(Tổ Quốc) - Theo luật sư Cường, trong sự việc này, ngoài xem xét có hình thức kỷ luật phù hợp đối với người thầy quan hệ với nữ sinh lớp 12, còn phải tìm ra kẻ đã tung clip lên mạng xã hội để xử lý, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ việc clip nhạy cảm giữa thầy giáo và nữ sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị tung lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. Nhiều người đặt dấu hỏi về tư cách đạo đức của thầy giáo trong trường hợp này.
Bước đầu, thầy giáo L.V.T.K. thừa nhận có quan hệ yêu đương và quay video cảnh quan hệ tình dục với nữ sinh lớp 12 cùng trường. Clip là do 2 người quay lại và chưa rõ đối tượng phát tán lên mạng. Tuy nhiên, sau khi đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, nữ sinh lớp 12 này đã nghỉ học từ ngày 13/1.
Hiện Sở GD&ĐT Gia Lai đã yêu cầu hiệu trưởng nhà trường tạm đình chỉ công tác giảng dạy đối với nam giáo viên, báo cáo sự việc với tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Gia Lai. Sở cũng sẽ làm rõ sự việc, tiến hành các bước kỷ luật viên chức theo đúng quy định. Không để giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo công tác trong ngành giáo dục.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, trong vụ việc trên, mối quan hệ thầy trò như vậy là đi quá giới hạn, không phù hợp với đạo đức văn hóa truyền thống của người Việt Nam, vi phạm đạo đức nhà giáo. Bởi vậy cần xem xét có hình thức kỷ luật phù hợp đối với người thầy này.
Trong trường hợp thầy giáo đã có gia đình mà còn quan hệ bất chính với học sinh thì cần phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Nếu là quan hệ yêu đương, hành vi như vậy cũng là đi quá giới hạn bởi vậy hội đồng kỷ luật nhà trường cần xem xét để có hình thức xử lý của cho phù hợp.
Tuy nhiên, luật sư Cường cũng nhấn mạnh, ngoài việc truy cứu và xử lý kỷ luật người thầy này còn phải tìm ra đối tượng phát tán clip trên. Vì dù với động cơ gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, dưới góc độ pháp lý, quyền nhân thân, quyền tự do hình ảnh, quyền riêng tư cá nhân là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Theo Điều 21 Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Đồng thời, Điều 18 Luật An ninh mạng quy định rõ hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm bí mật cá nhân, và đời sống riêng tư trên không gian mạng.
Do đó, mọi hành vi xâm hại trái pháp luật đến quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh, vi phạm quyền cá nhân công dân đểu là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.
Tùy từng tính chất, mức độ hậu quả của hành vi, đối tượng tung clip có thể bị xử lý hành chính theo khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, trong trường hợp này cũng cần làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng tung clip, nếu nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại điểm e, khoản 2, điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù. Nếu hành vi làm nhục người khác dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát hoặc rối loạn tâm thần đến 61% thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự đến 05 năm tù về tội danh này.
Minh Khôi