(Tổ Quốc) - Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, sau khi nghe bác sĩ giải thích, nắm rõ tình trạng bệnh của bé được tiên lượng tử vong, nên gia đình xin cho xuất viện để đưa vào chùa tụng kinh, siêu thoát. Tuy nhiên, gia đình sau đó không làm đúng như ý định ban đầu mà lại đưa bé gái đến nhà hỏa táng.
Gia đình xin cho bệnh nhi xuất viện để đưa vào chùa tụng kinh, siêu thoát
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một bé gái sơ sinh bị bệnh nặng ở Đồng Tháp, được đưa vào nhà hỏa táng nhưng vẫn còn thở thoi thóp, gây xôn xao dư luận.
Ngày 26/11, Đại tá Nguyễn Chí Công - Trưởng Công an TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, bé gái trong clip tên N.T.K.N (sinh ngày 2/7/2020) là con gái anh N.H.Y (30 tuổi) và chị N.T.H (25 tuổi, cùng ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp).
Bệnh án của bé gái (Ảnh: Zing.vn)
Trước sự việc ồn ào nói trên, ngày 27/11, chia sẻ trên Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) thông tin thêm về trường hợp này.
Theo bác sĩ Hải, bé N.T.K.N (hơn 4 tháng tuổi, ở huyện Châu Thành) là trường hợp bệnh rất nặng, tiên lượng tử vong. "Bệnh nhi đã có quá trình điều trị 17 ngày tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ở TP.HCM. Bé đã mổ hai lần. Tiên lượng nặng, có thể bé không qua khỏi", bác sĩ Hải nói.
Sau đó người nhà xin chuyển viện cho bé từ TP.HCM về TP. Sa Đéc điều trị để tiện chăm sóc. Người nhà đã được bác sĩ giải thích, nắm rõ tình trạng bệnh của bé được tiên lượng tử vong và họ đã chuẩn bị tinh thần.
"Bệnh nhi nằm điều trị tiếp 13 ngày, người nhà đã rất cố gắng. Bác sĩ đã giải thích trường hợp của bé, nên gia đình xin cho xuất viện để đưa vào chùa tụng kinh, siêu thoát", bác sĩ Hải nói.
Tuy nhiên, gia đình sau đó không làm đúng như ý định ban đầu. Bé gái được đưa đến nhà hỏa táng. Chiều cùng ngày, bệnh viện hay tin trường hợp của bé gái đã điều xe cấp cứu đến nhà hỏa táng đưa bé quay trở lại. Bé gái tiếp tục thở bằng máy, đến tối thì tử vong.
"Người mẹ khi đó đã đến bệnh viện và nhận lỗi. Thấy người mẹ cũng rất tội nghiệp", bác sĩ Hải nói tiếp.
Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình, ông Nguyễn Văn Thái, nhân viên nhà hỏa táng cho biết trưa 23/11, bé gái được người thân đưa đến cùng với bên phía dịch vụ tang lễ. "Người thân đã trình bày bé bệnh nặng, tiên lượng tử vong và đã có giấy chứng nhận của bệnh viện", ông Thái nói.
Khi đưa đến nhà hỏa táng, bé gái nằm trong quách còn mở nắp. "Bé còn thở, nằm bất động", ông Thái kể tiếp. Nhiều người khi thấy bé còn thở, họ thắc mắc và quay lại clip.
"Mọi người cũng phải hiểu, thông cảm cho gia đình. Trường hợp của bé gái này, qua trình bày của gia đình thì họ đã rất cố gắng. Sự việc xảy ra thấy cũng đau lòng quá", ông Thái nói.
Người nhà đã rất khổ tâm, đau lòng và đã đưa bé gái đi điều trị nhiều nơi nhưng không qua khỏi. "Nhiều người nghĩ gia đình bé gái không có đạo đức, nói vậy không đúng. Họ cũng rất tội nghiệp", ông Thái chia sẻ với PV Zing.vn.
Trường hợp người được hỏa táng đưa vào nhà tang lễ chờ làm thủ tục hỏa thiêu mà còn thở không phải là chuyện hy hữu
Trước sự việc ồn ào trên, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Tăng - nhân viên hỏa táng từng làm việc tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai (TP. Hà Nội) cho biết, trường hợp người được hỏa táng đưa vào nhà tang lễ chờ làm thủ tục hỏa thiêu mà còn thở, không phải là chuyện hy hữu.
"Có những ca bệnh nặng, bác sĩ tiên lượng tử vong cao hoặc đã chết lâm sàng thì nghĩa là lúc này người được hỏa táng không còn ý thức được với thế giới đang diễn ra xung quanh mình. Chỉ là các bộ phận của cơ thể vẫn còn hoạt động trong tình trạng yếu.
Đoạn clip được lan truyền trên MXH (Ảnh chụp màn hình)
Do hoàn cảnh hay vì lý do nào đó mà thân nhân của người được hỏa táng không đưa về nhà mà đưa đến nhà hỏa táng. Khi ấy, thân nhân trong gia đình hoặc nhân viên nhà hỏa táng thường đặt người được hỏa táng ngay ngắn trên giường và để trong một khu riêng, bật kinh niệm phật" - ông Tăng cho biết.
Theo ông Tăng, hoàn cảnh của cháu bé và thân nhân gia đình ở nhà hòa táng từ thiện TP. Sa Đéc đáng thương nhiều hơn đáng trách.
"Đúng ra trong thời khắc ấy, nên có một người thân túc trực bên cạnh cháu bé cho đến khi cháu qua đời. Nhưng có lẽ vì hoàn cảnh, gia đình ít người hoặc lý do nào đó mà họ không thể có mặt ở bên cạnh nên hoàn cảnh càng thêm cô đơn, hiu quạnh" - ông Tăng bày tỏ.
Ông Trần Văn Trường - nhân viên có kinh nghiệm 15 công tác tại nhà tang lễ Thanh Nhàn (TP. Hà Nội) cũng thừa nhận, việc người còn thở được đưa đến nhà hỏa táng chờ thời điểm qua đời là điều không hiếm.
"Những trường hợp này thường từ bệnh viện chuyển sang, khi bệnh nhân đã được bác sĩ kết luận chết lâm sàng, không còn ý thức được mọi thứ xung quanh, sự sống chỉ còn được tính bằng phút.
Mỗi đơn vị hỏa táng đều có khu vực lưu thi thể người hỏa táng. Sau khi tiếp nhận thì thi thể người được hỏa táng sẽ để tại khu vực này. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chết lâm sàng, chưa trút hơi thở cuối cùng thì thường được bố trí một khu riêng để người đó qua đời trong yên tĩnh" - anh Trường kể.
Đầu năm 2020, ông Trường cũng từng chứng kiến một người bị tai nạn giao thông dẫn tới chết não, bác sĩ tiên lượng không qua khỏi được chuyển từ bệnh viện sang.
"Khi ấy nạn nhân thở bằng ô-xi, người nhà cũng quyết định không đưa về nhà mà đưa đến nhà tang lễ luôn để rút ống thở và làm thủ tục hoả táng rồi đưa tro cốt về quê. Như thế vừa tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, tránh đau thương hơn cho những người thân và cũng là nhân văn với người chuẩn bị qua đời" - ông Trường bày tỏ.
Trước đó, ngày 11/11, bé gái được đưa đến bệnh viện điều trị với chẩn đoán suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, tim bẩm sinh, di chứng não. Trưa 23/11, bác sĩ tiên lượng bệnh nhi tử vong.
Gia đình lo sợ bé gái sẽ lây bệnh nên đưa đến nhà hỏa táng, chờ ngừng thở sẽ đưa vào lò hỏa thiêu.
15h cùng ngày, người dân phát hiện bé gái nằm trong quách còn thở thoi thóp nên báo công an. Bé gái sau đó được đưa đến bệnh viện, đến tối cùng ngày đã tử vong.
"Vợ chồng em mất con đã quá đau đớn. Khi bé sinh ra đã phát hiện bệnh, gia đình tìm đủ cách cứu chữa nhưng đành vô vọng", mẹ của bé gái mong nhận được sự thông cảm từ cộng đồng.
Nam An (t/h)