(Tổ Quốc) - Chồng qua đời, người phụ nữ sống một mình cho đến khi được cùng nhau mơ, cùng nhau mất ngủ, nghe tiếng mưa sau hơn nửa thế kỷ cách biệt.
Có những sự chia ly là mãi mãi, khiến người ngoài cuộc cũng phải đau đớn vì nó quá mức tàn khốc. Một cặp đôi yêu nhau nhiều năm, cuối cùng được đến bên nhau lại phải ly biệt. Đó chắc chắn là một nỗi đau như tàn phá cả tâm hồn. Câu chuyện của dịch giả nổi tiếng Trung Quốc Chu Sinh Hào cũng như vậy.
308 bức thư tình sau 9 năm yêu nhau
Chu Sinh Hào sinh năm 1912 trong một gia đình thương nhân ở Chiết Giang (Trung Quốc). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ khả năng văn chương kiệt xuất. Thế nhưng cuộc sống êm đềm đã thay đổi vào năm ông lên 10. Gia đình kinh doanh thất bại, họ phải sống trong cảnh khó khăn.
Năm đó, mẹ ông chết vì bệnh tật, sau đó 2 năm, cha ông cũng qua đời. Cha mẹ không còn, sau Chu Sinh Hào có 2 em trai nữa. Ông phải đưa 2 em đến nhà dì ở nhờ. May mắn thay trước khi qua đời, mẹ Chu Sinh Nhật để lại một quỹ đặc biệt giúp ba anh em được ăn học.
Sau này, Chu Sinh Hào học ngành ngôn ngữ và sở hữu vốn tiếng Anh đáng kinh ngạc. Nhờ khả năng của mình, ông cũng nổi tiếng ở Đại học và được bạn bè ngưỡng mộ.
Năm 1932, trong một lần tham gia Hội nghị thơ, Chu Sinh Hào gặp Tống Thanh Như - một nhà văn xinh đẹp.
Thanh Như sinh ra trong một gia đình giàu có, xinh đẹp và thanh tao. Lúc đó, Chu Sinh Hào có hoàn cảnh quá mức chênh lệch với cô gái này. Ông khốn khó, lo tiền thuê nhà hàng tháng. Tuy nhiên, Chu Sinh Hào tài năng đã khiến Tống Thanh Như chú ý. Cả hai bắt đầu trò chuyện với nhau và dần dần trao đổi về văn thơ.
Từ những điều qua lại đó, họ nảy sinh tình yêu. Cách yêu đương của cặp đôi rất đặc biệt, phần lớn thời gian họ không được ở gần bên nhau. Thế nhưng tình yêu ấy đã khiến cho Chu Sinh Hào sáng tác được đến 308 bài thơ tình cho Tống Thanh Như.
Bình thường, Chu Sinh Hào không thích nói chuyện, vóc dáng gầy gò, xanh xao, bạn bè chẳng có ai hết. Thế nhưng những vần thơ ông gửi cho người yêu lại khiến cho bất cứ ai cũng phải rung động.
Trong tiêu đề thư gửi người yêu, ông gọi cô gái của mình với nhiều cái tên khác nhau như: Chị gái, cô gái ngẩn ngơ, em bé, con ma nhỏ, giấc mơ đêm trước, Tống thần kinh, cô em gái, Hoàng thượng, mẹ chồng…
Chữ ký cuối mỗi bức thư cũng thật sự đa dạng: Con kiến dưới chân em, Paul buồn bã, Henry vui vẻ, vịt con xấu xí, nhà văn, nhà sư, kẻ tuyệt vọng…
Nội dung của các bức thư lại ngọt ngào đến sâu răng: “Thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy anh quá yêu em” hay “Anh chính là nô lệ của Tống Thanh Như” hoặc “Tất cả mọi thứ đều xấu xí, gió, mưa, nắng đều xấu xí, con người xấu xí, anh cũng xấu xí. Chỉ có em là đáng ghen tị như trời xanh”.
Bởi vì Tống Thanh Như lớn hơn Chu Sinh Hào 1 tuổi nên ông quyết: “Nếu như em thật sự lớn hơn anh, vậy từ nay về sau mỗi năm anh sẽ tăng thêm 2 tuổi, anh sẽ luôn đuổi kịp được số tuổi của em”.
Thời gian đó, tình hình xã hội rối ren cùng nhiều vấn đề nên phải đến sau 9 năm yêu đương cặp đôi mới được tổ chức kết hôn. Năm 1942, Tống Thanh Như lên xe hoa, trở thành vợ của Chu Sinh Hào. Lúc đó, Chu Sinh Hào 30 còn Thanh Như 31 tuổi. Lúc đó, họ đã được tặng 9 chữ trong đám cưới: “Học giả tài năng và quý cô xinh đẹp”.
Hạnh phúc hôn nhân và cái chết chia lìa đôi lứa
Sau khi kết hôn, cặp đôi tiếp tục dịch các tác phẩm của Shakespeare. Chu Sinh Hào chìm đắm trong thế giới ngôn từ, gánh nặng cuộc sống đổ lên vai Tống Thanh Như. Bà chu toàn tất cả, giặt giũ, nấu nướng phục vụ chồng.
Thời gian rảnh, bà sắp xếp và duyệt lại những tác phẩm mà chồng dịch. Bà luôn là độc giả đầu tiên của Chu Sinh Hào mỗi khi công việc xong xuôi.
“Anh ấy dịch Shakespeare, tôi nấu ăn”, Tống Thanh Như kể lại về cuộc sống của gia đình mình hồi đó.
Thế nhưng công việc vất vả đã tàn phá sức khỏe của Chu Sinh Hào. Ông đã lâm bệnh và qua đời vào tháng 12/1944. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuốc men thiếu thốn đã khiến ông phải ra đi. Đến lúc đó, ông đã hoàn thành việc dịch 37 vở kịch của Shakespeare. Lúc qua đời, ông để lại Tống Thanh Như cùng đứa con trai mới 1 tuổi.
Lúc nằm trên giường bệnh, biết bản thân không qua khỏi, Chu Sinh Hào nhìn chằm chằm vào người vợ đầu gối tay ấp và chỉ nói được đúng 5 chữ: “Thanh Như, anh đi đây”. Lúc đó, Chu Sinh Hào mới chỉ 32 tuổi. Những lời nói cuối đó, Chu Sinh Hào đã vô cùng cố gắng. Ông muốn xoa dịu đi nỗi đau, chào tạm biệt để cả hai chia lìa mãi mãi. Thế nhưng 5 chữ tưởng như bình thường đó lại khiến Tống Thanh Như ám ảnh, nhớ nhung mãi.
“Cái chết của anh ấy đã lấy đi hạnh phúc, hi vọng và tất cả của tôi. Tôi mất đi anh ấy và mất luôn bản thân mình”, Tống Thanh Như đã nói như thế sau cái chết của chồng.
Sau khi chồng qua đời, Tống Thanh Như rất cố gắng nuôi dạy con trai nên người. Bà cũng đối chiếu 31 bản thảo có tổng cộng 1,8 triệu từ và giúp chồng hoàn thành nốt bản dịch cuối cùng với sự giúp đỡ của cậu em chồng. Đến năm 1947, các tác phẩm của Shakespeare do Chu Sinh Hào dịch lần lượt được xuất bản khiến Tống Thanh Như rất nhẹ nhõm và tự hào.
Sau đó, bà tiếp tục sống độc thân rồi nuôi con. Tống Thanh Như cũng có mối tình khác nhưng không kết hôn. Tống Thanh Như đã sống một mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào năm 1997, thọ 86 tuổi.
Bà được chôn cất cạnh chồng trong nghĩa trang. Trên bia mộ có khắc hai câu: “Nếu hai chúng ta cùng nhau mơ trong tiếng mơ, tâm trạng sẽ khác nhau thế nào. Hoặc cùng nhau mất ngủ trong tiếng mưa thì thật thú vị biết bao”.
Bây giờ Tống Thanh Như và Chu Sinh Hào cùng nhau mơ trong một thế giới khác, cùng nhau mất ngủ, cùng nhau nghe tiếng mưa sau 53 năm cách biệt.
Nguồn: Daydaynews, Kknews
Ca Ca