(Tổ Quốc) - Một bài văn chỉ vỏn vẹn 3 dòng xuất hiện không mang lại tiếng cười mà là sự ngậm ngùi.
Sự hồn nhiên, đáng yêu của trẻ con luôn khiến mọi người cảm thấy thích thú. Càng đặc biệt hơn khi suy nghĩ, cảm nhận của các em về mọi người cũng như cảnh vật xung quanh được hiện lên sống động trong từng câu chữ hành văn.
Vậy nên mới có những đoạn văn tả bố, tả mẹ, tả người thân khiến ai đọc cũng phải ôm bụng cười bởi văn phong tả "không thể chân thật hơn". Chẳng hạn như: Nhà em có nuôi một ông bố. Bố em tên là Nguyễn Đức Cảnh, 35 tuổi. Bố em rất đẹp trai, mũi lợn, mồm rộng, mắt híp. Bố em rất giỏi, làm ba việc một lúc. Bố vừa ị, vừa xem điện thoại, vừa hút thuốc lá.
Ở nhà bố cãi mẹ như chém chả. Bố cũng nấu cơm giúp mẹ. Ăn xong bố cũng thích rửa bát. Bố trồng một vườn hoa hồng rất đẹp để tặng mẹ. Bố bảo mẹ em phúc mười đời mới lấy được bố. Bố dạy em học, đi xe đạp, thả diều. Em yêu bố em.
Thế nhưng mới đây, một bài văn chỉ vỏn vẹn 3 dòng xuất hiện không mang lại tiếng cười mà là sự ngậm ngùi. Khi được yêu cầu: Viết 1 - 2 câu kể lại một việc bố đã làm cho em, với gợi ý: Bố đã làm việc gì? Em nghĩ gì về việc làm của bố? Học sinh lớp 1 đã viết: "Con từ bé ở với mẹ. Con không ở với bố. Tất cả là mẹ làm cho con".
Sự chân thật, ngây thơ của học sinh này khiến nhiều người lớn vừa xót xa vừa cảm động. Thay vì "viết đại" một việc làm nào đấy, em đã thành thật chia sẻ hoàn cảnh của mình. Đúng vậy, đâu phải đứa trẻ nào cũng may mắn có đủ cả bố lẫn mẹ trên hành trình lớn lên của mình. Với nhiều đứa trẻ, bố chơi trò chơi cùng, mua cho một món quà, chở đi chơi... là chuyện quá dễ dàng, nhưng với một ai khác thì có thể là điều xa xỉ.
Bên cạnh đó, chữ viết gọn gàng sạch sẽ, nắn nót của em học sinh cũng nhận về nhiều lời khen. "Gia đình khuyết mẹ hoặc bố thì trẻ thơ thật thiệt thòi, mong con học giỏi và trân trọng mẹ nhé con yêu. Chữ con quá đẹp"; "Trẻ em là thế. Rất hồn nhiền. Vậy tại sao lại bắt các em rập khuôn những bài văn mẫu vô hồn?",... một số cư dân mạng nhận xét.
Hiểu Đan