(Tổ Quốc) - Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một mẹ bỉm sữa có 9 năm thâm niên trong nghề báo, thuộc mảng đời sống xã hội đã chia sẻ câu chuyện riêng của mình với bao thăng trầm, được nhiều và mất cũng nhiều.
Đã từ lâu rồi, báo chí hầu như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Nó là cầu nối giúp truyền tải thông tin và góp phần làm giàu vốn hiểu biết của độc giả. Từ chuyện Đông chuyện Tây, chuyện vùng này khu vực nọ, cho đến chuyện phiếm vui buồn thường nhật và cả các tin tức mang tầm quốc tế,... đều được báo chí khai thác, đăng tải mỗi ngày. Tuy nhiên, dù hiểu nhiều biết rộng nhờ vào báo chí nhưng chẳng mấy ai biết được đằng sau đó, những người làm nghề báo thì như thế nào. Họ làm gì mỗi ngày? Công việc ra sao? Có áp lực gì không? - chúng đều là những câu hỏi mà từ lâu rồi không có ai thuộc nghề báo đứng ra giải đáp.
9 năm được và mất của một mẹ bỉm sữa theo nghề làm báo
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Hạ Trang - một mẹ bỉm sữa 2 con có 9 năm thâm niên trong nghề báo, thuộc mảng đời sống xã hội đã chia sẻ câu chuyện riêng của mình với mong muốn phần nào giúp trả lời các câu hỏi trên. Hạ Trang nói, 9 năm theo nghề (2 năm làm báo giấy, 7 năm làm báo điện tử) là 9 năm tuổi trẻ vui buồn lẫn lộn, được nhiều và mất cũng nhiều.
"Mình sẽ nói về được trước nhé. Làm báo, cụ thể là lĩnh vực đời sống - xã hội, mình được nhiều lắm. Thứ nhất là được đi đó đi đây nhiều, trong thành phố cũng có mà các tỉnh xa cũng có, được lắng nghe những câu chuyện hay của mọi người, được biết những phong tục lạ, được ăn nhiều món ngon, đặc sản các vùng miền. Điều đó khiến mình mở mang đầu óc hơn, giàu có hơn về kiến thức, kinh nghiệm sống cũng như những trải nghiệm cuộc sống.
Thứ hai là được niềm vui khi nghe những câu chuyện hay và kể lại cho mọi người bằng con chữ, được là cầu nối truyền tải thông tin đến bạn đọc, được chia sẻ tác phẩm của mình, tiếng nói, quan điểm của mình với độc giả. Thứ ba, nghề báo cho mình rèn luyện thân và tâm. Mình đặc biệt biết ơn thời gian làm phóng viên, mình được đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên thân và tâm đều khỏe khoắn, lành mạnh, sôi nổi".
Phần được bên trên có lẽ không cần nói quá nhiều mọi người cũng có thể đoán được. Niềm vui trong nghề này đôi khi giản dị chỉ là những trải nghiệm quý báu trong những chuyến hành trình xuôi ngược đi lấy tin, hoặc những khi nhìn thấy thành quả của mình được độc giả nhiệt tình đón nhận. Trái lại, về phần mất, đặc biệt là một người phụ nữ đang làm báo điện tử như Hạ Trang, sự mất mát khi theo nghề chính là một cuộc đánh đổi. Đánh đổi cả thời gian lẫn sức khỏe. Cô nói:
"Có lẽ giống nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là các nữ đồng nghiệp, mình mất khá nhiều trong quỹ thời gian dành cho bản thân và gia đình. Cũng có thể do mình không giỏi lắm trong chuyện sắp xếp thời gian khoa học, mình thường bị cuốn vào công việc và mất quá nhiều thời gian để làm việc.
Đặc thù của báo điện tử trong môi trường cạnh tranh thông tin như hiện nay, đặc biệt là mảng đời sống - xã hội mình lựa chọn lại yêu cầu theo sát diễn biến thông tin, túc trực bất kể thời gian, ngày lễ Tết, nên thời gian dành cho bản thân và gia đình có phần hạn chế. Khi có con, áp lực về thời gian nặng hơn cả, khi mình cảm thấy khó khăn trong việc chu toàn cả hai bổn phận. Điều thứ hai cũng phải nói thêm là với cường độ làm việc trí não, tiếp xúc máy tính, online nhiều, thức khuya mình cũng bị suy giảm phần nào sức khỏe".
Bao gần muốn bỏ nghề, nhưng lại xem nghề như "tình nhân" để tiếp tục gắn bó
Đâu phải chỉ cái mất về quỹ thời gian hay chấp nhận sức khỏe bị bào mòn, nghề làm báo còn có những trở ngại riêng mà chỉ những người trong nghề mới có thể hiểu được. Những trở ngại này lớn đến nỗi lắm lúc như muốn đánh gục Hạ Trang, thôi thúc cô rời khỏi "ngọn đồi" báo chí này đi, sang một ngọn đồi nghề nghiệp khác mà bắt đầu lại từ đầu. Cụ thể, Hạ Trang chia sẻ:
"Trở ngại lớn nhất của nghề báo là giữ được độ bền vững, ý tưởng và nhiệt huyết với nghề. Với những nghề sáng tạo và truyền thông, thách thức lớn nhất không phải là bạn có bao nhiêu kinh nghiệm (dù kinh nghiệm vô cùng đáng giá trong việc sàng lọc, thẩm định, lựa chọn và định hướng thông tin) mà là bạn có thể đi bao xa với nghề.
Cuộc sống và dòng thông tin thay đổi với tốc độ chóng mặt, làm thế nào để bạn có thể giữ cho mình không "cũ" (dù có thể tuổi chưa già lắm) trước những định hướng mới, lứa độc giả mới, đồng nghiệp mới… và theo kịp dòng chảy đó là một thách thức rất lớn. Hoặc bạn có thể bắt nhịp, làm mới mình, hoặc bạn sẽ bị áp lực đến mức muốn bỏ việc, bỏ nghề".
Chính vì các trở ngại ấy, cộng với thời tuổi trẻ ham mê bay nhảy, Hạ Trang cho biết bản thân mình cũng bao lần muốn nghỉ việc chỉ vì muốn có cơ hội được trải nghiệm thêm ở các lĩnh vực khác. Nhưng rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy, bằng chứng là 9 năm theo nghề dài đằng đẵng, trưng qua biết bao nhiêu thăng trầm, cô vẫn tiếp tục gắn bó. Hạ Trang nói vui, bây giờ cô xem nghề báo như là "tình nhân", dù có đôi lúc giận hờn ghét bỏ nhau, ấy thế cuối cùng yêu vẫn là yêu.
"Mình đã từng nhiều lần nghĩ đến việc từ bỏ nghề báo. Khi còn trẻ, còn ham bay nhảy, mình muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực khác, vì ngoài làm báo, mình còn được đào tạo và tự đào tạo một số kỹ năng, vùng kiến thức phù hợp để làm những công việc khác thú vị không kém. Khi đã có con, mình từng muốn dừng lại để dành nhiều thời gian cho con hơn. Cũng có khi mình muốn bỏ nghề vì cảm thấy cạn kiệt năng lượng tích cực, cạn kiệt ý tưởng và hao mòn sức khỏe, vì nghề báo thực sự là một nghề khắc nghiệt chứ không hoàn toàn thú vị.
Nhưng cho đến giờ, sau 9 năm gắn bó, mình vẫn đang tiếp tục làm nghề, vì nhiều lý do. Một phần lớn là vì sau ngần ấy thời gian làm nghề với những thăng trầm, nghề báo và mình thực sự đã trở thành "tình nhân", hờn dỗi có, đôi khi ghét bỏ nhau, hành hạ nhau cũng có, nhưng vẫn có một gắn kết kỳ lạ khó lý giải. Cũng cần nói thêm là mình may mắn được gia đình hỗ trợ 90% việc nhà, và gia đình là điểm tựa vững chắc, động viên mình theo nghề".
Một ngày của Hạ Trang: vừa làm báo, vừa làm vợ, vừa làm mẹ
Được biết Hạ Trang hiện đang có 2 con nhỏ, cô cùng chồng con đang sống với gia đình chồng ở thủ đô Hà Nội. May mắn cho cô, là dù bận tất bật tối mũi với nghề, nhưng cô luôn được chồng thấu hiểu, mẹ chồng quan tâm và hỗ trợ khá nhiều trong công việc nội trợ. Một ngày bình thường của Hạ Trang cũng gần giống như bao bà mẹ công sở khác, chỉ có điều ngủ hơi muộn hơn. Hạ Trang chia sẻ cụ thể lịch sinh hoạt thường ngày của mình:
"Mỗi ngày, mình đưa con đi học mẫu giáo buổi sáng. Buổi chiều, hôm nào cho bé lớn đi học nhảy, mình sẽ đón con ở trường, cho con ăn xế, đưa con đi nhảy rồi về ăn cơm. Những ngày bé không đi nhảy, mình đón bé về chơi với em, nấu bữa tối cho gia đình. Sau bữa tối, mình tắm cho hai con rồi ngủ cùng con.
8h: Chải tóc, thay đồ và cho con đi ăn sáng, đưa con vào lớp
9h30 - 17h: Làm việc ở văn phòng hoặc tác nghiệp bên ngoài.
17h30 - 19h: Thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị bữa tối hoặc thời gian đưa con lớn đi học nhảy
20h - 21h: Vệ sinh cá nhân cho con
21h - 23h: Vừa làm việc (nếu có việc gấp cần hoàn thành trước 0h) vừa để ý con, hoặc vừa nghỉ ngơi vừa trông con.
Sau 23h: Cho con đi ngủ
0h - 2h sáng: Thời gian dành cho thư giãn như nghe nhạc, xem phim, thời gian dành cho bạn đời.
Các bạn đừng thắc mắc mình làm việc nội trợ như lau dọn nhà cửa, giặt giũ, đi chợ... vào lúc nào nhé! Mình được gia đình hỗ trợ làm giúp toàn bộ việc nhà, chỉ việc trông con từ chiều tối đến đêm thôi, vì đó là thời gian để mẹ chồng và chồng mình "xả hơi" sau một ngày vừa làm việc, vừa lo lắng việc nhà, trông bé nhỏ cho mình".
Quả thật, nghề nào cũng vậy không riêng gì nghề làm báo, mỗi nghề đều có những trở ngại và khó khăn riêng, tuy nhiên niềm hạnh phúc khi sống cùng với nghề cũng vô cùng to lớn. Nhân đây, qua câu chuyện của riêng mình, Hạ Trang gửi lời chúc đến toàn thể quý đồng nghiệp, nhất là hội chị em phụ nữ đang trên con đường làm báo nhiều niềm vui, lắm trắc trở vào ngay ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 như sau:
"Mình chúc các đồng nghiệp giữ được năng lượng tích cực và nhiệt huyết với nghề, giữ cho bản thân không bị "cũ" trước cơn bão thay đổi và cạnh tranh cao. Đặc biệt chúc các nữ đồng nghiệp, ai chưa có người yêu thì không ế, ai đã có chồng con thì gia đình ấm êm, được cảm thông với sự bận rộn. Điều quan trọng nhất, mình muốn chúc các đồng nghiệp sức khỏe dồi dào để xông xáo vào cuộc đời, tạo ra những tác phẩm hay, có ý nghĩa và có thu nhập tốt từ việc làm nghề trong sáng".
Min