(Tổ Quốc) - Trong đơn kháng cáo, gia đình bị hại đã đưa ra 8 tình tiết khác chứng minh Vũ Thị Mừng đồng phạm tội giết người, cướp tài sản và hành vi của cặp vợ chồng là có bàn bạc, tổ chức.
Mới đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Hải Dương đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết chủ nợ, đốt xác, xảy ra tại TP Hải Dương hồi tháng 11/2020, gây rúng động dư luận thời gian qua.
Bị cáo Cao Tài Năng (SN 1981) bị đưa ra xét xử về tội "Giết người", "Cướp tài sản" và "Xâm phạm thi thể, hài cốt"; bị can Vũ Thị Mừng (SN 1983, vợ Cao Tài Năng) bị xét xử về tội "Che giấu tội phạm" và "Xâm phạm thi thể, hài cốt". Cả hai cùng trú ở phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Vũ Thị Mừng bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Che giấu tội phạm và 3 năm tù về tội Xâm phạm thi thể, hài cốt. Tổng hình phạt là 6 năm 6 tháng tù. Năng bị kết án tử hình.
Gia đình bị hại kháng cáo, chỉ ra 8 điểm bất thường
Ngày 1/12, chị Dương Thị Huệ (em gái nạn nhân) cho biết, gia đình chị đã có đơn kháng cáo đến TAND cấp cao tại Hà Nội sau bản án trên.
Theo chị Huệ, trong đơn kháng cáo, gia đình bị hại đã đưa ra 8 tình tiết khác chứng minh Vũ Thị Mừng đồng phạm tội giết người, cướp tài sản và hành vi của cặp vợ chồng là có bàn bạc, tổ chức, cụ thể:
1. Gia đình bị hại đưa ra tình tiết trong thời gian ông C. bị sát hại, trường Cao đẳng Dược Hải Dương (nơi bị cáo Mừng công tác) bị mất một số lượng hóa chất.
2. Gia đình bị hại được nạn nhân báo mộng rằng: "Khi đến số nhà 126 Nguyễn Thượng Mẫn, ông C. và Năng có ngồi ở tầng 1 nói chuyện. Tại bàn uống nước ở tầng 1, ông C. đã bị Năng mời uống cốc nước có hóa chất, loại thuốc hướng thần, sau khi uống cốc nước này, nạn nhân mới bị Năng dẫn dụ lên gác xép để sát hại".
3. Ở hiệu thuốc 126 Nguyễn Thượng Mẫn, ông C. đến lấy tiền theo lời hẹn của Năng, tại cửa hàng thời điểm đó chỉ có Năng và ông C. Vì vậy, nếu không bị uống phải thuốc hướng thần, không có chuyện ông C. đi lên gác xép...
4. "Trong giai đoạn điều tra Cán bộ điều tra giải thích với gia đình tôi rằng: Do bị cáo sử dụng hóa chất nên các mẩu xương cốt hầu hết bị vỡ vụn và bị than hóa, không thể giám định được ADN, duy nhất chỉ có 2 mẩu nhỏ thu được ở KĐT Tuệ Tĩnh mới giám định được ADN".
5. Theo lời khai của Năng và Mừng thì bị cáo chỉ sử dụng 2 dát giường khoảng 6 lít xăng và một số cành cây để đốt thi thể ông C. Tại bờ sông, các bị cáo không ghè đập xương cốt, bị cáo Năng chỉ đạp 2 mảnh xương cốt ông C. tại KĐT Tuệ Tĩnh - có nghĩa là xương cốt ông C. tự vỡ vụn sau khi bị đốt.
6. "Gia đình tôi cho rằng, hai bị cáo đã sử dụng số hóa chất bị mất tại trường Cao đẳng Dược vào việc phi tang, đốt hài cốt ông C. Vì việc hỏa táng ở nhà tang lễ có nhiệt độ rất cao, nhưng cũng mất 2 tiếng mới hỏa táng xong một thi thể. Đặc biệt, xương cốt sau khi hỏa táng cũng không bị vỡ vụn, không bị than hóa, khi cần vẫn có thể xét nghiệm ADN".
7. Nếu chỉ với vật liệu cháy là 2 dát giường khoảng 6 lít xăng và một số cành cây thì xương cốt ông C. không thể tự vỡ vụn, bị than hóa.
8. Gia đình nạn nhân đặt câu hỏi về việc trường Cao đẳng Dược mất hóa chất có thể liên quan đến vụ án nhưng chưa được cơ quan chức năng điều tra rõ.
Người nhà nạn nhân cho rằng; TAND cấp sơ thẩm chưa xác minh, điều tra, truy xét, xem xét, đánh giá đầy đủ các tình tiết trong vụ án.
Gia đình nạn nhân nhận định vợ Cao Tài Năng có hành vi đồng phạm giết người, cướp tài sản
Theo gia đình bị hại nhận định, Vũ Thị Mừng có hành vi đồng phạm tội giết người, cướp tài sản với chồng là Cao Tài Năng. Bên cạnh đó, không thể cho bị cáo Vũ Thị Mừng hưởng tình tiết giảm nhẹ mà cần tăng nặng tội đối với Cao Tài Năng, Vũ Thị Mừng.
Về vật chứng, gia đình bị hại cho hay, bản án sơ thẩm đã bỏ sót tài sản thiệt hại là chiếc camera giám sát hành trình lắp trên xe ô tô CX5.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Năng và bị cáo Mừng bồi thường chưa đầy đủ, chưa đúng "thiệt hại thực tế" ở các phần như: chi phí mai táng, lễ tang cho ông C.; trách nhiệm cấp dưỡng đối với ông Hùng, bà Tạo (bố mẹ đẻ của bị hại); trách nhiệm cấp dưỡng đối với 2 con của bị hại là cháu Dương Anh Vũ và Dương Khánh Linh.
Minh Ngọc - Gia Đoàn