(Tổ Quốc) - Để giúp người dân có cách phòng ngừa ung thư hiệu quả hơn, WHO đã cảnh báo những thói quen xấu cần phải từ bỏ càng sớm càng tốt, đặc biệt nhấn mạnh những hành động sau.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ung thư là căn bệnh gây tử vong cao và đã cướp đi mạng sống của 9,6 triệu người trên toàn cầu vào năm 2018. Trong thực tế, cứ 6 trường hợp tử vong thì lại có 1 người là nạn nhân của bệnh ung thư.
Trong đó, có đến 1/3 số ca tử vong vì ung thư đều xuất phát từ thói quen sống không khoa học hoặc chế độ ăn uống thiếu lành mạnh. Để giúp người dân có cách phòng ngừa ung thư hiệu quả hơn, WHO đã cảnh báo những thói quen xấu cần phải từ bỏ càng sớm càng tốt, đặc biệt nhấn mạnh những hành động sau đây:
1. Nghiện thuốc lá
Theo WHO, hút thuốc lá chính là nguyên nhân giết chết khoảng 6 triệu người mỗi năm vì bệnh ung thư và những căn bệnh khác. Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7000 hóa chất, trong đó có ít nhất 250 đã được khẳng định gây hại và hơn 50 loại chắc chắn gây ung thư.
Hút thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, thực quản, thanh quản, miệng, cổ họng, thận, bàng quang, tuyến tụy, dạ dày và cổ tử cung.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá thụ động cũng được WHO coi là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư miệng, tuyến tụy và thực quản.
2. Lười vận động
Lười vận động, không kiểm soát chế độ ăn là thói quen của rất nhiều người trong thế kỷ hiện đại. Tuy nhiên, những thói quen xấu này chính là con người nhanh nhất dẫn đến béo phì - yếu tố làm gia tăng ung thư.
WHO đã chỉ ra mối liên hệ giữa thừa cân, béo phì với nhiều loại ung thư như thực quản, đại trực tràng, vú, nội mạc tử cung và thận.
Để ngừa bệnh, WHO khuyến cáo nên hoạt động thể chất thường xuyên và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần bổ sung nhiều trái cây và rau quả cũng sẽ góp phần ngăn ngừa sự phát triển của nhiều bệnh ung thư và giảm nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm khác.
3. Nghiện rượu
Nghiện rượu là một thói quen xấu, gia tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan, đại trực tràng và vú.
Nguy cơ ung thư tăng theo lượng rượu mà bạn tiêu thụ. Thậm chí, uống rượu kết hợp với sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư.
Theo WHO ước tính, trong năm 2010, các bệnh ung thư xuất phát từ thói nghiện rượu đã và đang cướp đi mạng sống của 337.400 người trên toàn thế giới, phần lớn đều là nam giới.
4. Thường xuyên ăn và chế biến thực phẩm theo phương pháp chiên nướng
Các thực phẩm được chế biến bằng phương pháp chiên, nướng luôn tạo ra hương vị rất đặc biệt. Tuy nhiên, cách nấu nướng này lại được chứng minh rằng có thể sản xuất ra chất acrylamide - loại chất độc được WHO xếp loại vào nhóm 2A, nhóm "có thể gây ung thư trên người".
Bên cạnh làm tăng nguy cơ ung thư, độc tính acrylamide đã được chứng minh có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thần kinh và hệ thống sinh sản.
Các phương pháp nấu nướng được xếp hạng mức độ nguy hiểm như sau:
Mức 1: Chiên và nướng gây ra sự hình thành acrylamide cao nhất.
Múc 2: Rang gây ra sự hình thành đáng kể nhưng ít hơn chiên.
Mức 3: Thực phẩm được nấu chín bằng cách hấp hoặc luộc là phương pháp nấu ăn an toàn nhất.
5. Không quan tâm đến việc bổ sung canxi
Nhiều người thường không quan tâm đến việc bổ sung canxi tuy nhiên việc thiếu hụt canxi lâu dài có thể dẫn đến bệnh lý nghiêm trọng như cao huyết áp, ung thư đại trực tràng...
Bên cạnh tác dụng ngừa ung thư, canxi còn là một khoáng chất cần thiết giúp xây dựng xương và răng khỏe mạnh, đảm bảo cơ bắp, các tế bào và các dây thần kinh hoạt động tốt.
Những thực phẩm được chứng minh có chứa nhiều canxi nhất đó là: Đậu phụ, hạnh nhân, quả sung, bột yến mạch, cá mòi, cải xoăn, bông cải xanh, cam...
6. Sử dụng những thực phẩm bị mốc
Thực phẩm nấm mốc có khả năng nhiễm aflatoxin và gây hại cho sức khỏe khi tiêu thụ. Aflatoxin đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào nhóm gây ung thư số 1 - là nhóm đầy đủ bằng chứng để khẳng định có gây ung thư cho con người.
Khi tiêu thụ những loại thực phẩm nhiễm nấm mốc, con người sẽ gia tăng nguy cơ ung thư gan. Đồng thời, liều lượng lớn aflatoxin sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính (aflatoxicosis) có thể đe dọa đến tính mạng.
Đáng nói, nấm mốc aflatoxin không chỉ phát triển trên bề mặt mà còn thâm nhập sâu vào trong thực phẩm. Nhiệt độ để có thể tiêu diệt aflatoxin là 280 độ C, chính vì thế phương pháp nấu và chế biến thông thường không thể phá hủy độc tính của chất độc này. Chính vì thế WHO khuyến cáo, không nên cố gắng ăn thực phẩm bị mốc mà hãy ném bỏ chúng.
7. Tiêu thụ nhiều thực phẩm muối
WHO khuyến cáo những thực phẩm được bảo quản bằng muối như dưa muối, cá muối kiểu Trung Quốc... có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trước đây, đã từng có nghiên cứu cho thấy đồ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.
Đồng thời, chế độ ăn thừa muối cũng làm tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, gây suy tim, suy thận và suy gan... Vì thế, việc sử dụng liều lượng muối trong giới hạn cho phép là hoàn toàn cần thiết.
Theo WHO
ĐỖ ĐỖ