(Tổ Quốc) - Mặc dù có cái tên khiến người người ta hoảng hốt, e dè nhưng chúng đều là những món ăn nổi tiếng của các tỉnh thành. Nếu như có cơ hội đến đến với những vùng đất này thì các bạn không nên ngần ngại mà hãy nhanh chóng thưởng thức nhé!
Ẩm thực Việt Nam có lắm món ngon vật lạ. Trong đó phải kể đến những món ăn với cái tên vừa nghe đã giật mình nhưng lại mang hương vị thơm ngon độc đáo khiến người ta thật sự muốn tận tay tận mắt khám phá cũng như thưởng thức chúng.
Da trâu thối
Da trâu thối là món ăn đặc trưng của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Đây là một món ăn đánh thức vị giác cực mạnh bởi mùi hương của nó. Khiến cho nhiều người không dám thử, thậm chí e ngại việc đến gần. Da của con trâu sau khi lọc ra vẫn giữ nguyên phần lông, đem gói vào lá chuối và ủ trong khoảng hai ngày. Sau một thời gian ủ, da trâu bốc mùi thì đem rửa sạch (lúc này lông sẽ rụng hết). Sau đó, người ta đem miếng da trâu đi phơi, rồi dùng nấu canh bon, hoa chuối hoặc nướng tùy sở thích.
Với người dân bản địa, đây là một đặc sản có vị thơm ngon đặc trưng. Tuy nhiên, với nhiều người khác, đây thực sự là một món ăn đầy thách thức.
Bánh ngải
Bánh ngải - nghe cái tên có vẻ ma mị nhưng đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ của người dân tộc Tày, Nùng... Đối với họ, bánh ngải là món ăn truyền thống, là tinh hoa của đất trời. Người Tày cho dù sinh sống ở đâu cũng có truyền thống làm bánh ngải trong các dịp lễ hay mùa lúa mới.
Món bánh này có nhiều biến tấu với phần bánh có nhân hoặc không. Nếu là bánh ngải không nhân, người ta sẽ chấm thêm đường phên cùng với mè rang. Còn đối với bánh có nhân thì không cần kèm thêm gì cả bởi vì phần nhân bánh đã đượm đủ vị dịu ngọt. Đây là món bánh dùng để chiêu đãi khách của dân tộc Tày. Khi thưởng thức bánh, bạn sẽ cảm thấy vị bùi dẻo của lúa nếp hương, vị ngọt của nhân bánh và chút tê tê đặc biệt của lá ngải.
Du khách khi đặt chân lên các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn... đều không thể bỏ qua món bánh này. Ăn một lần là nhớ một đời.
Sâu tre xào lá chanh
Sâu tre được xem là món ăn đặc sắc của người dân vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) bởi độ thơm ngon, béo ngậy, giòn tan mà ít món nào có thể sánh được. Đối với ai lần đầu thấy sẽ e dè sợ hãi nhưng với người dân Tây Bắc, sâu tre lại là món ăn vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. Sâu tre có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như sâu tre chiên, sâu tre hấp... nhưng hấp dẫn hên hết là món sâu tre xào lá chanh.
Vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 là thời điểm sinh trưởng nhiều và sâu có kích thước hợp lý nhất để chế biến thành món ăn. Loài sâu này có chiều dài tầm 2 đốt tay, thân không quá tròn mà thon thon.
Hương vị độc đáo, khác lạ của món ăn này đã khiến nhiều thực khách mê mẩn ngay từ lần đầu thưởng thức.
Rau bò khai
Rau bò khai (hay bồ khai) - cái tên nghe có vẻ "í ẹ" nhưng lại là đặc sản của nhiều tình vùng núi phía Bắc. Đây là loại rau có ngoại hình rất giống như rau ngót, nhưng thân lại khá tròn và mập mạp. Phần ngọn và lá non của rau bò khai thường được sử dụng để chế biến thành các món ăn hàng ngày như xào tỏi, xào với trứng, xào với thịt bò hay hải sản…
Hương vị của rau bò khai khá đặc biệt, và điểm đặc biệt đó nằm ở chỗ món rau này có mùi hơi... khai. Thế nên, trước khi chế biến thành món ăn, người ta thường sẽ vò qua lá rau để khử bớt mùi khai vốn có của nó.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một trong những món bánh độc đáo của người Tày vùng Bắc Kạn, Cao Bằng. Đúng như tên gọi, phần nhân của nó được làm hoàn toàn từ trứng kiến - một loại kiến đen rừng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.
Trứng kiến sau thu hoạch được rửa sạch, phi trên chảo với hành khô và thịt heo, lạc rang giã nhỏ và một ít lá kiệu - dùng làm nhân. Bánh được gói hai lớp với lá vả (một loại lá rừng phổ biến ở Bắc Kạn). Bánh trứng kiến có vị bùi ngậy đặc trưng của lá vả quyện với lớp vỏ gạo nếp dẻo thơm và lớp nhân trứng kiến căng mọng béo ngậy, đậm đà mang đến hương vị khá độc đáo so với những loại bánh nếp quen thuộc khác.
Canh thụt M'nông
Canh thụt là món ăn truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc M’Nông tại Đắk Nông. Nguyên liệu chế biến "canh thụt" bao gồm lá bép (rau nhíp), đọt mây, cá suối… hay các loại rau rừng khác mọc ở khắp núi rừng Tây Nguyên.
Sự đặc biệt của món ăn này chính là nằm ở công đoạn chế biến. Nguyên liệu được nhồi vào ống lồ ô và được nướng trên bếp lửa cho đến khi chín mềm. Sau đó, người ta sẽ dùng một ống tre thụt tới thụt lui cho đến khi canh trong ống nhuyễn nhừ. Canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, hương vị hòa quyện giữa đắng, cay, ngọt, bùi như nhiều món ăn khác của vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Nhật Phương