(Tổ Quốc) - Một bài văn được viết theo kiểu "tức cảnh sinh tình" đã gây nên cơn "bão" bình luận với hàng ngàn ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Tác phẩm "Sóng" của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh tưởng đã "dịu êm" sau khi buổi thi tốt nghiệp môn Văn năm 2021 kết thúc, nhưng từ hôm qua tới hôm nay vẫn dậy sóng trở lại khắp cõi mạng. Tất cả bắt nguồn từ bài phân tích kiểu "ngẫu hứng" của một nam sinh là thủ khoa khối D14 toàn quốc năm 2020.
10 trang viết mà nam sinh này chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về hàng loạt bình luận trái chiều. Nhiều người nhận xét tác giả có nền kiến thức rộng - đặc biệt kiến thức về triết học, ngôn từ phong phú, cách phân tích mới mẻ. Nhưng trong đó, lấn át nhất là những ý kiến đánh giá bài văn quá lạm dụng ngôn từ hàn lâm, nhiều lí luận, khuôn sáo, suy diễn... làm mất đi vẻ đẹp nhẹ nhàng, trong sáng vốn dĩ trong tác phẩm này của cố thi sĩ.
Hàng loạt những nhận xét cùng từ ngữ nặng nề như "tự mãn"; "khoe mẽ"; "khoe kiến thức"; "lai căng, lai tạo" tràn lan dưới phần bình luận. Ban đầu chỉ là những lời nhẹ nhàng châm biếm, nhưng cấp độ của sự khắc nghiệt ngày càng tăng nhanh. Nhiều dân mạng còn sử dụng nhiều hình ảnh nặng nề, tiêu cực để nói về bài làm của nam sinh. Thái độ chỉ trích gay gắt này khiến sự việc trở nên nghiêm trọng.
Đành rằng, văn chương thông thường là chuyện cảm tính, hay hoặc dở là tùy "gu" của mỗi người. Đành rằng, khi đã "khoe" lên mạng xã hội, việc bị người khen kẻ chê là điều đương nhiên. Thế nhưng, liệu có quá khắt khe không khi hàng ngàn người, không chỉ học sinh, sinh viên mà cả những người lớn tuổi cũng chỉ trích một em sinh viên bằng những lời lẽ nặng nề? Thậm chí, từ chuyện hiện tại, nhiều người còn suy diễn, nghi ngờ về bài văn 9,75 điểm của nam sinh này, năm trước.
Cần nhắc lại bối cảnh viết bài phân tích này. Không phải dự thi, không để chấm điểm, đây đơn giản chỉ là bài cảm nhận – theo một góc nhìn riêng của một học sinh đã từng được học tác phẩm Sóng – và đang là sinh viên chuẩn bị lên năm 2 có nhiều trải nghiệm hơn học sinh cấp 3, để phục vụ cho việc thỏa mãn niềm đam mê môn Ngữ văn của mình.
Trong hoàn cảnh không bị gò bó bởi thời gian thi, áp lực điểm thi hay barem điểm, được tiếp cận tác phẩm theo một cách khác, kiểu mổ xẻ đa chiều chứ không phải để đi thi tốt nghiệp, thì việc hoàn toàn thoải mái để trình bày những nhận định văn chương mang bản sắc riêng của cá nhân hoặc mang tính sâu xa, bác học và lý luận hơn là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Nếu đặt hoàn cảnh là 150 phút làm bài thi, hẳn nam sinh này phải suy xét đến yếu tố thời gian, barem điểm để uốn nắn sao cho có luận cứ, luận điểm rõ ràng, phù hợp, để lược cắt hết những dài dòng, "râu ria" mang tính hàn lâm, khuôn sáo cho phù hợp với một bài thi tốt nghiệp. Văn học không bao giờ có khuôn khổ cho sự sáng tạo, nhất là khi sự sáng tạo không bị gò bó bởi bất cứ một yếu tố nào.
Tác giả Xuân Quỳnh có thể không nghĩ tình yêu phải phân tích hàn lâm thế kia, và trong mắt nhiều người, nỗi nhớ và chuyện yêu đương đơn giản hơn nhiều – so với những gì nam sinh viết. Nhiều người cũng sẽ muốn đọc được bài làm cảm xúc chứ không phải là một bài "phê bình văn học" nhưng nên nhớ, đây không phải là một – bài – văn – dự - thi. Và cũng không thể lấy con số 9,75 điểm môn Văn mà nam sinh này đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 để đánh đồng với bài phân tích này. Hai đề tài, hai không gian, hai thời gian là hoàn toàn khác.
Nam sinh từng cho biết, văn phong và cách thức dụng ngôn từ rất riêng, rất lạ của mình là nhờ đọc nhiều sách, đặc biệt là nhiều bộ sách về triết luận từ thời trung học cơ sở. Năm học lớp 10, nam sinh đã đọc xong cuốn Tư bản luận của Các Mác cả tiếng Anh lẫn Việt.
Có thể cách áp dụng kiến thức, câu chữ của nam sinh không phù hợp, khiến nhiều người không thích cho là quá "cao siêu", mang tính học thuật, dùng nhiều từ Hán Việt. Nhưng không thể phủ nhận khả năng của nam sinh này khi đánh giá về mặt năng lực tư duy trừu tượng và năng lực diễn đạt ngôn ngữ.
Nói như một phụ huynh khi đọc bài văn này:
"Các bạn nhỏ đọc nhiều, được hướng dẫn tốt thì tầm lý luận cũng nâng lên rất nhiều và việc viết được thế này hoàn toàn là có thể. Ngoài ra mọi người nên có sự phân biệt giữa lý luận văn chương (học thuật) với một bài cảm nghĩ đơn thuần. Bài cảm nghĩ thì đơn giản, đại chúng, cơ mà học đến đại học rồi, nếu thực sự mạnh về ngôn ngữ và văn học thì không thể chỉ viết những điều đơn giản, mướt tai và thiếu độ sâu trong tư duy được".
Một lời chê bai có thể chưa mang lại nhiều tác động tiêu cực nhưng khi một đám đông hung hãn "hùa" vào thì hậu quả thật khó lường. Nó chẳng khác gì một con dao vô hình, có thể lấy đi sự tự tin của một người. Bàn phím không có "đá", xin chỉ tranh luận, đừng tranh cãi và ném vào nhau những hằn học, diễn suy.
Mạng xã hội là ảo nhưng những hệ lụy của nó lại là thật. Nếu nhẹ nhàng được, hãy nhẹ nhàng cùng nhau. Bởi biết đâu, một ngày, chính chúng ta có khi sẽ là đề tài bị đem ra mổ xẻ...
Hạ Uyên