(Tổ Quốc) - Nhiều người lưu ý dạy con chuyện Đông chuyện Tây nhưng bỏ qua những phép lịch sự cơ bản nhất.
Người xưa có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Trong đó, những quy tắc về ăn uống thường được chú ý và giáo dục đầu tiên. Nhiều phụ huynh hay cho rằng, trẻ con thì không biết gì nhưng hành động tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách. Cách ứng xử của trẻ trên bàn ăn cũng phản ánh cách giáo dục của gia đình. Thế nên, mọi người cho rằng chỉ cần nhìn vào hành động của một người trên bàn ăn là biết họ có được dạy dỗ tử tế hay không.
Chị Trương có cậu con trai năm nay 5 tuổi khá nhanh nhẹn, thông minh. Bình thường ở nhà bé được cả gia đình 3 thế hệ cưng chiều, đòi gì được nấy. Chính vì vậy tính tình bé có phần hơi hống hách, đòi hỏi và ngang bướng. Chị Trương thì chưa bao giờ nhận ra tính cách ấy của con là không tốt, chỉ nghĩ trẻ con đứa nào cũng có phần ngỗ ngược như vậy.
Một hôm bạn bè đại học gặp nhau sau nhiều năm, chị cho con trai theo cùng. Bữa tiệc hôm ấy phần đầu diễn ra khá suôn sẻ, mọi người tay bắt mặt mừng. Rất nhiều bạn bè cũng mang con nhỏ đi. Dù thế, chị Mỹ cảm thấy vô cùng tự hào khi ai ai cũng khen con trai thông minh, đáng yêu. Tuy nhiên, trong bữa ăn, khi đĩa chân gà hầm được bê ra, cậu bé khư khư giữ bằng thìa và tuyên bố: "Không ai được phép ăn chân gà của tôi!".
Mọi người không quan tâm, cho rằng là câu đùa vui của đứa trẻ mẫu giáo nên chỉ cười xòa. Tuy nhiên, khi một người vừa đưa đũa chạm vào thì cậu bé dùng thìa hất ra, nước sốt bị văng tung tóe trên mặt bàn. Không dừng lại tại đó, cậu bé còn gào lên, khóc lóc và ăn vạ. "Của tôi, của tôi. Ai cho ông chạm vào. Không ăn nữa" - Cậu bé vừa giãy giụa vừa gào thét.
Chị Trương lúc này rối rít xin lỗi cậu bạn học, rồi quay sang dỗ dành con. Nhưng cậu bé vẫn không nghe, còn nằm lăn ra sàn khiến cô phải bế ra khỏi phòng ăn. Và khi cô và con trai quay lại, buổi tiệc cũng gần tàn. Khi đưa con về tới nhà, người mẹ xấu hổ khi nhận được tin nhắn từ vài bạn cũ. Một cô bạn thân thiết thẳng thắn nói: "Con trai cậu cũng 5 tuổi rồi, tại sao không có chút phép tắc nào vậy? Cậu từng là 1 sinh viên giỏi, chưa lại chưa thể làm 1 bà mẹ tốt? Đừng quá nuông chiều trẻ nhỏ bởi như thế chính là làm hại chúng".
Cần dạy con quy tắc trên bàn ăn
Với trẻ nhỏ, ngoài việc không nên nuông chiều thái quá thì dạy con các quy tắc lịch sự trên bàn ăn cũng quan trọng không kém. Ngày nay nhiều gia đình có suy nghĩ thoáng hơn, họ quan niệm bữa cơm đầm ấm vui vẻ là được, đừng đặt ra quá nhiều quy tắc và làm bữa ăn thêm nặng nề: ví dụ như không được nói chuyện trong khi ăn, không được phép tạo tiếng ồn khi ăn… Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần nên tạo cho con cái mình những thói quen tốt, những phép lịch sự tối thiểu:
- Mời người lớn trước khi bắt đầu ăn.
- Không được bới tung thức ăn để lựa miếng to nhất, ngon nhất.
- Nếu không ăn được hoặc không thích ăn một thành phần nào đó trong món ăn như da gà, thì cũng nên gắp cả miếng vào chén của mình rồi loại bỏ phần không thích ra. Hoặc ngược lại nếu chỉ thích ăn da thì cũng chỉ được phép ăn miếng da dính với phần thức ăn mình đã gắp.
- Nên dùng chén nhỏ để chiết múc nước chấm ra dùng riêng.
- Nên khép miệng khi nhai, khi nhai không phát ra tiếng và chỉ nên nói chuyện khi đã nhai và nuốt hết thức ăn trong miệng.
- Không chu mồm thổi thức ăn nóng vì có thể sẽ bắn nước bọt ra ngoài và gây tiếng động. Thay vì thế, hãy từ tốn múc phần nguội hơn ở sát thành bát.
- Không gắp liên tục 1 món dù đó là món khoái khẩu của mình.
- Nên ăn hết cơm và thức ăn trong chén của mình, không được để mứa.
- Nếu đang ăn bị ho, hắt xì thì xin ra ngoài hoặc quay mặt trái hướng mâm, che miệng lại mới được tiếp tục.
- Trẻ con nên được khuyến khích cùng dọn bàn ăn cũng như rửa chén bát sau khi ăn xong.
Hiểu Đan