(Tổ Quốc) - Sau bao năm nhịn nhục, lần đầu tiên Phương lên tiếng cãi lại chồng. Nhưng 1 lần thôi cũng đủ sức mạnh khiến anh phải run sợ, nể thêm vài phần.
Phương lấy chồng cách nhà mẹ đẻ cả nghìn cây số. Từ ngày lấy chồng đến nay được 4 năm, số lượt cô về quê thăm mẹ chỉ đúng 1 lần! Nhiều lần nhớ nhớ, tủi thân, Phương thường chạy vào nhà tắm đứng khóc. Cô bấy giờ mới thấm lời can ngăn của mẹ khi quyết định lấy chồng xa. Nhưng đã muộn rồi!
Quý - chồng Phương là một người đàn ông gia trưởng và kẹt sỉ. Phương cảm thấy mình như bị mắc lừa khi quyết định yêu nhanh cưới vội. Ngày còn hẹn hò, Quý dành cho cô rất nhiều sự quan tâm, những lời mật ngọt. Lúc Phương phân vân về quyết định có lên lấy chồng xa, Quý đã ôm cô và thủ thỉ: "Việc gì chứ việc đó em không phải lo. Em muốn về nhà lúc nào cũng được. Anh không cấm cản. Chỉ cần em vui và cảm thấy thoải mái...".
Nhưng lấy về, Quý mới lộ rõ bộ mặt thật. Mỗi lần Phương xin về ngoại thì anh đều có lý do chính đáng. Nào là đợt này công ty anh bận, rồi thì mẹ chồng đau yếu, cô đang mang bầu nên hạn chế đi lại... Thế rồi 4 năm trôi qua, Phương chỉ về nhà mẹ đẻ được 1 lần. Đó là Tết Nguyên Đán năm kia, ở quê ngoại được 2 ngày, cô lại vội vã xách va li về nhà chồng. Bởi Quý gọi ra nói rằng cô phải về làm mâm cơm hóa vàng.
Mọi việc trong nhà đều là Phương phụ trách vì cô là dâu trưởng. Mẹ chồng cô cũng thuộc lớp người cổ hủ, rất khắt khe với con dâu. Từ chuyện cơm nước, giặt giũ, lau dọn nhà cửa đến việc lo cỗ bàn đám hiếu, đám hỉ trong họ đều là Phương làm. Nhiều lúc cô kiệt sức, nhưng bắt gặp ánh mắt sắc lẹm của mẹ chồng và câu nói đã ghim vào tâm trí cô từ ngày mới về làm dâu "con làm thế nào thì làm, đừng để mẹ mất mặt, mẹ chỉ nhắc 1 lần", Phương lại tự nhủ phải cố gắng.
Tuy nhiên, không hiểu sao, gần đến ngày 20/10 năm nay, cô bỗng nhiên tâm trạng. Có thể là do Phương lướt Facebook thấy các bạn của mình xúng xính quần áo đẹp, khoe quà người thương tặng, cô bỗng dưng chạnh lòng. Phương nhìn lại mình, có mấy năm lấy chồng mà nhan sắc sa sút, gương mặt hốc hác, đôi mắt sâu hoắm, mái tóc mấy năm rồi chưa biết đến ra tiệm làm đẹp, chỉ búi gọn phía sau... Không, Phương đã quá quen với việc không 1 lời chúc, không một món quà của Quý vào những ngày lễ, ngày kỉ niệm rồi mà...
Phương lại nghĩ, hay là mình nhớ bố mẹ? Dịp 8/3 hay 20/10 nào, bố cũng cho 2 mẹ con đến nhà hàng, ăn những món ngon. Có năm bố còn hào phóng, chi mạnh "hầu bao" để tặng quà cho mẹ con cô. Cô thường sà vào lòng ông mà nũng nịu...
Phương chợt le lói 1 ý tưởng mới lạ, cô muốn xin chồng cho mình không phải nấu cơm trong ngày này, cả nhà sẽ ra ngoài ăn nhà hàng 1 bữa. Thế rồi cô vui vẻ nhắn tin cho chồng: "Anh ơi, mai là ngày 20/10, cho em nghỉ 1 hôm vào bếp nhé?".
Cô nghĩ bao năm rồi chưa biết đến mùi vị nhà hàng, lâu lâu nhà "đổi gió" cũng vui. Nhưng Phương không ngờ Quý lại nhắn lại 1 bài dài như sớ: "Sao em lại nghỉ nấu cơm? Em có biết bữa cơm quan trọng thế nào trong gia đình không? Ngày nấu 2 bữa cơm không có gì to tát, nặng nhọc mà phải xin nghỉ. Anh biết mai là ngày 20/10, nhưng sao em không làm 1 bữa thịnh soạn, cả nhà mình cùng ăn, thay vì ra quán ăn đắt đỏ mà lại không đảm bảo.
Vợ không nấu cơm thì chỉ có những cặp vợ chồng sắp li hôn, hoặc đang li thân mới thế thôi. Nếu em muốn anh tặng quà thì anh có thể tặng em. Còn em muốn nghỉ nấu cơm, xin lỗi, anh không đồng ý.
Việc vợ phải nấu cơm là quy định bất di bất dịch ở nhà anh. Ngày xưa mẹ cũng vậy, dù ốm vẫn chưa bao giờ để anh và bố phải ăn hàng. Mà hồi ấy còn nghèo nàn, mẹ còn phải đi làm ruộng kiếm cơm. Em bây giờ sướng chán mà hơi tí là kêu ca.
Anh không yêu cầu gì nhiều ở vợ anh cả. Chỉ cần em lo tốt chuyện ở nhà, nấu cơm cho gia đình đầy đủ 2 bữa. Anh nhắc lại 1 lần nữa, em bỏ cái suy nghĩ đó đi. Đừng để anh nhắc lại lần 2".
Phương đọc những lời nhắn của chồng mà ức đến tận cổ. Cô chỉ muốn thay đổi 1 chút để cả nhà thêm vui vẻ vậy mà anh nghĩ cô đua đòi, muốn "làm phản".
Bao năm qua cô hi sinh vì cái gia đình không 1 lời kêu ca sao anh không thấy, vậy mà mới xin ăn hàng 1 bữa, anh đã nghĩ cô là kẻ hoang phí, chơi bời. Osin còn có 1 ngày nghỉ, nhưng làm vợ thì không sao?
Tức nước vỡ bờ, Phương liền nhắn lại: "Anh sống thời hiện đại đi anh. Bây giờ không phải ngày xưa mà anh so sánh kiểu đó. Em quyết định rồi em sẽ ôm con về nhà mẹ em. Em phục vụ, hầu hạ cái nhà này bao năm qua là quá đủ rồi.
Em về làm dâu, làm vợ anh chứ không phải làm osin không lương ở cái nhà này".
Dứt lời, Phương thu dọn quần áo, bế con ra đường gọi taxi về ngoại. Cô không định ngày này sẽ về mẹ. Nhưng sự thể như thế là quá đáng lắm rồi, sức chịu đựng của con người có hạn.
Trên đường về nhà, Phương liên tục nhận được tin nhắn xin lỗi của chồng. Anh tỏ ra ăn năn hối lỗi, nói rằng lúc nãy có việc công ty không được như ý nên mới nổi nóng. Nhưng cô mặc kệ. Phương muốn dứt khoát 1 lần. Cay đắng, tủi nhục nhẫn nhịn bao năm qua cũng nào có ai hay?
Hướng Dương HT