Vụ Grab "mượn gió bẻ măng" tăng giá cước khiến tài xế bức xúc: Ai chịu thiệt, ai được lợi?

(Tổ Quốc) - Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Grab giải trình về việc doanh nghiệp này dựa theo thay đổi trong chính sách thuế của Nghị định 126 để áp đặt tăng cước, tăng phí lên các tài xế. Trong khi trên thực tế, phần thiệt đang bị đẩy về tài xế và khách hàng.

Trong những ngày vừa qua, vụ việc hàng trăm tài xế hãng xe công nghệ hãng Grab đình công, kéo đến trụ sở công ty để yêu cầu "đối thoại" về việc hãng này "tự ý" tăng giá cước và tăng chiết khấu đối với tài xế sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, đã gây xôn xao dư luận. 

Theo đó, hãng xe công nghệ này đã "tự ý" tăng 5-6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc, đồng thời cũng tăng mức khấu trừ với tài xế lên 27,27%. Nguyên nhân của việc tăng giá cước được hãng này đưa ra đó là "đảm bảo thu nhập" của tài xế không bị ảnh hưởng sau Nghị định 126. 

Vụ Grab "áp đặt" tăng giá, tăng khấu trừ với tài xế:  - Ảnh 1.

Tài xế Grab tắt ứng dụng và kéo đến trụ sở ở Hà Nội để yêu cầu đối thoại về việc tăng cước.

Ngay sau khi Grab "tự ý" tăng cước phí, cũng như chiết khấu đối với tài xế, gây ra vụ việc hàng trăm tài xế đình công, biểu tình, Tổng cục Thuế đã lập tức có văn bản yêu cầu Grab giải trình về việc doanh nghiệp này dựa theo thay đổi trong chính sách thuế của Nghị định 126 để áp đặt tăng cước, tăng chiết khấu lên tài xế. 

"Grab phải chịu trách nhiệm và phải giải trình về việc vin cớ Nghị định 126/2020 để tăng cước. Các tổ chức này chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế VAT theo quy định, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân", Tổng cục Thuế khẳng định.

Về việc tăng cước, các tài xế xe ôm công nghệ hãng này cho biết sẽ khiến cho thu nhập của các tài xế ngày một giảm và không còn ổn định như trước đây.

Trước Nghị định 126, VAT sẽ được thu như sau: Tài xế đóng 3% trên doanh thu thực nhận và Grab đóng 10% trên phần khấu trừ thu về. Còn từ 5/12, theo Nghị định 126, các doanh nghiệp như Grab phải kê khai và nộp toàn bộ VAT (thuế suất 10% trên tổng hóa đơn khách hàng trả mỗi cuốc xe). 

Nhưng sau Nghị định 126, Grab đã "tự ý" tăng cước 5-6%, tăng chiết khấu với tài xế lên 27.2%, thì nhìn vào so sánh dưới đây sẽ thấy rõ thay đổi quyền lợi của các bên trước và sau khi có Nghị định 126:

Với tài xế doanh thu trên 100 triệu/năm:

Trước 5/12, tài xế chỉ phải đóng 3% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu thực nhận.

Sau 5/12, Grab kê khai và nộp hộ VAT trên 10% tổng doanh thu cuốc xe, tài xế đóng 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Nhưng trong tường hợp Grab tăng giá cước tăng lên 5% và tỷ lệ chiết khấu của tài xế cũng tăng lên 27,27% sẽ dẫn đến thu nhập thực nhận của tài xế sẽ giảm, còn thu nhập thực nhận của Grab vẫn tăng.

Ví dụ cuốc xe 100.000 đồng, sau khi tăng cước 5% (105.000 đồng), trừ chiết khấu tài xế và ngân sách hưởng thì tài xế chỉ thực nhận 75.218 đồng, giảm 1.5 % so với trước 05/12 là 76.400 đồng. Trong khi đó, thực nhận của Grab là 19.091 đồng, tăng 6,1% so với 18.000 đồng trước ngày 05/12.

Như vậy, việc tăng tỷ lệ khấu trừ của tài xế và tăng giá cước đã chuyển nghĩa vụ với cơ quan thuế sang khách hàng và tài xế.

Với các tài xế chạy dưới 100 triệu/năm:

Trước 5/12, tài xế doanh thu dưới 100 triệu mỗi năm không phải đóng 3% VAT và không phải đóng thuế TNCN, nên sau mỗi cuốc xe, họ chỉ phải gửi về Grab phần khấu trừ theo tỷ lệ ăn chia 80-20 như hợp đồng ký kết.

Sau 05/12, khi Grab tăng giá cước 5% (gồm VAT) và tăng tỷ lệ chiết khấu của tài xế như chính sách của hãng đưa ra thì thu nhập thực nhận của tài xế chắc chắn sẽ giảm mạnh. Trong khi đó thu nhập thực nhận của Grab vẫn tăng.

Cụ thể cũng với cuốc xe 100.000 đồng, với cước phí tăng 5% (105.000 đồng), và phần khấu trừ 27.27%, phần ngân sách hưởng, thì tài xế chỉ thực nhận 76.363 đồng, giảm 4.5% so với 80.000 trước ngày 05/12 mà tài xế nhận được.

Tổng thực nhận của Grab vẫn là 19.091 đồng, tăng 6.1% như cũ.

Như vậy, với tài xế có thu nhập dưới 100 triệu/năm sẽ còn thiệt thòi nhiều hơn. Và cũng giống như trường hợp tài xế chạy trên 100 triệu đồng mỗi năm, phần tăng nghĩa vụ thuế cũng "được" chuyển sang phía khách hàng và tài xế.

Vụ Grab "áp đặt" tăng giá, tăng khấu trừ với tài xế: Khách hàng chịu thiệt, tài xế giảm thu nhập? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Như vậy, trong mọi trường hợp chỉ có tài xế và khách hàng phải chịu thiệt sau chính sách tăng cước, tăng khấu trừ từ Grab.

Bên cạnh đó, giải thích rõ hơn về các quy định tại Nghị định 126, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, Nghị định này chỉ quy định việc khai thuế và quản lý thuế, chứ không điều chỉnh thuế suất cũng như quy định chính sách thuế, do đó không làm tăng nghĩa vụ thuế của tài xế.

Mặt khác, chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Như vậy, việc Grab "tự ý" tăng cước, tăng chiết khấu của tài xế để bù vào phần chênh VAT và "đảm bảo thu nhập của tài xế" như  Grab đưa ra là không đúng với quy định.

HẠ VŨ (T/H)

Tin mới