(Tổ Quốc) - Ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo.
Ca mắc Covid-19 cộng đồng tăng nhanh nhưng tỉ lệ tử vong giảm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%).
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta.
Tuy nhiên, do tỉ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu.
Tỉ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.
Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 02/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đề nghị củng cố năng lực điều trị tại cơ sở, tháo gỡ thủ tục, hướng dẫn đối với cách ly F1, xác nhận F0; tăng cường phân luồng các tầng điều trị.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, số ca mắc trên địa bàn TP gần đây đã lên đến 3.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, số lượng ca nặng, rất nặng hầu như không thay đổi (50 ca).
Theo ông Dương Anh Đức, việc mở cửa lại trường học xuất hiện tình trạng trẻ nhiễm ở trường học và lây cho người trong gia đình. Đến nay khoảng 2,3% trẻ bị nhiễm và 0,08% có triệu chứng nặng, chủ yếu là sốt cao và hết sốt sau 2-3 ngày, chưa có trường hợp trẻ tử vong.
Lãnh đạo TPHCM đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, có các đánh giá, quy định để hạn chế ảnh hưởng của biến thể Omicron đến hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội; hướng dẫn người dân mua, sử dụng thuốc điều trị an toàn, kịp thời.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua tỷ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp là do chúng ta thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine với tỷ lệ lên tới 98-99%. Người dân tuân thủ đầy đủ việc thực hiện 5K, nhất là đeo khẩu trang.
Việt Nam cũng kiểm soát hiệu quả việc không để tăng số ca bệnh chuyển nặng bằng cách theo dõi chặt chẽ nhóm nguy cơ cao ngay từ cơ sở. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, cần điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch như đánh giá cấp độ dịch; cách ly y tế F1, F0; cấp phát thuốc điều trị.
Việt Nam cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên
Bộ Y tế, cho biết, đến ngày 3/3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vaccine; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine), tiêm được hơn 196 triệu liều.
Về tỉ lệ tiêm chủng, với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 3 lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%. Với đối tượng từ 12-17 tuổi, tỉ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%.
Trong Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (từ 29/01/2022 -28/02/2022), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc.
Tính đến nay nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỉ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 01/2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.
Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, mở cửa trở lại hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, nhất là thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế./.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.059.262 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 41.093 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.051.832 ca, trong đó có 2.586.619 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (545.057), Hà Nội (340.443), Bình Dương (304.810), Đồng Nai (119.444), Tây Ninh (102.004).
Tình hình điều trị
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 38.911 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.589.436 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.246 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.418 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 421 ca
- Thở máy không xâm lấn: 104 ca
- Thở máy xâm lấn: 294 ca
- ECMO: 9 ca
Minh Ngọc