(Tổ Quốc) - Hai cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng 90 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện vẫn còn sống nhưng đã bị người con dâu là Vũ Thị Viễn khai tử. Cũng kể từ đó, hai cụ già mất đi tình nghĩa và sự báo hiếu của con dâu và 2 đứa cháu gái nội.
Mẹ già 30 Tết vẫn bôn ba ngoài đường
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, cụ bà Nguyễn Thị An vẫn một mình lưng còng cắp theo những cành đào nho nhỏ, những nải chuối cùng bó rau sạch ra vệ đường chào khách.
Người thân của cụ chia sẻ, dù đã 90 tuổi nhưng cụ vẫn thói quen như hàng ngày đi chợ, mặc dù các con của cụ không muốn mẹ vất vả nhưng ai cũng hiểu, một phần cụ muốn nguôi ngoai nỗi giận đứa con dâu, một phần cụ muốn tự tay làm ra đồng tiền để cho con cháu.
Cụ bà 90 tuổi bị con dâu khai tử vẫn bán hàng chợ Tết
Cụ bà tai không còn được nghe rõ, khoe rằng, hôm nay mới thu được 100 nghìn đồng, đây là số tiền vừa bán được vài cành đào và mớ rau do gia đình trồng được. Cụ bảo; ngày nào cụ cũng đi bán hàng từ khoảng 16h cho đến chập tối thì sẽ về.
Còn cụ Đỗ Văn Hợp (chồng bà An) vẫn trong tâm trạng buồn đang ở nhà một mình với mấy đứa trẻ, ngồi trên chiếc ghế quen thuộc nói về một năm mới sắp tới không có gì thay đổi vì mới đây tòa lại hoãn phiên xét xử sau nhiều lần được mời đến.
Chia sẻ với chúng tôi, cụ Hợp buồn rầu cho biết, hơn 5 năm trước bất ngờ gia đình phát hiện chị Viễn (con dâu) làm thủ tục giấy tờ mua bán thửa đất cho người khác, đáng nói, khi công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng thì bà Viễn khai rằng hai ông bà "đã chết".
Mâu thuẫn bắt đầu từ thời gian đó, người con dâu này không qua lại thăm hỏi bố mẹ chồng, cũng không phối hợp với gia đình để giải quyết hậu quả.
Theo cụ Hợp, chồng bà Viễn (con trai cụ) đã mất nhưng mỗi dịp lễ Tết, hai ông bà rất nhớ cháu, thương con. Thế nhưng, người con dâu bội bạc của gia đình không hề quan tâm, mà còn thể hiện sự bất hiếu.
Điều mong muốn lớn nhất của cặp vợ chồng già đó là Tòa án sớm mở lại, giải quyết dứt điểm để hai cụ được an tâm tuổi già.
Con dâu khai tử bố mẹ chồng
Mới đây, TAND TP Hà Nội xét xử vụ kiện đòi nhà giữa nguyên đơn Hoàng Thùy Linh và bị đơn Vũ Thị Viễn. Đây là vụ án có tính phức tạp kéo dài nhiều năm, sau nhiều lần đến tòa nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Tuy nhiên, do vắng toàn bộ nguyên đơn bị đơn và nhân chứng. Viện kiểm sát cho rằng đây là lần đầu chủ tọa mới triệu tập phiên tòa nên cần hoãn để đảm bảo quyền lợi các bên. HĐXX chấp thuận việc này, thời gian mới sẽ thông báo sau.
Theo hồ sơ vụ án, bên nguyên đơn là bà Hoàng Thùy Linh khởi kiện bà Vũ Thị Viễn với yêu cầu khởi kiện, buộc bà Viễn trả lại nhà, đất cho ở nhờ tại thửa đất số 70 70A tờ bản đồ số 19, số 62A, ngõ 399 Âu Cơ (sổ cũ là tổ 7 cụm 1), phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Bà Linh căn cứ theo hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất ở số công chứng 225415 ngày 15/4/2015 tại văn phòng công chứng số 3 thành phố Hà Nội giữa bên chuyển nhượng là bà Vũ Thị Viễn với bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Nghĩa và bà Hoàng Thùy Linh; GCNQSDĐ số 10103091022 do UBND TP.Hà Nội cấp ngày 04/5/2015 mang tên Nguyễn Nghĩa và Hoàng Thùy Linh; Hợp đồng cho ở nhờ và thông báo đòi nhà ở nhờ.
Về phía bị đơn, trong văn bản gửi đến các cơ quan tố tụng, bà Viễn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, song tất cả những lần mở tòa, bà Viễn đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp trên, bên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Năm 1998, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp chia cho con trai cả tên Đỗ Mạnh Tiến mảnh đất có tổng diện tích hơn 180 m2 ở ven Hồ Tây.
7 năm sau, ông Tiến qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bà Viễn (vợ ông Tiến) cùng 2 con gái ở lại trong ngôi nhà 3 tầng xây trên mảnh đất này.
Sau khi chồng mất, bà Viễn bí mật đến phòng Công chứng số 3 Hà Nội kê khai giấy tờ và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm 1 nửa quyền sở hữu nhà và 1 nửa quyền sử dụng đất. Các thủ tục trên được 2 con gái của bà Viễn đồng thuận.
Điều đáng nói ở đây, dù bố mẹ chồng bà Viễn vẫn còn sống nhưng bà Viễn lại khai 2 cụ đã chết để được nhận số tài sản trên.
Ngày 4/7/2006, trong giấy tờ thông báo về việc khai nhận di sản có xác nhận thông tin của bà Viễn có ghi: "Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết".
Căn cứ vào văn bản của bà Viễn, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế tại trụ sở. Đáng chú ý, trong đó có nội dung ghi 2 cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An đã chết?!.
Nhiều năm chưa giải quyết xong vụ kiện
Sự việc cứ thế trôi qua, cho đến năm 2015, chị Mai (con gái cả của bà Viễn) bất ngờ gặp cụ Hợp và thông báo bà Viễn đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho vợ chồng bà Linh. Vợ chồng cụ Hợp gần như ngã ngửa trước tin sét đánh mà cháu nội vừa thông báo.
Tiếp theo, tháng 4/2017, vợ chồng bà Linh làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà Viễn ra TAND Hà Nội.
Cho đến nay đã có 5 phiên tòa được mở; mặc dù vắng mặt một số đương sự nhưng HĐXX vẫn tiến hành xét xử.
Căn cứ quá trình hỏi đáp giữa các bên, HĐXX xét thấy việc bà Viễn khai tử bố mẹ chồng khi 2 cụ vẫn đang còn sống có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để làm rõ.
Chia sẻ với PV, con cháu 2 cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An cho biết: Vụ án kéo dài nhiều năm nay, đưa ra xét xử 5 lần, hơn chục lần hòa giải nhưng HĐXX chưa thể đưa ra phán quyết. Sức khỏe của 2 cụ đã yếu đi nhiều. Cụ Hợp bị bệnh tim, cụ bà thì nặng tai, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp.
Vợ chồng cụ Hợp đã ủy quyền cho con gái là Đỗ Thị Huyền tham gia tố tụng với vai trò là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Hai cụ mong muốn sẽ được hủy toàn bộ giấy tờ do con dâu lập ra, đồng thời trả lại số đất trên cho vợ chồng cụ.
Minh Ngọc