(Tổ Quốc) - Đừng nghĩ con còn nhỏ không biết gì. Gieo thói quen gặt tính cách, có những dấu hiệu bố mẹ cần chấn chỉnh ngay nếu không muốn con mình sau này trưởng thành lệch lạc.
Không bậc cha mẹ nào muốn con mình trở thành một đứa trẻ ngang ngược khi lớn lên. Vì thế, người lớn cần nhận ra những dấu hiệu cũng như nguyên nhân sinh hư của con càng sớm càng tốt để có biện pháp giáo dục và giúp đỡ chúng.
Nếu cha mẹ thấy bé xuất hiện 5 dấu hiệu sau, cần uốn nắn ngay lập tức.
1. Không bao giờ nói cảm ơn với những người trong gia đình
Nhiều phụ huynh có thể nghĩ với trẻ con chuyện quên cảm ơn là bình thường. Tuy nhiên, có những đứa trẻ luôn cư xử tốt với người khác nhưng lại không bày tỏ lòng biết ơn đối với người trong nhà. Khi quên "cảm ơn" là vì chúng luôn nghĩ rằng mọi thứ mình nhận từ gia đình là điều hiển nhiên được có!
Vì quá yêu con nên những gì cha mẹ dành cho con được coi như vô điều kiện. Họ coi đó là cách thể hiện tình yêu, sự quan tâm. Lâu dài, trẻ sẽ mặc định chúng cần được hưởng những điều đó, cha mẹ có nghĩa vụ phải chăm nom chúng như vậy.
Trẻ sẽ thấy việc mẹ dậy từ sớm chuẩn bị cơm nước cho mình là điều đương nhiên, trẻ coi việc những người xung quanh giúp đỡ mình là việc ngẫu nhiên, không tỏ thái độ trân trọng, cảm ơn. Từ đó trẻ không biết được rằng, để được thừa hưởng những điều đó cần phải có thái độ cảm ơn, trân quý.
Một đứa trẻ không học được cách nói cảm ơn sẽ không thấu hiểu được sự hi sinh, tình yêu của cha mẹ, lớn lên sẽ ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân. Cha mẹ cần dạy cho bé học nói cảm ơn khi ai đó giúp đỡ mình, cho mình thứ gì, nhường nhịn mình việc gì... Việc giúp bé nhận thức được cần biết ơn người đã giúp đỡ mình, sinh ra mình là thể hiện sự tôn trọng của bé dành mọi người, đặc biệt là ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
2. Không bao giờ nhận lỗi khi làm điều sai trái
Nhiều phụ huynh luôn bảo vệ con và bảo toàn lợi ích của chúng nếu ai đó buộc tội con họ làm điều gì đó sai. Một mặt, đó là kiểu hành vi tự nhiên nhưng nếu cha mẹ không thảo luận về tình huống với con trước mà chỉ đổ lỗi cho giáo viên và những người khác thì đứa trẻ sẽ bắt đầu có cảm giác có thể thoát khỏi mọi trách nhiệm. Đó là nguyên nhân trẻ luôn cãi lại và đổ lỗi cho bố mẹ hoặc người khác khi có vấn đề xảy ra.
Sau việc học nói ''cảm ơn'', chính là lời ''xin lỗi''. Nếu một đứa trẻ không bao giờ chịu nhận sai, nhận khuyết điểm, thậm chí chăm chăm tìm cách đổ lỗi cho người khác thì rất có thể khi lớn lên, chúng sẽ không cư xử tốt với cha mẹ.
Một đứa trẻ như thế khi ra xã hội cũng sẽ bị mọi người ghét bỏ. Không ai có thể sống trong một tập thể mà cứ khăng khăng cho rằng mình là nhất cả.
3. Luôn cãi lại và chống đối bố mẹ
Đôi khi bướng bỉnh và cãi lời người lớn là thói quen của hầu hết trẻ thơ, đó cũng là trạng thái tâm sinh lý bình thường, được coi là một giai đoạn phát triển về nhận thức của đứa trẻ.
Tuy nhiên, việc cãi lời cha mẹ cũng cần có mức độ. Cha mẹ phải dạy để trẻ hiểu rằng, bên cạnh việc phát triển tư duy cá nhân, việc cãi lời cha mẹ thực chất là hành vi không đúng mực, là thể hiện sự không tôn trọng cha mẹ của mình.
Khi con trẻ bắt đầu chống lại mình, các bậc phụ huynh nên xem xét lại bản thân, liệu có phải thật sự là mình làm gì đó không phải hay không. Nếu thật sự là trẻ không đúng thì cha mẹ cần phải dạy dỗ, dẫn dắt con, bình tĩnh trò chuyện cùng con, hỏi xem vì sao con không vui, vì sao lại chống đối, nhẫn nại dạy con bằng một thái độ tích cực. Nếu trẻ muốn bày tỏ quan điểm cá nhân, cha mẹ hãy lắng nghe và cân nhắc lời nói của con.
4. Không bao giờ chịu làm nếu không được "hối lộ"
Đây là điều mà rất nhiều cha mẹ thường làm khi nuôi con. Kiểu như: Con ăn đi rồi mẹ cho mượn điện thoại, con đi học đi thì mẹ cho tiền, con nghe lời thì mẹ mới cho kẹo...
Cha mẹ nên nhớ, việc trao những món quà nho nhỏ rất cần thiết để khích lệ trẻ cố gắng, nhưng nếu thường xuyên tiếp diễn việc này thì cha mẹ cần xem xét lại. Bởi trẻ sẽ cho rằng, chúng không có nghĩa vụ phải làm những việc đó nếu không có thứ gì đáp trả.
Việc hối lộ trẻ để trẻ nghe lời một giải pháp ngắn hạn mang lại hậu quả nguy hiểm, bởi khi nó trở thành chuẩn mực, con của bạn sẽ bắt đầu kỳ vọng vào những phần thưởng tốt hơn trước khi đồng ý thực hiện nhiệm vụ. Khi không được như mong muốn, trẻ sẽ tỏ thái độ, không nghe lời và tìm cách chống đối.
Vì thế, không nên hối lộ trẻ một cách thái quá mà cần phải phân định rõ ràng, việc nào trẻ có trách nhiệm phải làm và việc nào trẻ sẽ được thưởng vì cố gắng, nỗ lực của mình.
5. Trẻ muốn mình là trung tâm vũ trụ
Những đứa trẻ được ông bà, bố mẹ quá chiều chuộng, đòi gì được nấy nên không quan tâm đến người khác, không biết yêu thương người khác, chỉ coi mình là "trung tâm vũ trụ", bắt tất cả phải xoay quanh mình, giành hết thời gian cho mình.
Điều quan trọng là phải quan tâm đầy đủ đến trẻ em nhưng chúng nên hiểu rằng cha mẹ cũng có nhu cầu riêng. Khi cuộc sống gia đình xoay vòng quanh mong muốn của một đứa trẻ thì đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng đứa trẻ hư hỏng.
Để trẻ giảm ý thức coi mình là nhất thì trước tiên cần giảm sự chăm lo, chiều chuộng của ông bà, bố mẹ. Việc chiều chuộng "vô đối" chỉ làm tăng tính ích kỷ, cá nhân của trẻ. Ông bà, bố mẹ cần chuyển trọng điểm chú ý trong gia đình, coi trẻ chỉ là một thành viên bình đẳng. Như vậy, trẻ mới nhận thức đúng đắn về bản thân và nhìn thấy điểm mạnh của người khác.
Hiểu Đan