(Tổ Quốc) - Cuộc sống vất vả khiến những đứa trẻ trong xóm nhà lá không có điều kiện học tập, vui chơi như những đứa trẻ thành thị khác. Ngoài việc đi học chúng còn phụ giúp bố mẹ công việc kéo dây thừng, cái nghề đã theo chân những người dân miền Tây lên Sài Gòn suốt 20 năm nay.
Khu đất trống ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) là nơi trú ngụ và mưu sinh của một xóm nhỏ với hơn 10 căn nhà lợp mái tôn cũ kỹ, xập xệ. Không biết cơ duyên nào đã đưa họ tìm tới nhau, lập thành một xóm nhỏ được người dân quen với cái tên "xóm kéo dây".
Trước đây, những người dân ở xóm này vì cái nghèo, cái khổ mà đành rời xa nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình để lên Sài Gòn. Đa số là các gia đình tới từ An Giang, cũng có người từ Cà Mau, Cần Thơ.
Theo những "lão làng" ở đây, họ đã rời bỏ quê hương hơn 20 năm trước, từ khi lên Sài Gòn, họ mưu sinh bằng nghề bện dây thừng và bám trụ lại ở mảnh đất nhộn nhịp này ngần ấy năm.
Nhưng sợi dây cước nhỏ xíu được căng ra và đặt dưới máy kéo để cuộn các dây lại với nhau thành dây thừng thành phẩm.
"Cả xóm có hơn chục nhà, hầu hết quê ở An Giang, lên Sài Gòn cũng hơn 20 năm nay rồi. Hồi ở quê nhà tôi cũng làm nghề này nhưng không đủ ăn, đành bỏ quên lên thành phố làm thì thu nhập mới khá hơn", bà Bùi Thị Tùng (58 tuổi, quê An Giang) chia sẻ.
Công việc này đòi hỏi phải làm ở nơi rộng rãi, bằng phẳng. Những người dân phải hùn tiền thuê một khu đất trống rộng hàng nghìn m2 và dựng nhà tạm bợ ngay tại đây để làm nghề.
Những sợi dây thừng được bện lại vào kéo trải dài trên bãi đất trống hàng ngàn m2.
Mỗi ngày một gia đình có thể bện khoảng 40 cuộn dây cước, mỗi cuộn dài khoảng 300m.
Những cuộn dây cước được đưa vào máy cuốn và kéo dài ra phía ngoài bãi đất trống, sau đó cho máy cuốn lại để bện những sợi cước nhỏ thành dây thừng.
Cuộn dây cước sau khi cho vào máy kéo được căng ra và xỏ qua khe chiếc cào (thanh gỗ có những móc sắt tạo thành từng khe như chiếc lược). Tùy kích cỡ dây thừng mà mỗi khe có từ 5 đến 10 dây.
Phía ngoài bãi đất sẽ có một người cầm cây cào kéo dây căng đến cuối khu đất rồi lại kéo dây vòng về vị trí đặt máy cuốn.
Việc kéo dây này sẽ được phối hợp bởi hai người, một người phụ trách đẩy máy cuốn dây bên trong, một người sẽ kéo dây căng ra phía bãi đất trống.
Bà Bùi Thị Lắm (58 tuổi, quê An Giang) cho biết mỗi ngày quãng đường mà bà kéo dây cũng phải trên dưới 15 km. "Để cho ra một sợi dây thừng thành phẩm, mỗi ngày tôi phải di chuyển rất nhiều lần qua lại dọc bãi đất này. Công việc này chỉ hợp khi trời nắng ráo, mùa mưa thì chỉ làm cầm chừng", bà Lắm nói.
Theo bà Lắm, mỗi ký dây thừng được trả 2.000 - 5.000 đồng tùy kích cỡ. Hiện trong xóm cứ mỗi nhà có khoảng 3 - 4 người làm. "Mỗi người bện một ngày cỡ khoảng trăm ký dây, kiếm được 200.000 đồng/ngày. Nhưng đến mùa mưa thì phải tranh thủ làm từ sớm, mưa to thì nghỉ, nhưng nếu làm ít thì lại thu nhập thấp thôi", bà Lắm nói.
Cả "xóm kéo dây" có hơn chục gia đình ở túm tụm lại với nhau từ khi mới lên Sài Gòn, có đủ cả già trẻ, lớn bé. Những đứa trẻ được cha mẹ mang theo từ quê lên cũng có, có đứa lại được sinh ra ở trên này.
"Theo nghề này cũng bấp bênh, không biết chủ sẽ lấy lại đất lúc nào, khi đó cả xóm lại dắt nhau đi tìm nơi mới. Nhưng cũng may mắn là tất cả các gia đình đều có hộ khẩu ở quê, có đăng ký tạm trú nên con cái đều được đi học bình thường ở trường nhà nước, không phải rơi vào cảnh thất học", ông Phan Công Hùng (40 tuổi) cho biết.
Những ngày nghỉ hè, những đứa trẻ mới lớn cũng tranh thủ phụ giúp cha mẹ kéo dây, tập làm quen với công việc của cha mẹ hàng ngày.
Cuộc sống hết sức bình dị của những đứa trẻ gốc miền Tây trên đất Sài Gòn.
Công việc của "xóm kéo dây" thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi chiều tà. Dây thừng sẽ được thành phẩm và thu gom lại trước khi trời tối. Cuộc sống của họ cứ lặp lại hàng ngày và đã như vậy hơn 20 năm qua.
HẢI LONG