(Tổ Quốc) - Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình trạng này trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021 khi học sinh chỉ được tiếp thu kiến thức qua các lớp học trực tuyến.
Ngành giáo dục Philippines đã thực hiện các bước để thích ứng với các tác động của COVID-19. Tuy nhiên, các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tình trạng "nghèo khó" trong học tập của nước này trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021 khi học sinh chỉ được tiếp thu kiến thức qua các lớp học trực tuyến.
Nghèo đói học tập là gì?
Theo Ngân hàng Thế giới, cấp độ nghèo đói học tập được đo bằng số trẻ em 10 tuổi "không thể đọc và hiểu một câu chuyện đơn giản vào cuối cấp tiểu học". Mới đây, tổ chức tài chính này đã công bố báo cáo đôi, đề cập đến việc triển khai các hình thức học tập mới trong khi các trường học đóng cửa ở nhiều quốc gia khác nhau. Các bản báo cáo có tiêu đề, "Học tập từ xa trong COVID-19: Bài học từ hôm nay, các nguyên tắc cho ngày mai", cho thấy tỷ lệ nghèo học tập của Philippines đã tăng lên 90% trong năm nay, cùng với Ethiopia.
Một báo cáo của Inquirer phát hiện ra rằng vào năm 2019 hoặc trước đại dịch, tỷ lệ nghèo đói trong học tập ở cả nước là 69,5%. Điều này có nghĩa là hiện có nhiều trẻ em Philippines ở độ tuổi 10 không thể đọc cũng như không hiểu một câu chuyện đơn giản.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo đói học tập trong thời kỳ đại dịch
Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra các yếu tố khác nhau giải thích tại sao các lớp học trực tuyến không tỏ ra hiệu quả ở một số quốc gia như Philippines. Trong số các yếu tố có sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ vào việc học của trẻ. Kể từ tháng 3 năm 2021, mức độ tương tác của trẻ em thấp hơn được quan sát thấy trong các hộ gia đình "nơi cha mẹ hoặc người chăm sóc không có bất kỳ hình thức giáo dục nào".
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu rõ: "Những đứa trẻ này ít có khả năng tham gia vào một hoạt động học tập hơn 3-4 lần so với các hộ gia đình có cha mẹ học đại học ở Philippines và Peru".
Một yếu tố khác là quyền truy cập vào các thiết bị và dịch vụ quan trọng đối với việc triển khai học tập từ xa. Các bản báo cáo có tiêu đề, "Học tập từ xa trong thời gian trường học bị khóa", cho thấy rằng trong khi truy cập di động ở Philippines là 88,8 phần trăm, chỉ có 26,9 phần trăm có truy cập Internet.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 cho biết mức độ bao phủ Internet ở Philippines không đồng đều. Năm 2018, khoảng 57% trong 23 triệu hộ gia đình nước này có mạng Internet. Chính phủ đang nỗ lực để cải thiện tình trạng mất cân bằng về khả năng tiếp cận kỹ thuật số trong cộng đồng.
Làm thế nào để cải thiện việc học từ xa?
Khi nhiều học sinh trên khắp thế giới đã được đến trường, hàng triệu trẻ em ở Philippines vẫn ở nhà học trực tuyến năm thứ 2 liên tiếp vì đại dịch. Chính phủ đã bắt đầu mở cửa trở lại các trường học có giới hạn ở các khu vực có nguy cơ thấp đối với COVID-19 vào tháng 11 năm 2021. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nước này cũng nói rõ rằng việc học tập kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp sẽ được sử dụng trong tương lai gần với điều kiện là phải thực hiện đảm bảo về khoảng cách.
Ngân hàng Thế giới đã đưa ra năm cách nhằm cải thiện việc triển khai học tập từ xa trong khi vẫn còn mối đe dọa từ COVID-19:
Đảm bảo việc học từ xa phù hợp với mục đích.
Sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả của giáo viên.
Thiết lập các tương tác hai chiều có ý nghĩa.
Thu hút và hỗ trợ phụ huynh với tư cách là đối tác trong quá trình dạy và học.
Tập hợp tất cả các tác nhân để hợp tác xung quanh việc học.
Cần lưu ý rằng Ngân hàng Thế giới thừa nhận vai trò của cha mẹ trong việc làm cho việc học tập từ xa trở nên hiệu quả và mang lại lợi ích cho trẻ em. Ngân hàng Thế giới cho biết: "Điều bắt buộc là phụ huynh (gia đình) phải tham gia và hỗ trợ để giúp học sinh tiếp cận với việc học từ xa để đảm bảo cả việc học liên tục và bảo vệ hạnh phúc xã hội của trẻ em", Ngân hàng Thế giới cho biết.
Hiểu Đan