Mới đây, một anh bán hàng rong ở thành phố Tây An, Trung Quốc bỗng nổi như cồn trên mạng xã hội. Được biết, anh chủ xe hàng tên Vương Tích, hiện đang kinh doanh món lou-mei, món ăn chế biến từ thịt, nội tạng om với một loại nước sốt tên lou.
Anh Vương Tích nổi tiếng không phải vì ngoại hình đẹp trai, cũng chẳng phải do các món ăn của anh đạt đẳng cấp sao Michelin. Vậy điều gì khiến chủ xe hàng rong này trở thành cái tên gây bão mạng Trung Quốc?
Đó là bởi anh Vương có học vấn cực khủng, khiến ai nghe qua cũng kinh ngạc! Theo đó, người đàn ông này có bằng Thạc sĩ ngành Vật Lý tại Đại học Tây Bắc, Trung Quốc (Northwest University). Đây là một trường đại học trọng điểm ở Trung Quốc, nằm trong dự án 211 (dự án xây dựng khoảng 100 trường đại học mà chính phủ Trung Quốc tập trung xây dựng để phát triển kinh tế xã hội trong thế kỉ 21).
Xe bán hàng rong của anh Vương Tích.
Có tấm bằng của trường Đại học Tây Bắc, lại còn là bằng Thạc sĩ thì sinh viên tốt nghiệp không lo thiếu việc làm, thậm chí còn được các nhà tuyển dụng trải thảm. Vậy lý do nào khiến Vương Tích lại đi bán lou-mei? Phải chăng bằng cấp ngày càng mất giá trị?
Báo chí sau đó đã tìm đến phỏng vấn Vương Tích. Anh cho hay, mình và bạn đang làm việc bán thời gian tại một nhà máy điện tử và có thu nhập ổn định. Cả hai dự định sẽ khởi nghiệp cùng nhau và mọi việc đang tiến triển theo kế hoạch. Lý do Vương Tích bán lou-mei trên phố là bởi thích công việc này hơn và thu nhập cũng không hề kém hơn mức lương của các doanh nghiệp lớn.
Đồng thời, Vương Tích cũng cho biết, anh không phân biệt nghề nghiệp cao thấp và cũng không có suy nghĩ việc bán hàng rong là lãng phí nhân tài.
Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Vương cho biết, do không học về chuyên ngành thực phẩm nên anh đã dành ra 3 tháng để nghiên cứu công thức ướp của riêng mình. Sự độc đáo này giúp anh cạnh tranh với các quán ăn khác.
Sau khi biết câu chuyện của Vương Tích, nhiều ý kiến cho rằng, nếu vị Thạc sĩ này kinh doanh thành công thì không lãng phí nhân tài. Thực tế chuyện những người có học vấn cao nhưng không làm đúng ngành nghề, chuyển sang những công việc được cho là lao động chân tay không phải điều hiếm.
Với câu chuyện của Vương Tích, dù không đi làm văn phòng nhưng theo chia sẻ, anh vẫn có thu nhập ngang với làm việc ở doanh nghiệp lớn. Và nếu chuyện kinh doanh thành công thì rất có thể, tương lai anh cũng sẽ trở thành ông chủ lớn. Giống như vị Thạc sĩ này nói, công việc không có cao thấp. Chỉ cần chúng ta lao động chăm chỉ, biết phấn đấu thì ngành nghề nào cũng cao quý cả.
Thanh Hương