(Tổ Quốc) - "Tôi từng gặp nhiều đơn vị kiên quyết không nhận người mẫu là gay, là người chuyển giới", Xuân Lan chia sẻ.
Được mệnh danh là "Biểu tượng thời trang Việt Nam" hay "Kate Moss Việt Nam", Xuân Lan thuộc thế hệ người mẫu thời kỳ đầu. Đến thời điểm hiện tại, cựu siêu mẫu vẫn hoạt động trong nghề với vai trò "chị đại" của các show, gameshow liên quan đến người mẫu và thời trang.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Xuân Lan lại xuất hiện với vai trò host của talkshow Chuyện ngại nói. Cựu siêu mẫu tiết lộ chị chính là người lên ý tưởng và lựa chọn chủ đề cho từng số của talkshow này:
"Tôi nhận thấy rằng khi tôi bày tỏ tình cảm, quan điểm của mình thì khán giả có phản ứng khá là ngạc nhiên.
Xuân Lan gây ấn tượng với mái tóc ngắn cá tính, sự lạnh lùng, mạnh mẽ trong công việc.
Có lẽ họ đã quen với hình ảnh Xuân Lan là 1 cô người mẫu lạnh lùng, nguyên tắc trên các sàn diễn, trên các gameshow mà quên rằng tôi cũng là người bình thường, có hỉ nộ ái ố.
Vậy nên tôi quyết định làm chuỗi talkshow để được bộc lộ quan điểm, sự quan tâm, những hỉ nộ ái ố của chính mình với khán giả".
Quyết định nói ra những điều người khác "ngại nói" đã khiến Xuân Lan có được những trải nghiệm khác biệt:
"Sau 13 số, tôi đặc biệt ấn tượng với talkshow nói về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Với sức ảnh hưởng của mình, tôi đã tìm hiểu từ rất nhiều nguồn thông tin để có được tư liệu cần thiết cho talkshow.
Khi biết câu chuyện về em bé 5 tuổi bị cho uống thuốc kích dục hằng ngày và bị xâm hại bởi nhiều người đàn ông, tôi đã bị ám ảnh.
Xuân Lan đặc biệt quan tâm tới vấn nạn xâm hại trẻ em.
Với uy tín của mình và của những người xung quanh, tôi gặp trực tiếp mẹ của em bé đó. Và chị ấy sẵn sàng đối diện trực tiếp để kêu gọi các bậc phụ huynh hãy quan tâm, bảo vệ để con em của mình không trở thành nạn nhân tiếp theo.
Đối diện với câu chuyện của chị ấy, nghe những gì mẹ con chị phải trải qua, tôi tin rằng bất cứ ai làm cha làm mẹ cũng đều không thể chịu đựng được. Cho tới bây giờ, khi xem lại clip về talkshow hôm đó, tôi vẫn không thể ngừng khóc".
Xuân Lan cho hay, khi tự làm talkshow, ngoài việc chủ động được thời lượng chia sẻ, chị còn có thể thoải mái đưa ra các chủ đề mà mình quan tâm:
"Khi tham gia show Đại sứ hoàn mỹ của Hương Giang, tôi rất ấn tượng với 1 người mẫu chuyển giới. Bạn ấy có người yêu đã gắn bó với nhau nhiều năm, nhưng khi biết bạn ấy là người chuyển giới thì anh ta lập tức chia tay.
"Nhiều đơn vị kiên quyết không nhận người mẫu là gay, là người chuyển giới".
Có nghĩa là anh ta chỉ yêu bạn ấy vì vẻ ngoài xinh đẹp, nữ tính chứ không hề yêu và chấp nhận con người thật của bạn ấy. Người chuyển giới luôn thiệt thòi như vậy đó! Và tôi quyết định mời bạn ấy làm khách mời cho số talkshow tiếp theo của mình.
Không chỉ trong tình cảm đâu, người chuyển giới còn rất thiệt thòi trong công việc, trong xã hội nữa.
Tôi từng gặp nhiều đơn vị kiên quyết không nhận người mẫu là gay, là người chuyển giới. Thậm chí người ta sẵn sàng hủy hợp đồng, không cho người thuộc cộng đồng LGBT xuất hiện trong chương trình.
Bản thân tôi nhận thấy những người thuộc cộng đồng LGBT có số phận quá vất vả. Họ đã phải đánh đổi rất nhiều để có thể được sống đúng với bản ngã của mình. Sau đó khi bước ra xã hội với thân phận thực, họ phải phải trải qua nhiều khó khăn, đau đớn từ sự kỳ thị của những người xung quanh.
"Những người thuộc cộng đồng LGBT có số phận quá vất vả".
Trong khi đó có không ít người thuộc cộng đồng LGBT rất tài năng, họ sống tình cảm và mong muốn được cống hiến cho xã hội.
Tôi đã cộng tác và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa dành cho các người mẫu thuộc cộng đồng LGBT. Nhưng quả thực, mỗi khi nghe được tâm sự của họ, nghe họ nói cảm ơn tôi vì đã coi họ là người mẫu chuyên nghiệp, đã cho họ cơ hội thể hiện bản thân tôi vẫn cảm thấy vô cùng xúc động".
Thảo Nguyên