(Tổ Quốc) - Câu chuyện khiến không khí gia đình ngày Tết trở nên gượng gạo, mất vui. Ai cũng khó chịu, chẳng còn tâm trạng chuyện trò.
Tết đến, những đứa trẻ ngây thơ thường háo hức vì có thể nhận được rất nhiều lì xì nhưng người lớn đôi khi lại đau đầu vì quá chú trọng đến chuyện "có đi có lại". Đối với những gia đình có số con ít hơn họ hàng, việc cho con cái tiền lì xì ngày Tết đã trở thành một chuyện tính toán, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của phong tục mừng tuổi.
Ngày xưa, người lớn chỉ lì xì cho trẻ con một số tiền tượng trưng, hàm ý mừng chúng lớn thêm một tuổi, và cầu chúc chúng luôn mạnh giỏi, khoẻ khoắn. Ngày nay, nhiều người cho rằng, phong tục mừng tuổi này không những chẳng còn giữ được giá trị như xưa mà còn bị biến tướng, gây bao cảnh dở khóc dở cười.
Câu chuyện của Tiểu My (Trung Quốc) chia sẻ mới đây cũng vậy. Cô cho biết, năm nay anh trai cô mới sinh con thứ hai, gia đình Tiểu My vốn chỉ có một con gái. Năm ngoái khi về quê thăm họ hàng cô đã tặng hơn 160 NDT (khoảng 600k đồng) tiền Tết cho cháu trai cô, và em trai cô cũng cho con gái 160 NDT coi như có qua có lại.
Khi đi thăm họ hàng vào mùng 2 Tết năm nay, sau khi ăn cơm trưa xong, anh trai lấy phong bao đỏ trực tiếp đưa cho con gái của Tiểu My 280 NDT (khoảng 1 triệu đồng). Cô cũng đáp lễ, lì xì cho cháu trai 140 NDT, cháu gái mới sinh 140 NDT. Những tưởng có qua có lại ai ngờ mất lòng cả nhà.
Đầu tiên là gia đình anh trai, lúc đầu hai người khá vui vẻ, nhưng một lúc sau khi bước ra khỏi phòng, biểu hiện của họ thay đổi, đột ngột trở nên lạnh lùng. Lúc đó cô không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau người mẹ kéo Tiểu My sang một bên và hỏi cô: "Tiểu My, con chỉ đưa 140 NDT tiền Tết cho cháu trai và cháu gái thôi sao?".
Sau khi con gái trả lời, người mẹ bắt đầu trách móc: "Anh chị đưa cho con của con 280 NDT, tại sao con chỉ đưa cho cháu trai và cháu gái của anh con mỗi đứa 140 NDT, như vậy là quá tính toán rồi. Anh chị lại vừa mới sinh con nữa".
Tiểu My bày tỏ suy nghĩ của mình: Gia đình kinh tế rất eo hẹp, công ty chồng cô năm nay không có lãi nhiều và công việc của cô cũng không ổn định, nhưng mẹ cô vẫn thuyết phục: "Con về mua quần áo cho con của anh chị đi. Gửi qua đường bưu điện, như vậy cũng thể hiện tình cảm anh em".
Sau khi nghe những lời của mẹ, Tiểu My cảm thấy rất khó chịu và day dứt trong lòng. Cô đã đưa cho hai đứa con mỗi người 140 NDT, tổng cộng là 280 NDT, như vậy có gì sai? Câu chuyện khiến không khí gia đình ngày Tết trở nên gượng gạo, mất vui. Ai cũng khó chịu, chẳng còn tâm trạng chuyện trò.
Chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, việc cân nhắc số tiền bao nhiêu, mục đích thế nào đã đi xa khỏi mục tiêu ban đầu của chuyện lì xì.
Với những đứa trẻ, số tiền trong bao thư chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chúng không để mình nhận được bao nhiêu tiền (nếu bố mẹ không gieo vào đầu trẻ khái niệm tiền nhiều – ít). Vậy nên, chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất.
"Nhiều người cho rằng lì xì nhiều có thể khiến trẻ em nhìn nhận sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng tiền là biểu tượng của yêu thương và sức mạnh, ai cho mình nhiều tiền thì yêu mình hơn. Tuy nhiên, bản chất tờ tiền không có lỗi, và việc lì xì 50 ngàn hay 500 ngàn là quyền của mỗi người, lỗi là ở cách cho và thái độ của người lớn.
Của cho không bằng cách cho. Khi lì xì thì bố mẹ, người thân phải hỏi thăm, khen ngợi, động viên trẻ, sau đó mới tặng trẻ phong bao lì xì. Đứa trẻ sẽ hiểu việc lì xì là được tặng sự may mắn, an yên chứ không phải so bì "sức nặng" của hồng bao".
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thay vì chỉ coi trọng số tiền, phụ huynh nên dạy trẻ ý nghĩa của lì xì. Ngoài ra, cũng nên tập thói quen chu đáo hơn, đừng đưa thẳng tiền mà hãy cẩn thận bỏ vào phong bì đỏ. Như thế, trẻ mới cảm nhận được sự trân trọng. Khi trẻ hỏi về mệnh giá thì có thể giải thích cho chúng nghe lì xì không quan trọng mệnh giá mà mang ý nghĩa mừng tuổi, chúc may mắn.
Hiểu Đan