(Tổ Quốc) - "Trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện nếu Thủy Tiên sử dụng trái phép số tiền này từ 4.000.000 đồng trở lên thì người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", luật sư nhận định.
Như đã đưa tin, hiện Công an TPHCM đang điều tra xác minh đơn tố cáo ca sĩ Thuỷ Tiên có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ người dân bão lụt vào tháng 10/2020.
Chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định: "Khi bộ công an vào cuộc xác minh làm rõ hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện của một số cá nhân thì mọi việc sẽ được làm sáng tỏ, làm cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm của các bên liên quan nếu có sai phạm.
Giai đoạn hiện nay, việc thu thập các nguồn thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định bản chất sự việc là rất quan trọng trong đó các nguồn thông tin như: Thông tin về nội dung kêu gọi từ thiện, thông tin về số tiền đã tiếp nhận qua tài khoản ngân hàng, thông tin về số tiền đã rút ra khỏi tài khoản, thông tin về số tiền đã phân phát, thông tin về báo cáo giải trình sau khi từ thiện, thông tin từ phía chính quyền địa phương xác nhận về số tiền đã nhận, thông tin từ những người trình báo tố giác tội phạm... Các nguồn thông tin có thể thông qua lời khai, trình bày, thông qua tài liệu chứng cứ để xác định sự việc.
Nếu cơ quan điều tra thu thập đầy đủ các thông tin tài liệu nêu trên và có căn cứ xác định đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự".
Chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng có thể đối mặt với 20 năm tù
Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật thì hoạt động kêu gọi người khác góp tiền để thực hiện hoạt động từ thiện là quan hệ dân sự.
Mối quan hệ giữa người có tài sản với người hưởng thụ là quan hệ tặng cho tài sản, việc tặng cho này không trực tiếp mà thông qua người trung gian là người đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền.
Người trung gian này được xác định là người nhận ủy quyền và thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền bằng miệng hoặc bằng văn bản điện tử với những người đã góp tiền. Tất cả những người góp tiền cho người kêu gọi là góp để ủng hộ cho đồng bào lũ lụt chứ không phải để cho người đứng ra kêu gọi.
Chính vì thế, luật sư cho rằng, căn cứ và nội dung kêu gọi từ thiện phải căn cứ vào phản hồi từ phía các nhà hảo tâm thì cơ quan điều tra sẽ xác định những người đứng ra kêu gọi quyên góp không được phép sử dụng số tiền này sai mục đích, khác với nội dung kêu gọi, không được phép biến số tiền này thành tài sản riêng của mình.
Bởi vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện nếu sử dụng trái phép số tiền này từ 4.000.000 đồng trở lên thì người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 20 năm tù nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên.
Luật sư cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những vấn đề quan trọng là tổng số tiền mỗi người đứng ra kêu gọi quyên góp đã nhận được là bao nhiêu tiền, nhận được của những ai. Nội dung thỏa thuận về chuyển số tiền này cho người đứng ra kêu gọi là để làm gì, thời gian và phương thức thực hiện hoạt động từ thiện được các bên thỏa thuận như thế nào. Làm rõ số tiền này đã rút ra khỏi tài khoản ngân hàng hay chưa, rút ra khi nào, những chứng cứ cho thấy số tiền này đã được sử dụng vào hoạt động từ thiện đúng như cam kết ban đầu.
Một vấn đề quan trọng để chứng minh có hành vi chiếm đoạt hay không là làm rõ những số tiền trong tài khoản có bị chuyển đi nơi khác hay không, có tiếp nhận bằng những tài khoản khác hay không.
Ngoài ra cũng cần làm rõ những chứng cứ tài liệu mà người đứng ra kêu gọi từ thiện đã công khai trước công chúng có giả mạo hay không, nếu những giấy tờ, chứng từ để chứng minh số tiền đã sử dụng mà có sự gian dối, giả mạo làm thất thoát từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các tài liệu, chứng cứ mà người đứng ra kêu gọi từ thiện giao nộp cho cơ quan điều tra, xuất trình, công khai trước dư luận có chứng minh được đã phân phát hết số tiền đã nhận được cho đồng bào miền Trung hay chưa?...
Trước đó, khoảng tháng 9/2021, Phòng PC02, Công an TPHCM tiếp nhận đơn tố cáo của N.T.O.P. tố cáo bà Trần Thị Thuỷ Tiên (tức ca sĩ Thuỷ Tiên, SN 1985, ngụ tỉnh Rạch Giá, trú quận 7, TPHCM) có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ người dân bão lụt vào tháng 10/2020.
Cụ thể theo công bố của ca sĩ Thuỷ Tiên trên trang facebook cá nhân, tổng số tiền của công chúng gửi đến tài khoản của người này là gần 178 tỷ đồng. Ca sĩ Thuỷ Tiên đã giải ngân toàn bộ, chuyển đến nơi cần được trợ giúp.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng xã hội đã phát hiện ra 1 số khuất tất, trong đó có 2 khoản khuất tất với tổng số tiền lên tới gần 82 tỷ đồng, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau quá trình xem xét nội dung đơn, Phòng PC02, Công an TPHCM đã chuyển đơn đến Phòng PC01, Công an TPHCM để xem xét và giải quyết theo quy định.
Minh Khôi