Đừng tưởng cứ là người lớn thì làm toán tiểu học dễ ẹc. Cứ tìm trên mạng mà xem, có bao nhiêu bài Toán lớp 1, lớp 2 khiến phụ huynh vò đầu bứt tóc rồi cũng xin giơ hai tay đầu hàng. Đến nỗi, hôm trước còn có một phụ huynh thảng thốt: "Trời ơi, dạy con làm Toán mà tôi nghĩ mình phải về học lại tiểu học" nhận được "bão like" của rất nhiều bố mẹ đồng cảnh ngộ.
Một phụ huynh cũng đã thắc mắc và lên mạng nhờ giải thích chỉ vì bài toán 4 x 9 = 36 bị giáo viên gạch sai. Xem thử bạn theo phía cô giáo hay học sinh nhé!
Bài toán gây tranh cãi: "Lớp 2A có một số học sinh, cô giáo xếp thành 4 hàng, mỗi hàng có 9 bạn. Hỏi lớp 2A có bao nhiêu học sinh". Giáo viên đã gạch chân phép tính 4x9 của học trò và sửa thành 9x4 rồi trừ điểm. Phụ huynh thắc mắc: "Các thầy cô cho em hỏi với đề bài như trên, con giải bài Toán trong ảnh sao lại sai ạ? 4x9 khác với 9x4"? Cảm ơn thầy cô rất nhiều.
Một bên cho rằng, 4x9 hay 9x4 đều cho kết quả giống nhau và đều đúng vì phép nhân có tính chất giao hoán, 4x9 hay 9x4 không sai vì các cô cũng dạy mở rộng, khi đổi chỗ các thừa số thì tích không thay đổi.
Tuy nhiên, hầu hết đều nhận định, phép tính đúng phải là 9x4. Dù đảo các thừa số cũng cho kết quả như nhau nhưng lại sai về bản chất bởi hoán vị chỉ sử dụng cho lớp 4 trở lên. Còn lớp 3 trở xuống dữ liệu nào cho trước phải đặt trước.
Một người đưa ra ví dụ: 1 cây thước có độ dài là 10cm, hỏi 5 cây thước có tổng độ dài là bao nhiêu thì bạn phải lấy 10×5= 50cm, còn nếu ghi là 5×10 thì cũng bằng 50 nhưng đơn vị khi đó sẽ là 50 thước. Như vậy, 4x9 không sai về kết quả (con số) mà sai về đơn vị tính. Kết quả bài toán này phải lấy 9 9 9 9 = 9x4 như cô giáo đã sửa chứ không phải 4 4 4 4 4 4 4 4 4 = 4x9 (đáp án học sinh).
- Về đáp số thì là đúng. Tuy nhiên nên lấy số học sinh nhân số hàng, sẽ đúng với yêu cầu của bài toán là tính số học sinh. Một hàng có 9 học sinh x 4 hàng, quan trọng là dạy suy nghĩ cho trẻ, Cô giáo có tâm đấy chứ.
- Tôi chọn 9 x 4 vì đề bài hỏi có bao nhiêu học sinh, vậy phải lấy số học sinh nhân với số hàng, quy ước trước giờ là vậy thì cứ làm theo, đừng có nói tính chất giao hoán hay gì gì đó, trẻ chưa học đến đó đâu.
Một thầy giáo cho biết: Với lớp 2, đồng ý phép nhân có tính giao hoán nhưng trong trường hợp giải Toán có lời văn thì không, viết phép tính sai nghĩa là không hiểu rõ bài muốn hỏi gì. Tuy là có tính chất giao hoán của phép nhân, nhưng mình muốn để học sinh hiểu, sau này còn áp dụng vào các bài toán khác nữa".
Cũng có lời khuyên mẹo để cho các con dễ nhớ với dạng toán này là câu hỏi có đơn vị là gì (hỏi về số học sinh) thì số sẽ đó đứng trước (9 học sinh × 4 hàng).
Hiểu Đan