(Tổ Quốc) - Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận bác sĩ của Bệnh viện FV đã không chẩn đoán được tình trạng có thai của bà Nguyễn Thị Mộng Châu, người bị chính bệnh viện kiện sau đó, dẫn đến xử trí không phù hợp.
Ngày 26/4, TAND TP.HCM đã mở lại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án "Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm".
Nguyên đơn vụ án là Công ty TNHH Y tế Viễn đông Việt Nam (Bệnh viện (BV) FV, địa chỉ tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Mộng Châu, bệnh nhân (BN) của BV này.
Trước đó vào tháng 5/2020, phiên tòa từng tạm hoãn vì phía bị đơn kiến nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn (HĐCM) để xem xét quá trình điều trị của bà Châu.
Bệnh viện kiện chính bệnh nhân của mình
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 19/6/2018 BV FV tiếp nhận bà Châu đến khám trong tình trạng chảy máu âm đạo sau 3-4 tuần dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp. BN có tiền sử sinh mổ 2 lần.
Kết quả thăm khám ban đầu của BV chẩn đoán BN không có thai nhưng có dịch ứ trong tử cung. Bác sĩ cho BN điều trị bằng thuốc misoprostol để đẩy dịch ứ ra ngoài.
Tuy nhiên sau đó BN ra huyết nhiều, quay lại tái khám tại BV FV thì được kết luận bị băng huyết, có thai nhưng đã hư và việc sảy thai có thể do bệnh nhân uống thuốc ngừa thai trước đó. Kết luận này không được nữ BN chấp nhận.
Sáng 23/6/2018, bà Châu chia sẻ trên trang cá nhân việc BV "sáng nói không có thai, chiều nói có thai" và cho mình uống thuốc phá thai khiến đứa con trong bụng chết oan uổng. Bài viết sau đó nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng.
Phía BV FV cho rằng bệnh nhân đăng tải sai lệch sự thật gây ảnh hưởng nặng đến uy tín và danh dự, hoạt động của BV.
Do đó BV gởi đơn khởi kiện đến tòa, yêu cầu bị đơn phải bồi thường số tiền hơn 1,3 tỷ đồng tiền xử lý khủng hoảng truyền thông và tổn thất tinh thần. Bị đơn cũng phải công khai xin lỗi trên ba tờ báo do BV chỉ định và phải gỡ bỏ các bài viết trên Facebook.
Ngược lại, bà Nguyễn Thị Mộng Châu cũng gửi đơn phản tố đề nghị bác toàn bộ yêu cầu của BV FV. BN khẳng định bác sĩ BV chẩn đoán sai ban đầu, dùng thuốc phá thai điều trị khiến chị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe.
Ngoài ra, bị đơn cũng cho rằng BV đã tự ý công bố toàn bộ hồ sơ bệnh án gây tổn thất danh dự, nhân phẩm nghiêm trọng của mình. BN yêu cầu BV bồi thường tổng số tiền là 143 triệu đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm, TAND quận 7 (TP.HCM) HĐXX buộc bị đơn phải xin lỗi qua báo chí, bồi thường số tiền 13.9 triệu đồng để bù đắp tổn thất tinh thần do uy tín nguyên đơn bị xâm hại.
Riêng việc bồi thường chi phí xử lý khủng hoảng truyền thông và lập vi bằng tổng cộng hơn 1,3 tỷ đồng của bệnh viện FV không được tòa chấp nhận.
Trước bản án bất lợi cho mình, bà Mộng Châu đã gửi đơn kháng cáo yêu cầu bác toàn bộ bản án sơ thẩm.
Bộ Y tế: Bệnh viện FV có nhiều sai sót trong điều trị
Mới đây, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn ( HĐCM) Bộ Y tế về vụ việc.
Cụ thể, sau 2 phiên họp xem xét quá trình khám, chữa bệnh của bà Nguyễn Thị Mộng Châu tại BV FV vào tháng 6/2018, HĐCM của Bộ Y tế kết luận trong lần mang thai này, bà Châu có tình trạng thai làm tổ ở sẹo mổ lấy thai của tử cung, gai rau phát triển vào lớp cơ tử cung.
Ở lần khám đầu tiên ngày 19/6/2018, bà Châu đến BV FV vì lý do ra huyết âm đạo.
Tuy nhiên bác sĩ siêu âm Ngô Trung Nam của BV FV đã không phát hiện được người bệnh có thai tại sẹo mổ cũ.
Căn cứ vào kết quả siêu âm và kết quả xét nghiệm thai nhanh âm tính, bác sĩ khám bệnh Lê Thanh Hùng đã không chẩn đoán được tình trạng có thai của người bệnh, từ đó dẫn đến xử trí không phù hợp bằng cách kê đơn và cho BN về nhà tự theo dõi.
Trong lần BN nhập viện vào rạng sáng ngày 20/6/2018 đến ngày 22/06/2018, các bác sĩ của BV FV đã chẩn đoán BN bị "chảy máu tử cung nhiều do sảy thai", kịp thời xử trí cứu sống nhưng lại chưa chẩn đoán chính xác bệnh lý của BV là "chửa tại sẹo mổ lấy thai", dẫn đến xử trí chưa triệt để.
BN sau đó đã được điều trị triệt để tại BV Từ Dũ điều trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật lấy khối nhau bám, khâu phục hồi cơ tử cung, bảo toàn tử cung.
Cũng theo kết luận của HĐCM, trong tài liệu "Đánh giá ban đầu bệnh nhân ngoại trú", bác sĩ Lê Thanh Hùng đã chẩn đoán người bệnh bị "ứ dịch lòng tử cung".
Chẩn đoán này phù hợp với kết quả siêu âm và xét nghiệm thai nhanh âm tính.
Tuy nhiên, do kết quả siêu âm và xét nghiệm thai nhanh chưa chính xác nên dẫn đến chẩn đoán chưa chính xác.
Ngoài ra, HĐCM cho rằng chẩn đoán "chảy máu tử cung nhiều do sảy thai" của bác sĩ khám bệnh theo triệu chứng lâm sàng và các dữ liệu cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh là phù hợp.
Bệnh viện FV không thừa nhận kết luận của Bộ Y tế?
Tại phiên xử ngày 26/4, HĐXX hỏi nguyên đơn việc BV kê thuốc misoprostol trong trường hợp bệnh của bị đơn là đúng hay sai, khi thuốc chống chỉ định trong trường hợp có thai tại vết sẹo mổ cũ ở tử cung.
Luật sư đại diện của FV nói việc sử dụng thế nào do Cục quản lý Dược ban hành.
HĐXX yêu cầu nguyên đơn khẳng định: Cuối cùng BV chẩn đoán BN bị ứ dịch trong tử cung hay mang thai ngoài tử cung?
Nguyên đơn trả lời theo kết luận của Bộ Y tế, BN có thai tại vết sẹo mổ cũ lấy thai.
HĐXX nhận định, như vậy tình trạng BN mà BV kết luận đã mâu thuẫn với việc chống chỉ định của thuốc misoprostol.
Và trong kết luận của HĐCM, Bộ Y tế cũng khẳng định BV FV đã không phát hiện được người bệnh có thai tại sẹo mổ cũ và xử trí không phù hợp.
Nguyên đơn lại cho rằng quá trình điều trị cho BN, bác sĩ của FV phải tìm nhiều cách. Kết luận của Bộ Y tế là kết hợp với cả kết quả điều trị ở BV Từ Dũ sau này, nên nguyên đơn thấy không mâu thuẫn.
Đại diện VKS đề nghị BV FV khẳng định rằng có sai sót về chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh cho BN hay không?
Nguyên đơn nói Bộ Y tế không kết luận BV sai. BN đã sảy thai từ trước khi vào BV nên việc chẩn đoán ứ dịch trong lòng tử cung và sau đó lấy thai là phù hợp.
Đáp lại, luật sư đại diện của bị đơn cho rằng phía FV khẳng định BN sảy thai trước khi vào viện là không có cơ sở.
Chính bác sĩ điều trị đã bỏ qua các bước chẩn đoán nên không xác định được BN có thai. Kể cả kết luận của BYT cũng không nói BN sảy thai trước khi vào viện.
Trong phần tranh luận, phía BV FV cho rằng bài đăng của BN bóp méo sự thật khiến người xem ngộ nhận dù chưa có kết luận từ cơ quan chức năng.
Bị đơn có đầy đủ kinh nghiệm, hiểu biết hơn người về mạng xã hội, khiến BV thiệt hại nặng nề.
Phía bị đơn phản bác việc nguyên đơn nói bài viết trên trang cá nhân của BN là "sáng tác" mà cho rằng đó lời kể là tường thuật lại câu chuyện của bị đơn.
Bị đơn nói BV FV đã tự ý tiết lộ hồ sơ bệnh án BN từng uống thuốc ngừa thai 2 lần và gửi cho rất nhiều bên, nghi ngờ về tình trạng quan hệ của BN. Sự suy diễn này là hành vi vu khống gây ảnh hưởng cuộc sống gia đình, quyền riêng tư của BN, vi phạm luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cũng theo luật sư của bị đơn, một lãnh đạo BV FV đã đăng tải thông tin riêng tư của BN lên mạng xã hội và điều này gây phản ứng mạnh với nhiều người trong 1 group chuyên môn y tế. Bài viết sau đó đã bị xóa đi.
Bị đơn tái khẳng định không chấp nhận mọi yêu cầu của nguyên đơn.
Phiên tòa đã được HĐXX tạm hoãn và sẽ xét xử lại vào ngày 4/5 tới đây.
Hoàng Lê