nhiều nên cũng nói kém hơn, đôi lúc còn không phân biệt được tiếng Nga và Ukraine.
Yếu tố thứ hai, như mình nói ở trên, đó là sự nhất quán ngôn ngữ. Bố mẹ không thể nói lẫn lộn các thứ tiếng mà phải thống nhất chỉ nói thứ tiếng nào với con. Nếu bố mẹ lúc nói Tiếng Anh, lúc nói Tiếng Việt, Tiếng Trung thì con rất dễ bị loạn. Đây là tình trạng mà mình nhận thấy ở nhiều gia đình dạy song ngữ cho con.
"Nếu giỏi ngoại ngữ, bạn không bao giờ lo chết đói"
- Nếu bố mẹ không giỏi ngoại ngữ, làm thế nào để tạo môi trường cho con?
Để có một môi trường "sống" và "tương tác thật", bố mẹ cần phải nói ngôn ngữ đó ở nhà với nhau nếu có thể. Dần dần trẻ sẽ tự nói theo. Nếu chỉ có một người biết thì cần thuê thêm giáo viên. Nếu trẻ lớn thì có thể học, trẻ nhỏ thì chơi các trò chơi có giao tiếp nhiều với trẻ. Thuê giáo viên bản ngữ đến nhà chơi với trẻ cũng là một cách rất tốt nếu phụ huynh không quá lo ngại tốn kém. Học trường quốc tế, song ngữ cũng là một giải pháp.
Tuy nhiên, tốt nhất là bố mẹ cũng cần phải trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình. Bởi khi bố mẹ nói tốt thì mới có thể biết được trình độ của con đang đến đâu, cũng như đồng hành tốt nhất cùng con.
- Nhiều trường hợp trẻ học song ngữ bị nói chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Theo anh, điều này có đáng lo?
Không đâu! Nhiều nghiên cứu thấy trẻ sinh ra trong gia đình đa ngôn ngữ sẽ biết nói chậm hơn. Lý do là nhiều khi 1 đồ vật bé nghe thấy nhiều lần khác nhau dẫn đến khó nhớ. Ví dụ bé nhà mình 18 tháng tuổi mới bắt đầu nói những câu đơn giản và thường thì 1 đồ vật bé nghĩ ra ngôn ngữ nào trước sẽ nói bằng ngôn ngữ đó.
Thực ra ở tuổi đó bé chưa biết ngôn ngữ là gì. (Tầm 2 tuổi rưỡi thì bé nhà mình đã hiểu được thế nào là ngôn ngữ và có thể lựa chọn lại từ khi được yêu cầu). Tuy nhiên chậm nói thì chậm nói nhưng đến khi bé biết nói thì lại tiếp thu rất nhanh vì thời gian “ấp” cũng khá lâu.
- Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ học nhiều ngôn ngữ sẽ thông minh hơn. Với Elizabeth, anh thấy điều này có đúng không?
Mình đọc nhiều nghiên cứu cũng thấy các nhà khoa học nhận định học nhiều ngôn ngữ sẽ khiến não bộ của trẻ phát triển hơn. Cá nhân mình cũng cảm thấy điều này. Elizabeth nhà mình đi học thường được các cô khen thông minh và nhanh nhạy so với các bạn khác. Các thành tích múa, hát đều đứng đầu. Bé còn phiên dịch cho cả bố mẹ nữa. Mà phiên dịch không phải chuyện dễ. Nhiều người biết tiếng nhưng lại không phiên dịch được.
- Anh nghĩ sao về "độ tuổi vàng" học ngôn ngữ? Qua giai đoạn vàng, trẻ còn cơ hội học?
Nhiều người cho rằng "độ tuổi vàng" là 0-3 nhưng mình đọc thêm khá nhiều nghiên cứu và nhận thấy "độ tuổi vàng" là 1-12. Tất nhiên qua "độ tuổi vàng" thì trẻ học ngoại ngữ chậm hơn.
Bởi lúc nhỏ, trẻ học theo tiếp thu tự nhiên. Càng lớn trẻ sẽ càng bị tiếng mẹ đẻ chi phối, gây ra những khó khăn và chướng ngại nhất định khi các điểm không tương đồng trong ngôn ngữ xuất hiện. Khi qua "độ tuổi vàng", trẻ vẫn có thể học được ngoại ngữ, chỉ là không được hiệu quả bằng.
- Trong tương lai, anh có định cho Elizabeth học thêm một ngôn ngữ nào khác?
Mình dự định cho bé học thêm một số ngôn ngữ ở châu Âu như Tiếng Tây Ban Nha, Đức hoặc Pháp. Những ngôn ngữ này có sự tương đồng với Tiếng Anh, Tiếng Ukraine, khi học thêm cũng dễ dàng hơn.
Nhưng như mình đã chia sẻ trước đó, mình không chủ đích dạy mà muốn cho con tiếp xúc tự nhiên bằng cách chuyển sang châu Âu sống, hoặc tìm trường song ngữ cho con. Thực sự, việc học thêm ngôn ngữ có rất nhiều lợi ích, vừa biết thêm về một nền văn hóa, vừa có nhiều cơ hội công việc.
Trước đây, mình học chuyên về công nghệ thông tin, nhưng sau đó chuyển sang học Tiếng Trung. Nhờ vậy mà mình giành được học bổng dành cho chuyên gia ở bên Trung Quốc, với mức đãi ngộ gần 40 triệu đồng/tháng. Hay với các bạn học sinh của mình hiện tại chẳng hạn.Với nghề kế toán, nếu không biết Tiếng Trung thì lương khoảng 8 triệu, biết thêm tiếng thì lương đến 15-20 triệu đồng/tháng. Nếu giỏi một ngoại ngữ, bạn sẽ không bao giờ chết đói!
- Cảm ơn chia sẻ của anh Nguyễn Quốc Tư!
Thanh Hương