(Tổ Quốc) - Tòa nhà thuộc khu đất vàng 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội có vị trí 4 mặt phố Hùng Vương, Trần Phú, Lê Trực, Nguyễn Thái Học, gần trung tâm quận Ba Đình bị chủ đầu tư phá dỡ để thực hiện dự án 11 tầng.
Chiều 6/4, theo ghi nhận của PV, các công nhân tại công trình xây dựng tòa nhà đa chức năng 11 tầng, địa chỉ 61 Trần Phú đã được lệnh dừng làm việc, phía bên ngoài cũng xuất hiện một số người dân với vẻ mặt đầy tiếc nuối đang tham quan.
Cũng theo ghi nhận, vào thời điểm này một số hạng mục phía trong đã được phá xuống. Còn phía bên ngoài tạm thời còn bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực, trên bức tường có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ (tại địa điểm này, bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19/5/1967).
Bà Nguyễn Thị Dung (63 tuổi) - một trong những người dân sinh sống ngay sát công trình trên vẫn còn nhớ nhiều ký ức từ thời nhỏ, cho biết, đây là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (Postef).
"Hiện nay tòa nhà này là lịch sử rồi, đợt chiến tranh B2 bên trong có ụ đất để người làm trong nhà máy làm hầm trú ẩn mỗi khi máy bay địch ném bom. Hồi bé tôi thường xuyên ra đó chơi, quét lá sấu trên đường Trần Phú thời kỳ bao cấp về đun nấu. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi và những người biết về địa chỉ này", bà Dung nói.
Một số người dân khu vực chia sẻ, từ nhiều ngày trước người dân đã xôn xao vì tiếc nuối di tích 61 Trần Phú bị phá dỡ nhưng vẫn chưa thể tin. Đến khi chứng kiến nhiều công nhân quây lưới, nhiều người khu vực, nhất là các cụ già càng cảm thấy băn khoăn.
"Công trình Pháp cổ 4 mặt tiền số 61 Trần Phú bị dừng lại là đúng nhưng việc phá dỡ quá đáng tiếc. Bây giờ đã rất nham nhở, lẽ ra trước đó những người có trách nhiệm nên xem xét cân nhắc, nhất là việc công khai tham khảo ý kiến các ban ngành và người dân, vì đây là một chứng tích rất quan trọng", một cụ ông nói.
Vẫn chưa hết tiếc nuối, bà Dung tiếp lời: "Ngay đầu ngã tư Lê Trực giao Nguyễn Thái Học có bức phù điêu nhắc nhở người dân không quên bộ đội dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19/5/1967. Nếu phá đi rõ ràng lịch sử bị mất đi".
"Bây giờ tòa nhà bị phá dỡ rồi việc xử lý tiếp ra sao do thành phố, Chính phủ quyết định. Giá như không phá, tòa nhà nên giữ nguyên. Bức phù điêu đáng quý, phá đi giờ không còn ý nghĩa gì nữa", người dân bày tỏ sự tiếc nuối.
Trước đó, chiều 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý hai công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa) ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh trên báo chí liên quan đến các công trình này.
Theo đó, gần đây, một số báo phản ánh về công trình nhà 5 tầng xây không phép trên đất lấn chiếm tại số 84 đường Láng và phản ánh về "lô đất vàng" gần quảng trường Ba Đình sắp xây cao ốc.
Trước sự việc trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP.Hà Nội chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành của TP theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình).
Đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên. Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.
Quận ủy Đống Đa được giao chỉ đạo UBND quận khẩn trương kiểm tra, báo cáo kết quả về Thường trực Thành ủy việc chấp hành pháp luật về đầu tư - xây dựng, đất đai và quản lý trật tự xây dựng tại công trình xây dựng nhà 5 tầng số 84 đường Láng (trên phần đất lấn chiếm của dự án số 90 đường Láng), phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa như thông tin báo chí nêu.
Bí thư Hà Nội đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP, Quận ủy Ba Đình, Quận ủy Đống Đa chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) và số 84 đường Láng (quận Đống Đa). Kết quả thực hiện phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4/2022.
Theo tìm hiểu, dãy nhà 4 mặt phố, nằm trên khu "đất vàng" ở số 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Khu đất trên rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty CP thiết bị Bưu điện (Postef).
Ban đầu, Postef dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó Postef quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng Postef. Công ty thuê đất của nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523 m2.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với Postef thực hiện dự án còn có Công ty CP Liên Việt Holdings và Công ty CP Him Lam.
Ngày 12/3/2022, Postef ban hành báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đó có nêu về Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Sau khi phá bỏ, khu "đất vàng" hơn 9.000 m2 sẽ được khởi công xây dựng công trình đa chức năng thương mại cao 11 tầng nổi, một tầng tum (chiều cao tối đa 42,9 m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329 m2 với mức đầu tư 1.574 tỷ đồng.
Minh Ngọc