(Tổ Quốc) - Hơn 20 năm qua, kể từ lần đầu tiên nắm tay chàng thanh niên Việt Nam và quyết định đi đến hôn nhân, bà Svetlana không ngờ rằng cuộc đời của mình lại chông gai đến vậy.
Gặp bà Nguyễn Svetlana (55 tuổi, ở khu tập thể Viện Mác-Lênin ngõ 84 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) vào một chiều cuối tháng 6. Mái tóc vàng óng đặc trưng, cảm giác mộc mạc, chân thành khiến bà Svitlana dễ chiếm được thiện cảm của người đối diện.
Dù sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến nay đã 20 năm, nhưng vốn tiếng Việt của bà Svetlana rất ít ỏi. Tất cả câu chuyện với chúng tôi phải nhờ tới một người phụ nữ phiên dịch.
"Vợ tây" bán hết nhà cửa sang Việt Nam chăm chồng
Ông Nguyễn Văn Thắng (57 tuổi, chồng bà Svetlana) bị đột quỵ hiện đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương từ nhiều ngày nay. Đây là bệnh viện thứ 3 ông Thắng được luân chuyển đến trong 4 tháng qua, sau khi trải qua chuỗi ngày thập tử nhất sinh tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.
Kể từ ngày ông Thắng lâm bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân, bà Svetlana dường như đã quen với cảnh "ở viện nhiều hơn ở nhà". Bà cứ lặng thầm dõi theo ông, chăm sóc ông mỗi ngày như thế.
Ông Thắng đã có hàng chục lần nhập viện, vài lần thập tử nhất sinh và 4 lần bị đột quỵ, liệt toàn thân. Có những lúc cuộc sống bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn chồng và các con, bà Svetlana lại có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.
Nhớ lại câu chuyện tình của mình và chàng trai người Việt Nam khi ấy, bà Svetlana cho biết vào năm 1988, hai người lần đầu gặp nhau tại căng-tin Cục hải quan thành phố Kiev Ukraina) trong một lần ông Thắng đến gửi hàng về Việt Nam.
2 năm sau họ kết hôn, trong tâm trí cô gái trẻ Svetlana khi ấy chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình về sau này lại chông gai đến vậy.
Trước khi đến với ông Thắng, bà Svetlana từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân và có 1 con riêng. Lập gia đình xong, ông Thắng quyết định ở lại Ukraina, thay vì về nước như kế hoạch trước đó. Năm 2000 thất nghiệp, ông bàn với vợ rằng sẽ đưa con gái 9 tuổi về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, khi nào công việc ổn định sẽ đón cả chị và hai con trai sang đoàn tụ.
"Khi gặp nhau anh ấy đã tốt nghiệp đại học. Ngày hôm sau anh tới nơi tôi làm việc tặng một thanh socola và quả táo để làm quen. Tôi có cảm tình với anh ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi anh là người thông minh, giao tiếp thú vị và biết quan tâm. Chúng tôi bắt đầu yêu nhau và hai năm sau (1990) kết hôn", bà Svetlana nhớ lại.
Chồng về nước được một năm thì đổ bệnh nặng do huyết áp cao. Chẳng nghĩ ngợi, bà Svetlana bán hết nhà cửa đưa hai con nhỏ về Việt Nam để chăm chồng. 20 năm ở Việt Nam, người phụ nữ 55 tuổi chỉ mới duy nhất 1 lần trở về quê hương, đó là khi bà bán nhà để mang tiền sang chữa bệnh cho chồng.
"Về tới Hà Nội gặp được anh tôi vô cùng lo lắng vì sức khoẻ của anh ngày một yếu đi. Tôi quyết định ở đây để lo chăm sóc cho anh. Được một thời gian, năm 2002 tôi quyết định quay về nước bán toàn bộ nhà cửa, đồ đạc, xe cộ và cả nhẫn đính hôn... rồi trở lại Việt Nam lo chạy chữa cho anh", bà Svetlana nói.
Thế nào là yêu?
Từ ngày sang Việt Nam chăm chồng, hằng ngày Svetlana dậy rất sớm nấu ăn cho cả nhà rồi ngồi xoa bóp chân tay để chồng đỡ đau nhức. Anh Thắng bị liệt, nằm lâu nên các cơ xương co cứng. Ngày khỏe mạnh không sao, có lúc chồng con cùng lúc ốm, bản thân mệt mỏi không dậy nổi.
Thấy chị vất vả, bạn bè có người khuyên nên về nước tự giải thoát cho bản thân, nhưng Svetlana chỉ im lặng quay đi.
Bà Svetlana xúc động khi chia sẻ câu chuyện về chồng mình.
"Có những lúc khó khăn có, tuyệt vọng có, tôi muốn hét thật lớn nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ bỏ chồng con, bỏ gia đình. Tôi nghĩ đó là cuộc sống của mình. Yêu ai đó chẳng nhẽ yêu lúc khoẻ mạnh, khi khó khăn, bệnh tật bỏ đi sao gọi đó là tình yêu được", bà Svetlana chia sẻ.
Hơn hai năm chồng ốm, tiền tiết kiệm cũng cạn kiệt. Svetlana quyết định kiếm việc làm. Nhà chồng cho một căn hộ tập thể ở ngõ 84 phố Ngọc Khánh, vợ chồng chia đôi một nửa để ở, một nửa mở quán bán cà phê. Không có tiền thuê nhân viên, hai con lớn đang học cấp hai phải dành nửa buổi làm nhân viên bất đắc dĩ để phụ giúp mẹ bán hàng.
"Khi gia đình tôi kinh doanh tại đây thu nhập chưa ổn định thì chồng bị đột quỵ rất nặng. Khi ấy đưa chồng đến Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ nói anh bị liệt và mãi mãi không đi được nữa. Thời gian đầu có nhiều người giúp đỡ, anh ấy có thể nói chuyện được với bạn bè nhưng anh không có khả năng lao động", Svetlana kể.
Vốn đam mê nấu ăn, vài lần Svetlana đón tiếp đồng hương và những người học tập tại Liên Xô cũ ghé qua. Chị mời những món ăn mình tự nấu, được khen ngon, họ gợi ý nên bán thêm những món ăn Nga. Từ đây chị quyết định làm thêm nhiều món ăn để kiếm thêm thu nhập lo cho chồng con.
Từ khi quán ăn được mở rộng, cuộc sống gia đình 5 người cũng bớt khó khăn. Ba người con không còn phải mặc lại quần áo cũ người khác cho, tiền viện phí của anh Thắng không phải vay ngoài nữa. Thu nhập từ quán cũng giúp Svetlana nuôi ba con trưởng thành, đều học đại học. Hai con lớn hiện mở quán ăn Nga tại Sài Gòn, người con trai út hiện theo học tại Canada.
Vào tháng 2 vừa qua, ông Thắng bị suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến ngay tại viện. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội cuối tháng 4, người nhà mất 3 tuần không được vào phòng bệnh chăm sóc. Nằm liệt nhiều ngày, ông bị viêm loét lưng gây nhiễm trùng máu.
"Thời điểm đó, chồng tôi bị loét thịt nên nhiễm trùng máu 3 tuần nằm trong khoa cấp cứu, người thân lại không được vào chăm sóc. Anh không thể nói chuyện. Khi tôi được vào cầm tay anh, anh nắm chặt lấy tay tôi như muốn nói 'đừng đi đâu cả hãy ở đây với anh'.
Tôi sẵn sàng làm tất cả vì cuộc sống của anh. Tôi sẵn sàng chiến đấu cho tới cùng vì chồng của mình. Gia đình không hề mất hy vọng và tôi tin anh ấy sẽ bình phục", bà Svetlana xúc động.
Mỗi ngày, bà Svetlana dậy từ rất sớm, phóng chiếc xe máy Honda Dream sang bệnh viện thăm chồng rồi về quán chuẩn bị đồ ăn phục vụ khách. Khi rảnh lại qua viện, rồi lại trở về quán làm việc, tất bật cho đến tận đêm khuya.
Khi biết hoàn cảnh gia đình, nhiều người ngỏ ý muốn giúp đỡ về vật chất nhưng bà Svetlana đều từ chối. Bà cho biết, bản thân còn đôi tay sẽ tự làm lo cho gia đình mình bằng được. Mong muốn lớn nhất của bà là chồng mình sớm bình phục trở lại.
"Tôi rất cảm động, khi có nhiều người, kể cả những người không quen biết đã động viên. Gia đình chồng cũng luôn động viên tôi. Tôi mong anh mình chóng hồi phục, chúng tôi sẵn sàng thử tất cả để cứu anh và cố cứu anh", cô cho hay.
Thấm thoát 20 năm ở Việt Nam, mọi thứ ở đây hầu hết đã thay đổi chỉ có tình yêu của người phụ nữ 55 tuổi dành cho người chồng gốc Việt là trọn vẹn, là không đổi thay. Với bà Svetlana, mỗi ngày dù được gặp chồng 5-10 phút bà cũng muốn đến bệnh viện để gặp chồng. Ngần ấy năm chăm ông Thắng, bà nghĩ nhiều thứ, trừ 2 từ "bỏ cuộc" thì tuyệt nhiên không.
Gia Đoàn