(Tổ Quốc) - "Trong chi tiêu mình cũng không quá để ý tháng đó mình dùng bao nhiêu tiền để ăn uống. Mình đã tối giản các khoản khác, riêng khoản nội trợ thực phẩm mình sẽ đầu tư dùng những thực phẩm chất lượng...", chị Uyên cho hay.
Chị Xuân Uyên sống tại Sài Gòn là một chuyên viên kế hoạch của một công ty Ứng dụng và hỗ trợ Doanh Nghiệp, đồng thời cũng là quản lý tại một phiên chợ cuối tuần về các sản phẩm organic. Công việc của chị vô cùng bận rộn, thỉnh thoảng lại phải đi công tác dài ngày nhưng chị vẫn luôn sắp xếp thời gian để chăm sóc cho tổ ấm riêng của mình. Chị quan điểm rõ ràng, sự nghiệp và gia đình luôn phải song hành nên dù bận thế nào đi chăng nữa, chị vẫn để quỹ thời gian riêng chăm lo vun vén cho mái ấm nhỏ của mình.
Chị Uyên chi sẻ, bản thân chị làm công việc liên quan đến thực phẩm, cộng với việc cả hai vợ chồng theo lối sống tối giản, không tốn quá nhiều tiền chi tiêu vào việc mua sắm quần áo, giày dép, túi xách mỹ phẩm... nên chị chi tiêu phần lớn tập trung vào việc lựa chọn thực phẩm an toàn, hữu cơ, tiết kiệm một khoản để dự phòng và du lịch trải nghiệm.
Trung bình một bữa ăn của gia đình chị Uyên hết khoảng 300k - 400k, chị chia sẻ rằng chị ít khi dự định tháng này bản thân phải dành bao nhiêu tiền để mua thực phẩm.
Với chị, mức thu nhập của hai vợ chồng cộng với việc không mua sắm những vật không cần thiết thì mỗi lần đi chợ, thấy thực phẩm nào tươi ngon, thiết thực cho bữa ăn là chị mua: "Mình quan điểm rằng thà chấp nhận mua ít đi một chút mà chất lượng để sau này đỡ tốn tiền thuốc còn hơn mua nhiều mà thực phẩm kém chất lượng, ăn vào hại sức khỏe vô cùng.
Cho nên trong chi tiêu mình cũng không quá để ý tháng đó mình dùng bao nhiêu tiền để ăn uống. Mình đã tối giản các khoản khác, riêng khoản nội trợ thực phẩm mình sẽ đầu tư dùng những thực phẩm chất lượng nhất có thể", chị Uyên cho hay.
Chị Uyên cũng kể rằng, công việc của chị tuy bận rộn nhưng linh động thời gian, được phép làm việc tại nhà nên chị luôn tranh thủ thu xếp mọi việc để chuẩn bị cơm tối cho cả nhà được tươm tất nhất có thể.
Vợ chồng chị có 2 em bé, bé lớn 14 tuổi, bé thứ 2 lên 10 đang tuổi ăn tuổi lớn và dậy thì nên bữa ăn cần đủ chất để 2 bé tập trung phát triển thể chất. Có những giai đoạn vàng của con để phát triển chiều cao, do đó chị sẽ chú trọng tập trung dinh dưỡng kết hợp với thể thao ngoài trời để các con có thể phát triển thể chất hoàn thiện nhất.
"Một bữa ăn mình chế biến bao giờ cũng có rau xanh (xào/luộc), một mặn một canh, nếu món mặn là thịt thì sẽ là canh cá/hải sản nấu chua hoặc nấu với rau. Nếu món mặn là cá thì sẽ là canh thịt nấu với tàu hủ/ trứng/rau. Mình cũng hay dùng nguyên tắc này để đi chợ lựa chọn thực phẩm cho nhanh", chị Uyên chia sẻ.
Bà nội trợ này cũng chia sẻ rằng vì hai bé nhà chị đều học bán trú nên nếu có nấu cơm thì chỉ cần chuẩn bị một bữa thôi: "Mình thích công việc nấu nướng nên công việc này mình làm tương đối nhanh cũng như làm rất hào hứng, không cảm thấy áp lực gì, càng làm thì thấy khả năng lên thực đơn càng nhanh, nấu ít khi trùng món.
Trung bình mỗi tuần nhà mình ăn cơm nhà tầm 3- 4 ngày, cũng dành một ngày cho hai bé lựa chọn các món ăn yêu thích bên ngoài, cuối tuần thì về bên nhà nội ngoại ăn ké để ông bà vui cũng là các thành viên trong gia đình được thay đổi không khí", bà nội trợ Sài Gòn tâm sự.
Chị Uyên chia sẻ kinh nghiệm đi chợ của mình là luôn lựa chọn những nơi bán thực phẩm có thương hiệu, có các giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn mà chị tin tưởng, nhất là rau xanh. Thịt cá chị cũng chỉ trữ đông lạnh 1,2 ngày. Không mua quá nhiều thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh tránh tình trạng những thực phẩm ở trong cùng bị quá hạn không dùng tới, gây lãng phí, trước khi đi chợ thì phải nhìn qua xem mình còn gì tránh mua trùng lặp.
Thịt cá bảo quản ngăn đá thì phải được dự trữ trong hộp kín sau khi đã được sơ chế làm sạch, tránh bám mùi lên các thực phẩm khác cũng như để riêng thực phẩm sống và chín, thực phẩm dùng trực tiếp như trái cây ở những khu vực riêng biệt.
Ảnh: NVCC
Giang Nguyễn