(Tổ Quốc) - "Ba biết quỹ thời gian của ba sắp hết. Vì vậy ba viết sẵn mấy lời này để các con đừng bỡ ngỡ, mà hãy coi đó là quy luật của cuộc sống mà thôi và làm theo một số điều ba dặn", lời nhắn nhủ của người cha, người lính gửi 2 con trai trước lúc lâm chung khiến nhiều người xúc động và cảm phục.
Có bao giờ bạn bực mình vì sự quan tâm thái quá của cha mẹ? Có bao giờ bạn cảm thấy "ngạt thở" khi bị sự quản thúc từ gia đình mỗi ngày? Có bao giờ bạn cảm thấy cha mẹ là "gánh nặng"? Hay có bao giờ vì quá bí bách mà bạn muốn bỏ nhà để ra đi tìm cuộc sống vui vẻ hơn?
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lúc phiền muộn vì những ý nghĩ như vậy, thế nhưng, với những người không còn cha hoặc mẹ lại thèm khát được sự quan tâm ấy, sự quản thúc ấy hay thậm chí chỉ là được nghe tiếng nói ấy biết nhường nào.
Lời dặn dò trước lúc đi xa khiến hàng nghìn người rơi nước mắt
Bức thư như một lời "tạm biệt" của người cha - cũng là một người lính trước lúc rời xa cõi đời gửi đến các con của mình. Vì biết quỹ thời gian của mình sắp hết, ông sẽ phải rời khỏi thế gian này bất cứ lúc nào và người cha đã tự biên thư để gửi lại cho con kèm những lời gan ruột, ông viết:
"Ba sinh năm 1948. Tham gia cách mạng tháng 8 năm 1965. Vào Quân đội năm 1967. Đi Nam chiến đấu tháng 2 năm 1968. Tháng 8 năm 1968 đã có cương vị chỉ huy một Đại đội hỏa lực. Có 15 năm liên tục chỉ huy đơn vị chiến đấu ở 3 chiến trường: Tây Nguyên, Miền Đông Nam Bộ và chiến trường K. Hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhiều lần hoàn thành xuất sắc, chưa một lần bị nhắc nhở vì điều gì.
Ba tự hào vì điều đó. Nhưng năm tháng đó nó cũng đã cho ba không nhỏ các di chứng của chiến tranh. Nó đang tàn phá sức khỏe của Ba. Mặc dù ba cố gắng chống đỡ nhưng không ai hiểu mình bằng mình".
Không chỉ mang đến cho người đọc những giọt nước mắt xúc động, bức tâm thư với ngôn từ giản dị mà trọn vẹn ý nghĩa, giọng điệu không chút cầu kỳ mà vẫn đong đầy tình cảm còn khiến người ta thêm nể phục người cha. Với "chất lính" vẫn tràn trề trong huyết quản, triết lý sống đầy mạnh mẽ mà người cha gửi gắm trong bức tâm thư khiến mỗi chúng ta, đều có thể học được một điều gì đó.
Với ông, cái chết không phải là thứ gì đáng sợ, nó đơn giản là quy luật của đời người, sinh-lão-bệnh-tử không ai tránh được. Suy cho cùng, cuộc sống chẳng phải là hành trình đến với cái chết hay sao? Nên với ông, cái chết không hề đáng sợ, hệt như cái cách ông và các đồng đội xông pha trên chiến trường chống giặc nhiều năm về trước.
"Ba biết quỹ thời gian sống của ba sắp hết. Vì vậy, ba viết sẵn mấy lời này để các con đừng bỡ ngỡ mà hãy coi đó là quy luật sống mà thôi và làm theo một số điều ba dặn.
Một là về cuộc sống, ba chỉ có 2 con, là anh em ruột. Sống trong xã hội khắc nghiệt này phải biết nhường nhịn, yêu thương nhau. Lấy tình cảm làm trọng, vật chất chỉ là thứ ngoài thân. Ba đã cố gắng nuôi các con có ăn có học, tuy không cao sang gì nhưng các con là người biết chữ, phải sống như người có học thức. Sống trong xã hội phải biết giúp đỡ mọi người, nếu mình có điều kiện, sống đừng có lợi dụng ai và đừng để ai lợi dụng mình. Phải tập trung, chịu khó làm ăn hợp pháp và phải tiết kiệm. Ra đời làm ăn nhớ đừng mang rắc rối về nhà. Hãy nhớ câu "KHÔNG THAM KHÔNG CHẾT".
Về tài sản, ba không có hiện kim, hiện ngân để cho các con. Ba chỉ có căn nhà đang ở là có giá trị. Ba đã thỏa thuận bán đi chia làm 4 phần, các con mỗi đứa được một phần. Nay chắc không kịp. Ba ra đi rồi, phần của ba chia đều cho hai con, phụ vào mỗi đứa mua một căn hộ hợp túi tiền để an cư lạc nghiệp".
"Ba cống hiến những tế bào cuối cùng cho Tổ quốc, ba toại nguyện. Đời nợ ba, ba chẳng nợ đời điều gì"
"Về xử lý khi ba ra đi, ba đã làm thủ tục đăng ký hiến xác cho khoa học. Vậy khi ba nhắm mắt xuôi tay, trong vòng 3 tiếng đồng hồ, các con phải báo cho cơ quan nhận xác đến làm thủ tục bàn giao (hồ sơ địa chỉ ở bên xác ba). Ba mất không phát tang cúng điếu làm gì. Cứ để ba ra đi lặng lẽ như ngày xưa ba cùng đồng đội lặng lẽ hành quân trong đêm ra trận. Không chấp nhận điếu của ai, các con nhận, thế hệ các con không trả nổi đâu.
Bao năm chinh chiến, về lại đời thường, ba chưa bao giờ nhận sự đãi ngộ gì. Ba tự làm tự tay nuôi các con. Đồng đội tặng ba mấy chữ: "TRỌN NGHĨA NƯỚC NON, SẮT TÌNH ĐỒNG ĐỘI". Ba thấy đủ và vui rồi.
Đến hơi thở cuối cùng, ba cũng cống hiến tế bào cuối cùng cho Tổ quốc, ba rất toại nguyện. Vì đời nợ ba, ba chẳng nợ đời điều gì".
Và sau đó là những lời chân thành từ tận đáy lòng của ông cùng những lời dặn dò yêu thương khiến không ít người đọc phải rơi nước mắt.
"Hãy làm đúng lời ba dặn, đừng nghe ai thay đổi điểu gì. Thắp nhang cho ba 49 ngày, hết thời gian này, 2 anh em đến bàn thờ ba thắp cây nhang xin ba cho chúng con xả tang để làm ăn là được rồi với không mướn thầy bà làm gì".
Dù không được ở bên cạnh con cái nhưng linh hồn người cha thân thương sẽ luôn che chở cho đứa con mình: "Ba luôn thương yêu 2 con, thương yêu cháu nội, con dâu. Ba luôn đi theo phù hộ cho 2 con".
Những dòng thư để lại của một người cha - một người lính đã dành cả tuổi trẻ của mình nơi chiến trường, để chúng ta - những thế hệ hôm nay có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc đã chạm đến trái tim của hàng nghìn người đọc. Rất nhiều người đã rơi nước mắt xúc động.
Đọc những dòng chữ này, trong số chúng ta, nhiều bạn trẻ đã tự nhìn lại mình, nhìn lại những ý nghĩ sai lầm của bản thân, những lần cư xử vô lễ với cha mẹ để có thể sửa đổi, có thể dành hết tình yêu thương, kính trọng dành cho người đã sinh ra ta, nuôi ta lớn, hy sinh vì ta. Bởi hơn hết, ba mẹ luôn thương yêu ta hơn bất kỳ một thứ gì khác trên đời, chỉ là tình yêu đó, đôi khi không được thể hiện thành lời mà thôi!
Cuộc đời ba chính là món thừa kế quý giá nhất cho con
Chia sẻ với chúng tôi, người đăng tải bức tâm thư xúc động - anh Nguyễn Chiến Trường (SN 1987, ở TP.HCM) tâm sự: "Để nói về ba mình thì nhiều lắm, bởi kỉ niệm về ba vẫn ở sâu trong trí nhớ của mình. Thời gian cũng đã quá lâu để mình có thể nhớ cách ba dìu dắt mình những bước đi đầu tiên trong cuộc đời như thế nào. Nhưng cái đi với mình suốt cuộc đời là tinh thần khiêm tốn, khiêm nhường mà ông dạy mình và anh hai.
Theo nghĩa là cái cá nhân chỉ là cái hạt cát, nhỏ bé trong xã hội người. Dù mình có thành tựu thế nào thì đấy cũng là dựa trên công sức và nền tảng của xã hội người nói chung nên không được lấy đó làm huyênh hoang kiêu ngạo. Đó là điều ông vẫn dạy bọn mình".
Nói về ba mình, anh Trường tự hào chia sẻ: "Ba mình là người chính trực, thẳng thắn và đau đáu với đất nước. Ông là Đảng viên mà, dù là về hưu nhưng ở phường mình sống, mọi vấn đề xoay quanh nhân sinh ông đều lên tiếng. Nên nhiều người, vừa thương lại vừa sợ bởi sự bộc trực của ông.
Còn đối với cá nhân mình, ba gần như là nền tảng cho mình ở cuộc sống hiện tại. Mặc dù cũng có cái đúng, có cái sai chứ không phải mọi thứ đều tuyệt vời. May mắn là từ khi mình đủ 18 tuổi. Ba mình không bắt mình sống cuộc đời mà ba mình muốn. Ông luôn tôn trọng quyết định của mình, miễn là mình thuyết phục được ông. Có đôi khi, mình cũng hay bắt bẻ ông nếu ông không hợp lý".
Điều con tiếc nuối nhất là đã không dành nhiều thời gian bên ba
Khi được hỏi về điều hối tiếc nhất của bản thân là gì khi ba đã đi xa, anh Trường tâm sự: "Điều hối tiếc nhất có lẽ là mình dành ít thời gian với ba, nên gần như không biết hết được những tâm tư trong lòng ông. Ông cũng như mẹ mình, dành cả đời để dõi theo con cái.
Riêng ông thì ít khi nào bộc lộ bản thân, bắt con phải chiều mình, ngược lại cố gắng thích nghi với sự lớn lên của con. Nên đôi khi mình bị quên việc phải lắng nghe ba mà cứ bắt ba phải theo mình.
Mình nghĩ là nếu may mắn còn cha mẹ, và có cha mẹ yêu thương mình thì chúng ta nên học cách làm bạn với cha mẹ. Người ta thường bảo cha mẹ phải làm bạn với con cái thì con cái cũng nên tương tác lại như thế. Cách chúng ta nhẫn nhịn, chiều bạn bè thế nào thì cũng nên áp dụng với cha mẹ.
Thời trẻ, nhiều người trong đó có mình vẫn nghĩ ráng kiếm tiền để báo hiếu, phụng dưỡng; nhưng thực tế khi có tiền rồi, sức khỏe ba mẹ lại không cho phép hưởng thụ cùng mình. Muốn mời ba mẹ 1 bữa buffet thì ba mẹ cũng ngán thịt, ngán cá. Muốn mời ba mẹ đi du lịch, đi thưởng ngoạn thì ba mẹ yếu sức không đi xa được. Cho nên tranh thủ lúc nào thì lúc đó quan tâm chăm sóc làm bạn với cha mẹ 1 tí sẽ tốt hơn nhiều lắm...".
"Giá mà ba có thể sống thêm vài năm để cùng con "lớn" thêm 1 chút nữa...", anh Trường xúc động.
Có lẽ, khi còn thơ bé, ai cũng ước ao rằng lớn lên sẽ đi làm, kiếm tiền, mục đích trước hết là được tự do, được bay nhảy rồi dùng số tiền đó để phụng dưỡng, báo hiếu với cha mẹ. Thế nhưng khi chúng ta lớn lên thực sự rồi, bị cuốn vào vòng quay cuộc sống mới thấy việc làm đó thực khó dường nào.
Bởi mấy ai hiểu rằng, cái ba mẹ chúng ta cần chẳng phải thứ quần áo đẹp, hay những trang sức đắt tiền, những món ăn ngon lạ miệng, mà thứ họ cần đơn giản lắm, đó chỉ là những khoảng thời gian vui vẻ, đầm ấm bên con cái mà thôi!
Cảm ơn ba mẹ vì cả đời chấp nhận hy sinh những quyền lợi mà ba mẹ đáng được hưởng để con cái có thể an tâm mà khôn lớn, an tâm mà trưởng thành...!
Minh Khôi