(Tổ Quốc) - Một đứa trẻ có được cuộc sống thành công và hạnh phúc trong tương lai hay không phụ thuộc rất lớn vào 3 kỹ năng này.
Khi chúng ta có con, tất cả các kế hoạch cuộc sống đều được lập trình xoay quanh đứa trẻ. Đưa con cái đến thế giới này, ai cũng muốn con mình sống một cuộc đời an yên, hạnh phúc. Nhưng việc nuôi dưỡng một đứa trẻ không đơn giản chỉ là cho con cơm ăn, áo mặc, mua nhà, tậu xe. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là giáo dục con cái thật tốt.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mình đã dành hết mọi thứ nhưng con cái học hành vẫn ngổn ngang, không biết ơn, thường xuyên cãi lại, cố tình làm trái ý. Ngược lại, những bậc cha mẹ đã giáo dục con cái thành công cảm thấy rằng sự trưởng thành của con cái là điều tự nhiên và họ không cần phải tốn quá nhiều công sức.
Chuyên gia về tâm lý nuôi dạy con cái Lý Mai Cẩn trong một bài phỏng vấn từng đề cập: Yêu con là để con lớn lên chứ không phải chiều chuộng con hư.
Câu này thực sự rất dễ hiểu. Một đứa trẻ được nuông chiều vô lối sau cùng sẽ coi những gì cha mẹ đã ban cho là nghĩa vụ, thay vì biết ơn, chúng lại đòi hỏi cha mẹ nhiều hơn. Những đứa trẻ như vậy sẽ tự cho mình là trung tâm, khi gặp thất bại bên ngoài, chúng sẽ chỉ biết đổ lỗi cho người khác và người thân trong gia đình mình. Đồng thời, dưới sự bao bọc lâu dài của cha mẹ, các em thường không có khả năng tự chăm sóc bản thân, mọi việc đều do cha mẹ làm, chỉ làm bừa mà thôi.
Thật ra, trước khi trẻ 6 tuổi, bậc cha mẹ có tầm nhìn xa sẵn sàng "ép" con mình thành thạo 3 khả năng này, sau này trẻ sẽ ngày càng giỏi giang, biết ơn cha mẹ khi lớn lên. Những kỹ năng đặc biệt quan trọng giúp con nắm giữ chìa khóa để có được cuộc sống thành công và hạnh phúc trong tương lai.
1. Khả năng tự chăm sóc
Nhiều bà mẹ cầu toàn, luôn lo lắng con còn nhỏ nên chưa thể làm tốt việc gì. Và để cho mọi thứ hoàn hảo đúng ý mình, các mẹ sẽ làm tất cả giúp con, dù là việc các bé có thể làm trong khả năng, độ tuổi của mình. Thế nhưng, cha mẹ nên nhớ, chỉ khi sẵn sàng buông tay thì con mới có cơ hội phát triển. Thậm chí với trẻ nhút nhát, cha mẹ còn nên khuyến khích con thử để rèn sự tự tin. Bố mẹ càng lo lắng, càng lấy mất đi cơ hội tự lập của con, khiến trẻ sợ hãi với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Và hãy bắt đầu cho con làm những việc nhẹ nhàng, vừa sức. Ví dụ, với những trẻ nhỏ đã đi học mẫu giáo thì cha mẹ không nên tranh việc giúp con mặc quần áo, đánh răng, đút ăn... với lý do cho khỏi muộn. Thay vì làm hộ con, cha mẹ nên khuyến khích con bằng cách tạo ra sự cạnh tranh giữa bố mẹ và con cái xem ai làm nhanh hơn, ai xong trước. Việc làm này sẽ giúp trẻ làm việc có động lực hơn, tự chủ hơn trong những công việc cá nhân.
Hãy cho phép trẻ em mắc sai lầm trong quá trình lớn lên, quá trình sửa chữa lỗi lầm là cơ hội để con trải nghiệm và trưởng thành.
2. Khả năng tập trung
Trẻ em giàu trí tưởng tượng, tò mò và dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ. Chúng luôn tỏ ra hào hứng với mọi việc trong vài ba phút. Mất tập trung ảnh hưởng đến chất lượng học tập, phương pháp làm việc của trẻ trong tương lai. Vì vậy, trong giai đoạn từ 4-10 tuổi, bố mẹ cần đặc biệt trau dồi khả năng này của trẻ.
Khi các bé còn nhỏ, phụ huynh nên hướng dẫn con tập trung làm một việc trong khoảng thời gian nhất định để rèn luyện sự tập trung. Từ nhiệm vụ lớn, phụ huynh có thể hướng dẫn con cách chia nhỏ ra thành nhiệm vụ nhỏ hơn để dễ quản lý công việc và giải quyết vấn đề.
Nhiều trẻ không thiếu sự tập trung mà thực sự là không biết phải tập trung vào điều gì. Vì vậy, trước khi học bài hay bắt đầu buổi học, cha mẹ có thể gợi ý con tạo danh sách mục tiêu cần làm, từ đó các em sẽ biết cần tập trung thực hiện công việc trong khoảng thời gian cụ thể. Ban đầu, trẻ có thể lập mục tiêu ra giấy nhưng khi rèn luyện thành thói quen, các em có thể tự lên danh sách trong đầu.
3. Kỹ năng tư duy
Một người chỉ biết đọc mà không biết suy nghĩ được gọi là "mọt sách" trong mắt mọi người, nếu học cách suy nghĩ trong khi đọc, anh ta thực sự là người thông minh. Khi đã có khả năng tư duy, trẻ sẽ có chính kiến và ý tưởng của riêng mình, dù là trong học tập hay trong công việc và cuộc sống sau này.
Cha mẹ có thể rèn luyện thói quen tư duy của trẻ thông qua những việc nhỏ như: Nghiêm túc với trẻ khi đặt câu hỏi, không công kích trẻ; hướng dẫn trẻ phân tích nguyên nhân khi trẻ đặt câu hỏi sai; hướng dẫn trẻ lập kế hoạch học tập, kế hoạch cuộc sống; tôn trọng quyền lựa chọn của trẻ em, đừng làm "cha mẹ độc tài"...
Nếu con bạn đã có ba khả năng này thì xin chúc mừng, bạn chính là những bậc cha mẹ thông thái, tương lai trẻ nhất định sẽ trưởng thành đầy hứa hẹn.
Hiểu Đan