(Tổ Quốc) - Qua hàng trăm, hàng nghìn năm phát triển, đã đến lúc toàn thể nhân loại nhận ra giá trị đích thực của vòi xịt bàn tọa.
Trong thời gian vừa qua, một loại mặt hàng bỗng trở nên khan hiếm, đắt đỏ và thậm chí đủ khả năng quy đổi ra tiền tệ trao đổi hàng hóa. Đó là giấy vệ sinh.
Người Anh, người Mỹ người Úc đổ xô đi tích trữ giấy vệ sinh, người châu Á nói chung lại ung dung ngồi nhà. Bởi họ có trong tay một thứ vũ khí diệu kỳ: cái vòi xịt.
Tin tôi đi, vòi xịt chính là phát kiến vĩ đại nhất của loài người.
Mọi thứ rất đơn giản, hãy tư duy theo kiểu này:
Nếu đang chân đất đi dạo trên bãi biển rồi không may đặt chân phải một "đống niềm vui từ bạn của loài người", bạn muốn dùng giấy ăn lau chân hay nhảy lò cò đi rửa với nước?
Câu trả lời chắc chắn là rửa bằng nước phải không nào?
Đó là lý do vì sao vòi xịt bàn tọa được người dân trên khắp thế giới ưa chuộng, từ Tây Âu, Nam Mỹ, Trung Đông cho đến châu Á. Nếu đem so sánh với giấy vệ sinh, vòi xịt sạch sẽ và thân thiện hơn với môi trường.
Tuy nhiên, vẫn có một nơi mà thứ vũ khí diệu kỳ này không hề được chào đón: Đó chính là nước Mỹ!
Lược sử vòi xịt bàn tọa và lý do khiến người Mỹ không ưa chúng
Ở Việt Nam, chúng ta gọi thiết bị phun nước với áp lực mạnh là "vòi xịt", "vòi xịt cái phải xịt" - thì tên quốc tế của chúng là bidet.
Bidet là từ gốc Pháp, có nghĩa là "con ngựa" hoặc "chú ngựa nhỏ" (vì phải ngồi vào đó rửa, trông như cưỡi ngựa).
Cái bidet đầu tiên trên thế giới, ra đời vào đầu thế kỷ 17 không giống bây giờ cho lắm. Hình dạng nguyên thủy của nó tương tự như bồn rửa mặt bây giờ nhưng bệ đỡ thấp hơn, chỉ dùng để tẩy rửa bụi trần sau khi bạn đã xong việc giải phóng năng lượng tiêu cực khỏi hệ bài tiết.
Đặc biệt, thiết bị này hầu như chỉ dành cho quý tộc, mãi đến thế kỷ 19 nó mới dần trở nên phổ biến ở Pháp cho đến toàn châu Âu, chỉ trừ nước Mỹ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm nhận được sự hoa mỹ của thứ dụng cụ này.
Người Mỹ lần đầu trông thấy vòi xịt bàn tọa trong các... nhà thổ ở châu Âu vào Thế Chiến II - Cứ nhìn thấy thiết bị vệ sinh đó là nhiều người lại liên tưởng ngay đến ngành mãi dâm. Do đó, người Mỹ truyền tai nhau và coi vòi xịt bàn tọa là thứ gì đó thật là gớm ghiếc ti tiện.
Cho đến năm 1960s, nhà phát minh Arnold Cohen giới thiệu "bidet kiểu Mỹ" với vòi xịt thò ra trông khá điệu đà. Tuy nhiên, sản phẩm đầy hứa hẹn của ông lại không đủ sức đánh bật định kiến mà người Mỹ trao cho "bồn gột rửa bụi trần".
Cũng vào thời điểm đó, Nhật Bản lại đưa phát kiến vòi xịt lên một tầm cao mới!
Toto là công ty đầu tiên ở Nhật chế ra vòi xịt chạy điện và được coi là bước tiến vĩ đại trong việc vệ sinh cá nhân.
Kể cả thế, người Mỹ vẫn ngại ngùng với vòi xịt. Thật ra, hầu hết nhà vệ sinh ở Mỹ không được thiết kế để lắp thêm vòi xịt (từ không gian cho đến yếu tố thiết bị).
Tuy nhiên, lý do lớn nhất chính là người Mỹ đã lớn lên cùng giấy vệ sinh, thậm chí chẳng biết đến vòi xịt "thần thánh" có thể cuốn trôi tất cả, lại còn là đồng minh đắc lực cho lý tưởng sống xanh, bảo vệ thiên nhiên mà con người đang trên hành trình theo đuổi.
So với giấy vệ sinh, phần thắng áp đảo thuộc về vòi xịt bàn tọa: Tiết kiệm, vệ sinh và thân thiện hơn với môi trường.
Theo Tech Insider, nếu cả thế giới sử dụng vòi xịt thay vì giấy vệ sinh, chúng ta sẽ tiết kiệm được ối thứ.
- Vòi xịt bàn tọa tốn khoảng 500ml nước cho mỗi lần sử dụng, còn để tạo ra 1 cuộn giấy vệ sinh cần tới 140 lít nước.
- Người Mỹ chi khoảng 40 - 70 USD (khoảng 1 - 1,5 triệu đồng) để mua giấy vệ sinh mỗi năm; mỗi ngày người Mỹ dùng hết 34 triệu cuộn giấy vệ sinh.
- Lắp vòi xịt bàn tọa có thể giúp tiết kiệm đến 75% chi phí so với giấy vệ sinh; dùng vòi xịt bàn tọa đến hết đời tương đương với việc 384 cây lấy gỗ không bị đốn hạ.
Ngoài ra, giấy vệ sinh hoặc giấy ướt cũng chào thua trước vòi xịt bàn tọa.
Việc chà xát trực tiếp có thể khiến niêm mạc chỗ cần rửa bị trầy xước hoặc kích ứng, mẩn đỏ. Thậm chí chất thải cũng khó lòng được loại bỏ hết. Tóm lại, vòi xịt vệ sinh hơn, giảm thiểu khả năng bị trĩ và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tham khảo B.I
JJJ