(Tổ Quốc) - Không chỉ trẻ nhỏ, chính người lớn đôi khi cũng quá quan trọng chuyện "cho đi cho lại" bao nhiêu trong ngày Tết.
Tết là dịp để mọi người bày tỏ tình yêu thương, lòng biết ơn với gia đình, người thân, bạn bè,… bằng nhiều cách thể hiện khác nhau, trong đó có lì xì. Của cho không bằng cách cho, điều quan trọng là bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc trong năm mới.
Năm nào Tết đến cũng có nhiều chia sẻ của nhiều phụ huynh, rằng thấy trẻ nhỏ ham đi chúc Tết để nhận tiền mừng tuổi, tỏ thái độ mất lịch sự khi nhận được lì xì ít. Phụ huynh lo lắng vì bọn trẻ nhận được tiền nhiều một cách dễ dàng, rồi lại lo lắng làm sao để bọn trẻ có thể tiêu tiền mừng tuổi một cách hợp lý, không phung phí.
Không chỉ trẻ nhỏ, chính người lớn đôi khi cũng quá quan trọng chuyện cho đi cho lại bao nhiêu.
Vào ngày Tết năm nay, cậu bé Lục Truy (Trung Quốc) đến chúc Tết bà ngoại và nhận được một phong bao lì xì 200 tệ. Sau khi trở về nhà, bà nội không nén được tò mò, nhân lúc bố mẹ Lục Truy không có nhà liền bí mật hỏi cháu trai: "Bà ngoại lì xì cho con bao nhiêu?".
Không ngờ đứa trẻ khôn ngoan đã nói một câu khiến bà nội bất ngờ: Con không nhìn thấy trong phong bao đỏ mà bà đưa có bao nhiêu tiền. Nhưng con nghĩ bà ngoại thương con như các anh chị nên sẽ cho con đủ tiền mua đồ chơi đó bà nội. Mẹ luôn dạy con không được coi trọng tiền bạc quá. Tình yêu của người khác quan trọng hơn tiền bạc".
Dù vậy bà nội vẫn cố gắng hỏi cho rõ số tiền: "Phong bao đỏ đâu? Mang ra đây bà đếm cho!".
Lục Truy từ trong túi lấy ra một xấp tiền dày cộp, cười nói: "Con đã xếp tất cả tiền trong các phong bao đỏ ra rồi, bà nội giúp con đếm tổng số nhé!". Đến đây thì bà nội không hỏi gì thêm được nữa. Cách trả lời của cậu bé cũng được khen rất có giáo dục.
Làm thế nào để tự quản lý tiền lì xì?
Với những đứa trẻ, số tiền trong bao thư chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chúng không để mình nhận được bao nhiêu tiền (nếu bố mẹ không gieo vào đầu trẻ khái niệm tiền nhiều – ít). Vậy nên, chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, chắc hẳn vẫn có những bạn nhỏ được bố mẹ tin tưởng giao cho một phần hoặc tất cả số tiền lì xì để con tự quản lý. Cô Nguyễn Ngọc Thúy - giáo viên tiểu học tại Hà Nội gợi ý các phương án giúp con quản lý tiền lì xì:
Phương án 1: Mở một cuốn sổ tiết kiệm ở ngân hàng để giữ số tiền đó cho tương lai của mình (nhờ sự trợ giúp của bố mẹ). Đặc biệt là khi gửi tiền ở ngân hàng thì số tiền sẽ ngày càng tăng lên.
Phương án 2: Gửi tiết kiệm 1 nửa số tiền mừng tuổi, số tiền còn lại con dùng để chi tiêu cho nhu cầu cần thiết của bản thân (cùng thảo luận với bố mẹ).
Cô Thúy cho rằng, bố mẹ cần dạy trẻ phân biệt giữa muốn và cần: "Để tránh chi tiêu vào những thứ không hợp lí dẫn đến lãng phí tiền, con phải phân biệt được thứ con muốn và thứ con cần. Quản lí chi tiêu không hề đơn giản. Đừng ngại, các con hãy mạnh dạn hỏi bố mẹ các câu hỏi mà con thắc mắc.
Sau Tết, thay vì khoe mình có bao nhiêu tiền mừng tuổi thì con hãy kể với cô và các bạn rằng: Con đã làm gì để số tiền mừng tuổi của mình trở nên có ích nhé!", cô Thúy chia sẻ.
Hiểu Đan