(Tổ Quốc) - Trước khi quỳ gối đè cổ Floyd, Derek Chauvin là đối tượng của 18 đơn kiện đệ trình lên Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis.
Derek Chauvin (44 tuổi) đã làm việc cho Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) trong hơn 18 năm. Người đàn ông này đã ghì gối lên gáy người đàn ông da màu George Floyd trong gần 9 phút khiến nạn nhân tử vong. Derek Chauvin ngay sau đó đã bị sa thải và bị buộc tội giết người cấp độ 3 cùng tội ngộ sát cấp độ 2.
Chỉ sau gần 9 phút ấy, Derek Chauvin đã trở thành cái tên châm ngòi cho những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Người biểu tình đòi chính phủ phải trả lại công bằng cho Floyd và buộc Derek Chauvin phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Derek Chauvin sẽ phải ra hầu tòa vào cuối tháng 6 này.
Từng nhận 18 lá đơn khiếu nại
Trước khi ghì gối đè cổ Floyd dẫn đến các cuộc biểu tình sắc tộc ở Minneapolis và nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, Derek Chauvin là đối tượng chính trong 18 đơn kiện đệ trình lên Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis. Cảnh sát thành phố này xác nhận sự thật có 18 lá đơn khiếu nại liên quan đến Derek Chauvin nhưng không nêu chi tiết lý do và yêu cầu của người nộp đơn.
Theo bản tóm tắt của Sở Cảnh sát Minneapolis, chỉ 2 trong số 18 đơn kiện liên quan đến kỷ luật. Trong cả 2 trường hợp này, Derek Chauvin chỉ bị khiển trách nhẹ.
Theo Cộng đồng chống lại sự tàn bạo của cảnh sát - một tổ chức phi lợi nhuận ở bang Minnesota có cơ sở dữ liệu về các khiếu nại chống lại sĩ quan cảnh sát trong tiểu bang - Derek Chauvin bị khiển trách bằng lời nói vì đã sử dụng "giọng điệu hạ nhục" và "ngôn từ xúc phạm".
Cả cơ sở dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận lẫn bản tóm tắt của Sở Cảnh sát Minneapolis đều không nói rõ ngày tháng của các đơn kiện cũng như nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại.
Cựu sĩ quan cảnh sát Tou Thao - người cũng liên quan đến cái chết của George Floyd - cũng đã bị 6 đơn khiếu nại, 1 trong số đó vẫn còn bỏ ngỏ - bản tóm tắt cho biết, 5 đơn kiện còn lại đã bị đóng mà không có quyết định kỷ luật nào.
2 cựu sĩ quan khác, J. Alexander Kueng và Thomas Lane, không có khiếu nại nào - theo bản tóm tắt của Sở Cảnh sát Minneapolis.
Derek Chauvin và nạn nhân George Floyd từng làm việc theo ca tại một hộp đêm
Theo lời Maya Santamaria, chủ sở hữu cũ của câu lạc bộ El Nuevo Rodeo, cả hai người đàn ông đều từng làm công việc đảm bảo an ninh tại câu lạc bộ này. Floyd thỉnh thoảng trực ca vào thứ 3 hàng tuần như một công việc làm thêm, còn Derek Chauvin được phân công làm ngoài giờ ở câu lạc bộ này trong suốt 17 năm qua.
Santamaria nói với phóng viên Josh Campbell của đài CNN trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không dám chắc họ biết nhau nhưng có thể khẳng định là họ từng làm việc chung".
Santamaria nói rằng cô không thể tin vào những gì cô đã nhìn thấy khi xem đoạn clip có sự xuất hiện của cả 2 người đàn ông ấy nhưng lại ở một hoàn cảnh khác - một người úp mặt xuống vỉa hè, còn một người thì đè gối lên cổ người kia. Cô nói: "Tôi liên tục hét vào điện thoại của mình và mong Derek Chauvin dừng ngay hành động ấy. Thật kinh khủng. Không có lời nào để diễn tả được. Dựa vào hiểu biết của tôi về Derek Chauvin, tôi không tin anh ta lại hành động mất nhân tính như thế".
Vợ đã đệ đơn ly hôn
Một ngày sau khi chồng bị bắt, cô Kellie May Chauvin đã gửi đơn ly hôn lên tòa án địa phương. Đơn ly hôn dài 8 trang giấy, được công bố vào ngày 1/6, cho thấy một vài chi tiết của cuộc đổ vỡ này.
"Đã có một sự đổ vỡ không thể hàn gắn về quan hệ hôn nhân của đôi bên, liên quan đến sự việc ở Minnesota", theo nguyên nhân ly hôn được nêu trong đơn ly hôn mà Kellie gửi lên tòa án.
Một tuyên bố từ văn phòng luật sư đại diện của cô Kellie cho biết: "Tối nay, tôi đã nói chuyện với Kellie Chauvin và gia đình cô ấy. Cô ấy bị sốc bởi cái chết của Floyd và bày tỏ sự cảm thông của cô ấy với gia đình anh, với những người thân yêu của anh và với tất cả những người đang đau buồn về thảm kịch này. Cô ấy đã nộp đơn xin ly hôn với Derek Chauvin".
Đang bị giam giữ tại một nhà tù cẩn mật nhất nước Mỹ
Derek Chauvin đã được chuyển tới một cơ sở giam giữ của cơ quan cải tạo bang Minnesota đặt tại Oak Park Heights, phía đông bắc thành phố Minneapolis.
"Việc chuyển sang nhà tù này được thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo anh ta được an toàn", đại diện nhà chức trách cho biết. Ở đó, anh ta được phép sử dụng điện thoại và được nói chuyện với người thân qua video. Các chuyến thăm trực tiếp không được phép vì lo ngại lây lan dịch Covid-19.
Cơ sở giam giữ này gồm 407 buồng giam, được biết đến là nơi không thể trốn thoát và là một trong những nhà tù an toàn nhất của Mỹ, chỉ có duy nhất 1 vụ sát hại tại nhà tù này kể từ khi được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, nhà tù này từng xuất hiện trong chương trình America's Hardest Prisons (Những nhà tù khắc nghiệt nhất của Mỹ) trên National Geographic.
(Nguồn: CNN)
L.T