(Tổ Quốc) - Cổ nhân dạy, đời người có 3 điều đại kỵ là khí kỵ thịnh, tâm kỵ mãn và tài kỵ lộ. Người phạm phải 3 điều này, tương lai khó mà thành công, suôn sẻ.
Ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc với con đường công danh sự nghiệp thành công, suôn sẻ. Để có được những điều này, chúng ta cần biết điều gì đúng điều gì sai, điều gì nên làm điều gì tuyệt đối không nên làm, có như vậy con người ta mới có được một cuộc đời an ổn, mọi sự hanh thông thuận lợi. Đặc biệt trong đó có 3 việc đại kỵ, người phạm phải tương lai khó lòng có được thành công, cuộc sống khó bề yên ổn.
Đời người có 3 điều đại kỵ
Những bài học của người xưa dù trải qua bao nhiêu năm tháng vẫn luôn giữ được giá trị, khiến thế hệ sau mỗi khi nhắc lại đều cảm thấy thấm thía vô cùng. Một trong những bài học ý nghĩ nhất phải kể đến lời dạy: "Đời người có 3 điều đại kỵ là khí kỵ thịnh, tâm kỵ mãn và tài kỵ lộ". Người phạm phải 3 điều này, tương lai khó mà thành công, suôn sẻ.
1. Khí kỵ thịnh - Kỵ nóng nảy, bốc đồng!
Người xưa thường có câu: "Niên khinh khí thịnh", ý chỉ những người trẻ tuổi thường rất nhiệt huyết, tuy nhiên lại dễ nóng nảy, bốc đồng. Làm việc hoặc lúc đối nhân xử thế thường không dựa vào lý trí mà thường dựa vào cảm tính, những người luôn giữ cách hành xử như vậy khó lòng mà làm được chuyện lớn trong tương lai.
Chính vì vậy, cổ nhân thường răn dạy rằng, điều đại kỵ đầu tiên trong 3 điều chính là "Khí kỵ thịnh" - tức là cần tránh việc nóng nảy, bốc đồng. Vì những người như vậy thường xử lý mọi thứ theo cảm tính không để ý hậu quả.
Xét về mặt tâm lí học hiện nay, bốc đồng được định nghĩa là những người có xu hướng hành động dựa trên những ý định chớp nhoáng, vừa nảy ra suy nghĩ đã thực hiện hành động đó ngay lập tức mà ít hoặc không màng tới những hệ lụy và hậu quả sau này.
Những người như vậy thường có chỉ số EQ không được cao và dễ gặp vấn đề với các mối quan hệ xung quanh. Vì cách ngoại giao, giao tiếp không ổn thỏa, không biết lúc nào nên tiến lúc nào lên lùi dễ khiến những người như vậy khó lòng tiến xa trong con đường sự nghiệp. Thậm chí con đường hôn nhân hạnh phúc sau này cũng dễ bị ảnh hưởng, gia đình khó mà hòa thuận, yên ổn.
2. Tâm kỵ mãn - Kỵ kiêu ngạo, tự kiêu!
Trong Chu Dịch, cổ nhân có câu nói rằng: "Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát". Đại ý của câu nói này tức là "Người quân tử biết khiêm tốn có thể vượt sông lớn, đó là điềm lành".
Theo đó trong 64 quẻ bói của Chu Dịch, mỗi quẻ đều có 2 mặt Cát - Hung tức là luôn có điềm lành và điềm xấu, nhưng chỉ có duy nhất quẻ "Khiêm" là chỉ "cát" mà không có "hung". Từ đó có thể thấy, sự khiêm tốn chính là "điềm lành" mà bất cứ ai cũng nên có.
Ngược lại, nếu tự kiêu, ngạo mạn sẽ dễ khiến con người ta trở nên xấu tính, lúc nào cũng thấy mình "thượng đẳng" hơn người. Từ đó dẫn tới việc làm xấu đi hình ảnh của chính mình trong mắt những người xung quanh, điều này ảnh hưởng không tốt tới con đường công danh sự nghiệp và cả cuộc sống hôn nhân gia đình sau này.
Vì vậy, cổ nhân răn dạy rằng, ở đời cần tránh việc tự kiêu, ngạo mạn, thay vào đó hãy sống một cách chỉnh chu và khiêm tốn. Chính việc khiêm tốn sẽ giúp chúng ta có cơ hội lắng nghe và thấy được những thiếu sót của bản thân mình, từ đó sửa đổi và hoàn thiện bản thân hơn.
Điều này cũng giống như lời của Các Mác sau này: "Khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút cũng bằng thừa".
3. Tài kỵ lộ - Kỵ khoe khoang mình tài giỏi!
Người xưa thường có câu: "Nhân ngôn giả, động dã. Kỷ mặc giả, tĩnh dã, nhân kỳ ngôn, thính kỳ từ", tạm dịch là "Người thông minh thường giữ im lặng, kẻ ngu dốt nói mãi không ngừng".
Những người thực sự thông minh luôn là những người biết giấu đi trí khôn của mình. Điều này cũng tương tự như lời dạy của Lão Tử: "Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu", ý chỉ những người buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài nghĩ họ không có gì, người quân tử tài trí thường khiêm cung giả vờ làm kẻ ngu ngơ.
Người xưa cho rằng, trong trăm cách đối nhân xử thế, cách giấu đi trí khôn vờ làm kẻ ngốc lại là cách vẹn tòa nhất. Ngược lại, nếu một người luôn khoe khoang bản thân tài giỏi bao nhiêu, thông minh đến mức nào thường không thực sự thông minh đến vậy, hơn nữa những người như thế thường khó lòng làm được việc lớn vì họ luôn nghĩ mình thông minh hơn người nên hạn chế việc học tập người khác.
Những bậc quân tử thực sự có tài sẽ không khoe khoang rằng họ giỏi giang hơn người, vì hoa thơm ong bươm ắt tự đến, kẻ tài không nói cũng hơn người. Học cách khiêm tốn, không khoe khoang bản thân tài giỏi, hành xử cẩn trọng biết suy tính trước sau không sốc nổi là 3 bài học vô cùng quan trọng mà người xưa để lại cho hậu thế. Những bài học này cho đến nay vẫn giữ được nguyên giá trị và khiến chúng ta phải trân trọng và suy ngẫm rất nhiều.
Tiểu Lam