(Tổ Quốc) - Nhiều cư dân mạng cho biết mới đọc qua họ cũng choáng váng không biết sai chỗ nào.
Ai cũng biết Tiếng Việt siêu khó. Vậy nên mới có câu "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Đừng nói chuyện học tiếng Việt trong nước mình, ngay cả nhiều bài tập tiếng Việt dành cho người nước ngoài đôi khi cũng khiến người Việt "xịn" toát mồ hôi nếu không nắm vững ngữ pháp căn bản của tiếng mẹ đẻ.
Bạn còn nhớ bài tập với nội dung sắp xếp các từ đang bị xáo trộn thành câu hoàn chỉnh được anh chàng người Trung Quốc chia sẻ từng gây bão sau đây chứ?
Bài tập chỉ vỏn vẹn 5 câu thôi nhưng sao sắp xếp kiểu gì nó cũng ra nghĩa, đến cả người Việt cũng chẳng biết câu trả lời đúng phải là thế nào thì nói gì đến du học sinh.
Mới đây, một bài tập chữa lỗi sai tiếng Việt của học sinh Nhật Bản khiến cư dân mạng đọc xong cũng thấy sang chấn tâm lý.
Tìm và chữa lỗi sai các câu sau (nếu có):
1: Vào những ngày mùng một đầu tháng, người đi chợ mua hoa về cúng rất nhiều, chẳng hạn là hoa cúc, hoa hồng, hoa lay ơn.
2: Chẳng nhẽ anh không thích đi du học hay sao? Đi du học anh có thêm nhiều kiến thức, hơn lẽ có thêm cơ hội tìm hiểu thêm văn hóa của đất nước khác.
3: Đi du lịch phượt trên các tỉnh miền núi rất mệt và nguy hiểm, hơn nữa rất vui.
Nhiều cư dân mạng cho biết mới đọc qua họ cũng choáng váng không biết sai chỗ nào: "Học khối C cũng chịu thua ạ, không hiểu vì sao Văn em có thể đạt điểm cao nữa"; "Tôi làm được mỗi câu 3"; "Khỏi nhận người Việt luôn á"; "Mình là người Việt mà còn phải ngẫm một lúc mới nghĩ ra được, kể ra các bạn Nhật giỏi ghê chứ"...
Tuy nhiều, nhiều "nhà tiếng Việt học" online đã chỉ ra điểm sai như sau: Ở câu 1, "chẳng hạn như" thay cho "chẳng hạn là". Câu 2, "Hơn lẽ" => "hơn nữa". Câu 3, "hơn nữa" => "mặc dù/nhưng mà".
Cụ thể:
1. Vào những ngày mùng/mồng 1 đầu tháng, người ta thường đi chợ mua rất nhiều hoa về cúng, chẳng hạn như hoa cúc, hoa hồng hay hoa lay ơn.
2. Chẳng nhẽ anh không thích đi du học? Đi du học sẽ giúp anh có thêm nhiều kiến thức hơn, lại còn có cơ hội tìm hiểu thêm văn hóa của đất nước khác.
3. Đi phượt (hoặc du lịch bụi) tại các tỉnh miền núi rất mệt và nguy hiểm, mặc dù/nhưng mà rất vui.
Nếu trả lời được trong vòng 1 nốt nhạc chứng tỏ trình tiếng Việt của bạn cũng không phải dạng vừa đâu đấy nhé!
Hiểu Đan