(Tổ Quốc) - Một câu nói của đứa trẻ phản ánh cách dạy dỗ của người lớn.
Trong các gia đình trẻ, không ít ông, bà cùng chung tay chăm sóc con cháu mình. Những gia đình nhiều thế hệ thường tình cảm, nhiều tiếng cười nhưng bên cạnh đó cũng nảy sinh các vấn đề phức tạp khác, nhất là trong quá trình dạy dỗ trẻ.
Cậu bé Tiểu Hải (Trung Quốc) cùng bà ngoại ở một vùng nông thôn trong khi bố mẹ đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về nhà. Dần dần Tiểu Hải đã 5 tuổi, là một đứa bé thông minh. Đứa trẻ được bà ngoại chăm sóc hàng ngày, còn đưa đi bơi, học tiếng Anh và tập đấm bốc. Trong kỳ nghỉ hè, bà nội đến và ở lại cùng cháu vài ngày trong khi bà ngoại đi thăm người họ hàng cách đó không xa.
Nhưng sau khi trở về, bà ngoại Tiểu Hải nhận ra cháu mình có cách hành xử khác. Cậu bé không nghe lời, thường xuyên cãi lại khi được yêu cầu ngồi học tiếng Anh hay đi tập thể thao. Một lần khi bà ngoại cứ nhắc nhở, Tiểu Hải bực tức hét lên: "Cháu không muốn đọc tiếng Anh, cháu muốn xem TV. Bà nội mới là người tốt. Bà nói rằng cháu bị bắt học cái này cái kia quá mệt mỏi, bà ngoại nên để con chơi nhiều hơn và nghỉ ngơi nhiều hơn. Bà ơi, hãy để con yên. Con muốn bà nội ở cùng".
Bà ngoại nghe vậy liền đỏ mặt tía tai tức giận vô cùng. Tại sao chỉ trong vài ngày mà bà đã thành kẻ xấu xa trong mắt cháu trai của mình? Nếu bà nội không tiêm nhiễm vào đầu đứa trẻ những suy nghĩ này, liệu nó có nghĩ và nói ra được hay không? Và nếu cứ được truyền những suy nghĩ đó, đứa trẻ này lớn lên tương lai như thế nào? Nghĩ thế, bà lập tức gọi bố mẹ cùng bà nội Tiểu Hải về, tổ chức họp gia đình để làm cho ra lẽ.
Trong trường hợp của Tiểu Hải, bà nội đến ở vài ngày rồi lại đi, nên việc học hành của đứa trẻ về cơ bản là không quan tâm. Đứa trẻ đã có một cuộc sống rất thoải mái và hạnh phúc, nó có thể chơi game và xem TV. Đứa trẻ thích cuộc sống như vậy hơn, vì vậy nghĩ rằng bà nội thương mình hơn còn bà ngoại chỉ bắt mình học hành.
Cũng có thể bà ngoại bắt cháu học mà ít thời gian chơi. Cũng có thể bà nội hơi có phần dễ dãi với cháu. Tuy vậy, dù nguyên nhân thế nào thì việc nói xấu người khác với đứa trẻ có thể để lại hậu quả lớn hơn bạn nghĩ.
Đừng nói xấu người nọ, bôi nhọ người kia trước mặt con
"Mẹ mày không biết dạy dỗ gì", hay "Bố mày chả hiểu biết gì"... là những câu mà nhiều phụ huynh hay buột miệng nói ra với con, khi không hài lòng với cách làm của nửa kia. Đây là một sai lầm to lớn.
Dù trẻ còn non dạ, chưa hiểu chuyện, trên thực tế, chúng vẫn lắng nghe điều bố mẹ, ông bà nói và ghi nhớ trong lòng. Những lời này sau đó sẽ được áp dụng vào chính cách suy nghĩ của trẻ, khiến đứa bé thiếu tôn trọng bố mẹ, ông bà của mình.
Khi được người đó chỉ dạy, chúng sẽ có ý coi thường, không đánh giá cao người dạy dỗ mình, vì "Bố/mẹ bảo thế". Đừng quên rằng trẻ sẽ bắt chước cách ứng xử của bạn với chồng/vợ, dẫn đến sự thiếu tôn trọng bố mẹ.
Điều người lớn thì thầm vào tai trẻ nhỏ hàng ngày tác động đến trẻ khá sâu sắc. Trong các bữa cơm, các cha mẹ nói toàn các câu chuyện tiêu cực về người nọ, người kia. Liệu cha mẹ có xây dựng niềm tin cuộc sống cho con không hay là đã tạo ra những đứa trẻ trong đầu chứa đầy những ý nghĩ chán nản và mệt mỏi. Với sự thiếu niềm tin và đầy suy nghĩ tiêu cực như vậy, liệu bọn trẻ lớn lên có thực sự ham sống, dám cống hiến và dám làm hết mình vì một khát vọng nào đó hay không?
Người lớn phải luôn làm gương, kiểm soát những câu chuyện trước mặt con: Cha mẹ hãy kiểm tra xem mình có phải là người thích đưa chuyện, nói xấu người khác sau lưng không. Nếu mà bạn thường xuyên "cập nhật" với những mẩu tin rôm rả về những chuyện xấu của người khác thì bạn hãy chủ động kiềm chế mình lại.
Nếu con bạn trực tiếp đi nói xấu điều gì đó sai sự thật hoặc xúc phạm khiến cho bạn của bé bị tổn thương nặng nề, cha mẹ cần nghiêm khắc bắt trẻ sửa sai. Có thể làm như thế chưa xóa được sự tổn thương, nhưng ít ra qua đó con bạn ý thức được rằng nếu mình gây ra cho ai đó đau buồn, thì nó phải có trách nhiệm và phải tự thay đổi, chỉnh đốn bản thân.
Hiểu Đan