(Tổ Quốc) - Tái chế, tái sử dụng, tạo vòng tuần hoàn cho rác thải chính là một hình thức đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, những thứ bỏ đi lại trở thành kho báu bí mật, giúp chúng ta thu lợi nhuận hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng ở Việt Nam và nhiều triệu USD trên thế giới hay chưa? Nghe chừng điều này có vẻ khó tin, nhưng trên thế giới, rất nhiều người đã chứng minh việc làm giàu từ phế thải chính là một công việc có kế hoạch, đòi hỏi chiến lược dài hạn. Thực tế, nhiều nhà kinh doanh đã đút túi cho mình những cơ hội phát triển không ngờ từ nó.
Luôn luôn có thể tìm thấy cho mình cơ hội từ những khó khăn, bởi cuộc sống là sự tiếp thu và không ngừng cải thiện, đòi hỏi con người cần thích nghi với môi trường cũng như vượt lên chính mình để tìm kiếm lợi nhuận từ chính các thách thức đó. Những mô hình doanh nghiệp như tái chế rác điện tử với công nghệ hiện đại, công ty xử lý rác thải, quản lý rác thải hay sản xuất các đồ tái chế nhằm mục đích bảo vệ môi trường đã và đang sẽ là xu hướng phát triển vô cùng mạnh mẽ tại các nước lớn như Hoa Kỳ, Canada, Anh và Nhật Bản.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, những ý tưởng kinh doanh như vậy còn chưa nhiều và phổ biến, bởi vốn kiến thức cũng như hiểu biết của những người bước đầu làm kinh tế về các vấn đề môi trường nói chung và rác thải nói riêng chưa nhiều.
Tại các quốc gia kém phát triển hay đang phát triển, đến nay, người ta đã bắt đầu biết tận dụng lợi thế từ chính những vật dụng hay đồ vật mình coi là phế thải và làm giàu từ chúng. Ở Chile, công ty Enfaena đã xây dựng một quy trình xử lý khép kín, và họ hiểu rác không phải thứ bỏ đi, mà nó là một phụ phẩm có thể tái sử dụng. Một ví dụ khác, những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn Somali đã đi thu gom các vỏ chai nhựa, giấy báo, những đồ vật tái chế được để bán lại cho các nhà máy môi trường tại đây.
Trên phạm vi toàn cầu, có rất nhiều nhà kinh doanh đã trở thành tỷ phú nhờ việc biến "rác thành vàng". Anthony Pratt - chủ tịch Visy Industries, công ty giấy và bao bì tái chế tư nhân lớn nhất thế giới sở hữu khối tài sản trị giá hơn 5 tỷ USD. Hoặc ví dụ khác là Anil Agarwal - người sáng lập công ty khai khoáng và kim loại Vedanta Resources, ông bắt đầu sự nghiệp với việc buôn sắt vụn vào đầu những năm 1970, thu gom cáp bỏ đi của các công ty khắp Ấn Độ rồi sau đó bán lại ở Mumbai để lấy tiền chênh lệch. Đến nay, khối tài sản của Anil Agarwal là 3,5 tỷ USD.
Zhang Yin, một người phụ nữ từng được gọi với cái tên "nữ hoàng rác" đã cho ra mắt Ying Gang Shen, một công ty tái chế giấy vào năm 1985, từ toàn bộ số tiền tiết kiệm 3.800 tệ của mình. Sau đó, bà thành lập Nine Dragons Paper Holdings vào năm 1995 và tham gia thị trường bằng cách nhập phế liệu từ Mỹ rồi biến nó thành những chiếc hộp các - tông vô cùng tiện dụng trong đóng gói, sản xuất và sinh hoạt. Từ đây, công ty đã trở thành một doanh nghiệp "triệu đô" ở Trung Quốc và doanh thu khủng hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Ở Việt Nam, từ một nữ nông dân, chị Trịnh Thị Hồng đã trở thành giám đốc một công ty chế biến rác thải thành chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường với doanh thu 70 - 90 triệu đồng mỗi tháng.
Kinh doanh "rác" ở Việt Nam chẳng phải là điều dễ dàng, không đơn thuần bạn phải có đam mê với nó, mà quan trọng, bản thân mỗi chúng ta cần biết tận dụng, khai thác tối đa nguồn tài nguyên vô tận này, xuất phát từ sự tích lũy kinh nghiệm, kiến thức về môi trường, quan sát tinh tế, nhạy bén với cơ hội và thậm chí là có hiểu biết cả về lĩnh vực khoa học - kĩ thuật.
Châu Anh Nguyễn