Bài văn gửi mẹ siêu ngắn, đầy lỗi chính tả lại gạch xóa nhưng đọc xong thầy giáo phải thốt lên: Tôi ấn tượng vô cùng

(Tổ Quốc) - "Tôi tin chắc mẹ của bạn ấy cũng có chung cảm xúc khi đọc được những dòng này. Tình cảm chân thật, thuần khiết và thực tế là điều mà tôi luôn đi kiếm tìm".

"Là Hến đây. Chào mẹ, như mẹ đã thấy thì con đang làm bài tập về nhà môn Văn, đề bài là "gửi một bức thư cho mẹ sau khi đọc bài Văn Trong lòng mẹ". Con sẽ không cảm ơn vì đã sinh ra con đâu, vì nếu không phải con thì cũng là một đứa bé khác thôi. Thay vì lời cảm ơn vô nghĩa đó con sẽ cố gắng làm cho bố mẹ vui bằng cách học làm mọi thứ con có thể, để khi đạt được thành công thì cả nhà chúng ta sẽ đều vui chứ không phải vui vì lời cảm ơn vô ích kia" - Đó là những dòng viết về mẹ của một học sinh ở Hà Nội, không hoa mỹ, không đao to búa lớn, ngợi ca nhưng nhận về nhiều sự yêu mến.

Đây là bài viết, theo thầy giáo Hải Đăng là của một bạn học trò siêu sợ văn về mẹ. "Bài viết siêu ngắn, chữ cũng không được nắn nót, còn gạch xóa, thậm chí sai lỗi chính tả. Nhưng tôi ấn tượng vô cùng. Tôi tin chắc mẹ của bạn ấy cũng có chung cảm xúc khi đọc được những dòng này. Tình cảm chân thật, thuần khiết và thực tế là điều mà tôi luôn đi kiếm tìm".

Bài văn gửi mẹ siêu ngắn, đầy lỗi chỉnh tả lại gạch xóa nhưng đọc xong thầy giáo phải thốt lên: Tôi ấn tượng vô cùng - Ảnh 1.

Dù trình bày còn "lên đèo xuống dốc, gạch xoá nhiều quá, viết hoa tùy tiện" nhưng qua bài Văn có thể thấy, tác giả là một học sinh có cá tính.

Nhiều người cũng cho rằng, dù trình bày còn "lên đèo xuống dốc, gạch xoá nhiều quá, viết hoa tùy tiện" nhưng qua bài Văn có thể thấy, tác giả là một học sinh khác biệt và có cá tính. Việc khuyến khích các bài viết sáng tạo để các em được bộc lộ năng lực và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép của giáo viên cũng rất đáng hoan nghênh. 

Thầy Đăng cũng chia sẻ thêm, bài viết của học sinh khiến thầy nhớ về bài văn điểm 10 của mình năm lớp 7. "Lúc tôi tự hào lắm, tự hào trước bao ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè. Tự hào đến nỗi tôi luôn cất bài đó ngăn nắp trong túi kiểm tra, thi thoảng lại mở ra đọc, đọc ở lớp, ở nhà, đọc cho mọi người nghe. Lúc đó tôi tin chắc mọi người sẽ hãnh diện lắm, nhất là mẹ tôi. (Khi mẹ đọc, tôi thấy mẹ vui).

Nhưng càng lớn, càng biết nhiều, viết nhiều, tôi càng xấu hổ khi nghĩ về bài văn đó. Vì sao à? Vì bài đó, tôi viết không phải về mẹ tôi. Mẹ tôi không có trán cao, không có mũi dọc dừa, công việc của mẹ không nhàn hạ như bao người khác và những kỉ niệm mà tôi kể trong bài cũng không phải kỉ niệm có thật. Đó là kỉ niệm trong dàn ý cô hướng dẫn. Lúc đó tôi cũng ngại, không dám viết những điều chân thật mà lại tạo ra một người mẹ từ một khuôn mẫu sẵn có. Vậy nên người mẹ tôi kể trong bài văn đó giống y như mẹ của bao bạn khác ở lớp, kỉ niệm thì cũng y hệt".

Để giúp học sinh phá bỏ tư duy lối mòn trong học tập, hàng tuần thầy Đăng thường hay cho các em viết các bài văn theo chủ đề tự do không theo một khuôn mẫu nào cả. Ở đó có vui có buồn, có hồi hộp, gay cấn, có những tâm tư, nỗi niềm, là tình thương, nỗi nhớ, là cuộc đời. Và hơn hết, ở đó, các em không cần phải tả mẹ "trán cao, mũi dọc dừa" như những bà mẹ "văn mẫu" khác. Những bài văn được viết ra từ khả năng sáng tạo và sự tư duy tích cực của học sinh, dù có phần không hoàn hảo nhưng đó là những bài văn có thể chạm đến trái tim người.

Hiểu Đan

Tin mới