(Tổ Quốc) - Bài toán được một cư dân mạng chia sẻ ngay lập tức nhận về hàng trăm bình luận với những ý kiến trái chiều.
Một bài toán dành cho học sinh lớp 2, thoạt nhìn trông đơn giản, có thể hoàn thành trong 1 nốt nhạc nhưng đang trở thành tâm điểm tranh luận trong một hội nhóm dành cho các giáo viên. Theo đó, một phụ huynh đưa ra câu hỏi nhờ tư vấn. Người này cho biết mình đang tranh luận với một bạn đại học: "Đề bài là "Mỗi một con trâu có 4 chân. Hỏi 6 con trâu có bao nhiêu chân". Mình trả lời là 4*6 mà bạn đó cứ bảo là 6*4 cũng đúng. Mình cũng có đưa ra cách giải là: "Muốn tìm giá trị của một số nhóm ta lấy giá trị của một nhóm nhân với số nhóm" thì bạn đó không đồng ý công thức này. Mình cũng có giải thích là 4*6 là 4 lần số 6 tức là mỗi con trâu có 4 chân. Còn 6*4 là 6 lần số 4 nó không đúng với đề bài. Và bạn nói ngày xưa GV bạn dạy vậy nên giờ kết quả phải như vậy".
Với bài toán như trên, có hai luồng ý kiến khác nhau được đưa ra. Một bên cho rằng, 4x6 hay 6x4 đều cho kết quả giống nhau và đều đúng vì phép nhân có tính chất giao hoán: "4×6 và 6x4 không sai vì các cô cũng dạy mở rộng, khi đổi chỗ các thừa số thì tích không thay đổi". Tuy nhiên, hầu hết đều nhận định, phép tính đúng phải là 4x6. Dù đảo các thừa số cũng cho kết quả như nhau nhưng lại sai về bản chất bởi hoán vị chỉ sử dụng cho lớp 4 trở lên. Còn lớp 3 trở xuống dữ liệu nào cho trước phải đặt trước.
Luồng ý kiến này cho rằng, giáo viên phải hướng dẫn và nhấn mạnh vào câu hỏi cuối bài toán: Tìm số chân trâu, chứ không phải là tìm số con trâu (vì bài đã cho biết cụ thể là 6 con trâu). Đặt phép tính ngược lại vẫn đúng kết quả nhưng ở tiểu học chấm theo từng bước, đúng đến đâu cho điểm đến đó. Vì vậy, phép tính 4×6=24 (chân) đáp số thì mới được điểm tối đa.
Một người đưa ra ví dụ: 1 cây thước có độ dài là 10cm, hỏi 5 cây thước có tổng độ dài là bao nhiêu thì bạn phải lấy 10×5= 50cm, còn nếu ghi là 5×10 thì cũng bằng 50 nhưng đơn vị khi đó sẽ là 50 thước. Như vậy, 6x4 không sai về kết quả (con số) mà sai về đơn vị tính.
Một thầy giáo cho biết: "Theo mình đã hướng dẫn học sinh lớp 2 thì chính xác nhất sẽ là 4x6 vì học sinh lớp 2 đang làm quen bảng nhân. Chính vì vậy 4x6 mang nghĩa là 4 được lấy 6 lần hay 4 được lặp lại 6 lần (6 con trâu) như hướng dẫn bảng nhân. Còn trong chương trình lớp 4 nếu học sinh đã học tính chất giao hoán của phép nhân thì 6x4 vẫn được chấp nhận. Với lớp 2, đồng ý phép nhân có tính giao hoán nhưng trong trường hợp giải toán có lời văn thì không, viết phép tính sai nghĩa là không hiểu rõ bài muốn hỏi gì. Tuy là có tính chất giao hoán của phép nhân, nhưng mình muốn để học sinh hiểu, sau này còn áp dụng vào các bài toán khác nữa".
Bên cạnh đó, nhiều người cũng chỉ ra, chủ status nói đúng nhưng phần giải thích có nhầm lẫn. Bản chất của phép nhân hình thành từ phép cộng các số hạng bằng nhau, 4×6 là 6 lần số 4 (4 4 4 4 4 4) chứ không phải là 4 lần con số 6 (6 6 6 6).
Hiện bài toán vẫn đang nhận về nhiều bình luận của cư dân mạng.
Hiểu Đan