(Tổ Quốc) - Tư thế ngủ này hoàn toàn không đáng lo ngại như nhiều bố mẹ tưởng tượng. Đặc biệt, bố mẹ cần chú ý tới một số tư thế ngủ khác có thể gây nguy hiểm cho con mình.
Kể từ khi con gái chào đời, bố của Quân Quân phát hiện ra con mình khi ngủ thường giơ 2 tay lên đầu một cách vô thức. Hiện tại, cô bé Quân Quân đã 5 tuổi nhưng vẫn luôn duy trì tư thế này khi ngủ. Vào mùa hè, gia đình bật điều hòa cả đêm, sáng dậy 2 tay của cô bé lúc nào cũng lạnh ngắt.
Lo lắng cho con gái, 2 vợ chồng đêm nào cũng sửa lại tư thế ngủ cho con gái. Thế nhưng, chỉ trong nháy mắt, cô bé lại tự động giơ tay "đầu hàng" khi ngủ. Thậm chí có những lúc, người bố cố tình cho tay của cô bé vào trong chăn bông. Nhưng lúc này, cô bé cứ ngọ nguậy khó chịu, không thể ngủ ngon giấc, chỉ khi đạp tung chăn, thoải mái giơ 2 tay lên đầu thì mới ngủ lại.
Bố của Quân Quân đã chụp một bức ảnh trong tư thế ngủ "đầu hàng" của con gái mình và đăng lên một hội nhóm trên mạng, không ngờ nó gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các bà mẹ. Rất nhiều bà mẹ cũng chia sẻ con mình khi ngủ thường giơ 2 tay "đầu hàng" như vậy. Thậm chí, một số người còn tỏ ra lo lắng liệu đứa trẻ có bị bệnh gì không.
Nguyên nhân khiến trẻ có tư thế ngủ "đầu hàng"
1. Thói quen hình thành từ trong bụng mẹ
Khi ở trong bụng mẹ, do không gian hạn chế nên thai nhi không thể di chuyển tự do, chúng thường co 2 tay 2 chân và ở trong tư thế cuộn tròn. Ở giai đoạn sơ sinh, bố mẹ nên duy trì tư thế co 2 tay 2 chân này vì nó mang lại cho trẻ cảm giác an toàn như trong bụng mẹ. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn một chút, lúc nằm ngửa ngủ, trẻ sẽ tự động giơ 2 tay lên đầu, nó giống như một phản xạ ở trong không gian rộng nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
2. Cách trẻ phát triển chiều cao
Theo giải thích của bác sĩ, đây là biểu hiện khi trẻ phát triển khỏe mạnh và chiều cao tăng trưởng. Điều này tương tự như khi người lớn đau mỏi lưng sẽ ưỡn người, em bé đôi khi cảm thấy mỏi cũng làm động tác tương tự như vậy, đưa tay lên đầu trong tư thế "đầu hàng".
3. Cơ thể nóng, duỗi tay cho thoải mái
Khi trẻ trong giai đoạn phát triển, quá trình trao đổi chất sẽ diễn ra nhanh hơn người lớn. Nếu lúc này bố mẹ mặc nhiều quần áo cho trẻ hoặc đắp chăn dày, chúng dễ ra mồ hôi trộm.
Khi trẻ đổ mồ hôi, chúng sẽ có phản xạ đưa tay lên đầu một cách vô thức nhằm tản nhiệt, khiến cơ thể thoải mái và ngủ ngon hơn.
Khi thấy trẻ trong tư thế ngủ như thế này, bạn có thể sờ gáy và lưng trẻ xem thử có ra mồ hôi hay không. Nếu ra mồ hôi trộm nhiều, trẻ sẽ rất khó chịu, bố mẹ cần thay quần áo kịp thời để trẻ ngủ ngon giấc hơn.
4. Phản xạ trương lực cổ đối xứng
Phản xạ trương lực cổ đối xứng là một loại phản xạ tự bảo vệ của trẻ sơ sinh. Đối với trẻ nhỏ, nếu ngủ trong tư thế này chúng sẽ ngủ ngon giấc hơn và ít trở mình.
Nếu trẻ ngủ trong tư thế này nhưng vẫn ăn ngon, ngủ ngon, phát triển chiều cao bình thường, bố mẹ không cần phải tỏ ra quá lo lắng. Tốt nhất bố mẹ cứ để trẻ ngủ theo tư thế chúng thoải mái, đừng thay đổi tư thế, nếu không trẻ sẽ thức giấc, làm gián đoạn giấc ngủ.
Những tư thế ngủ của trẻ bố mẹ cần chú ý
Mỗi đứa trẻ có những tư thế ngủ yêu thích khác nhau. Tuy nhiên, bố mẹ cần sửa đổi nếu nhận thấy con mình thường xuyên ngủ trong những tư thế sau đây:
- Ngủ nằm sấp
Tư thế ngủ này rất nguy hiểm, nó không chỉ cản trở việc trẻ hô hấp mà còn dễ gây đột tử. Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, nếu nằm sấp khi ngủ quá lâu, bố mẹ không phát hiện kịp thời sẽ dễ khiến trẻ bị ngạt thở, rất nguy hiểm.
- Ngủ nằm nghiêng
Nhiều trẻ thích nằm nghiêng khi ngủ nhưng dễ trở mình khi ngủ và chuyển sang tư thế nằm sấp, gây khó thở.
Theo một số nghiên cứu có liên quan, nguy cơ đột tử ở trẻ khi ngủ nghiêng cao gấp 7-8 lần so với trẻ ngủ nằm ngửa. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý tới tư thế ngủ này của con mình.
- Ngủ vẹo cổ về một bên
Nếu ngủ trong tư thế này trong thời gian dài sẽ gây co cứng co cổ, vẹo cổ, ảnh hưởng đến vóc dáng của cơ thể.
PHAN HIỀN