(Tổ Quốc) - Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng bàn phím nào cũng có 2 đường lằn ngang bé bé ở vị trí phím F, J mà không phải là phím khác chưa?
Mỗi thiết kế công nghệ sẽ có những đặc trưng riêng để phù hợp hơn cho tính năng, công dụng. Ví dụ máy tính MacBook được trang bị màn Retina chống lóa hiện màu đẹp hơn, hay chuột không dây có khe cắm kết nối với máy tính... Ngay cả bàn phím cũng không phải ngoại lệ. Vị trí, thứ tự các con chữ, số đếm hay nút tắt... đều được sắp xếp khoa học nhất.
Nào, bây giờ bạn hãy thử nhìn vào bàn phím, đặc biệt là hai nút F và J. Trên hai phím này xuất hiện lằn ngang nhỏ. Nhiều người cho rằng thêm cái đó vào chẳng để làm gì, quả là phát kiến ngớ ngẩn. Nhưng chị em nhầm to rồi nhé, thực chất đều có dụng ý cả đấy!
Các chi tiết nhỏ trong thiết kế đồ công nghệ thường có mục đích giúp công việc dễ dàng, thuận lợi hơn. Matt Payton, biên tập viên SEO của tờ Independent đã giải thích trong một bài viết năm 2016 rằng các đường vân này giúp người dùng máy tính hiện đại xác định đúng phím cũng như đặt tay ở vị trí gõ lý tưởng mà chẳng cần phải nhìn vào bàn phím.
Khi đặt ngón tay trỏ lên các đường lằn ngang tức là bạn biết tay mình đang ở phím F, J. Dịch sang bên trái là các phím D, S, A; dịch sang bên phải là các phím K, L, dấu ":". Các kỹ sư và nhà thiết kế công nghệ đều tán đồng với ý kiến này.
Gunaseelan Mani, quản lý sản phẩm nền tảng tại DELL cũng chia sẻ về trải nghiệm học tập của anh, cho rằng chính vết lằn ngang trên hai phím sẽ giúp anh biết chính xác mình đang làm gì, gõ gì tiếp như thế nào. Từ đó chẳng cần phải nhìn vào phím mà thao tác vẫn nhanh, chuẩn xác.
Kỹ sư điện tử Abi Ram tiết lộ trong một chủ đề Quora rằng lằn ngang trên phím sẽ giúp người dùng đặt tay chuẩn tư thế để thực hiện gõ phím 10 ngón. Khi học môn Tin học ở trên trường lớp hoặc trong các khóa đào tạo, giảng viên sẽ hướng dẫn chúng ta kỹ thuật gõ 10 ngón. Cụ thể để tay cái vào phím cách, hai ngón trỏ trùng với F và J, sau đó di chuyển các ngón còn lại theo lần lượt hàng ngang.
Được biết người thiết kế ra đường lằn trên hai phím này chính là June E Botich - người Naples, Florida, Mỹ. Bà đã sáng tạo nên đường lằn vào tháng 4/2002 để tăng tốc độ gõ phím và tăng sự chính xác khi gõ phím cho người dùng.
Như vậy, trong suốt 8 tiếng/ngày làm việc, thao tác gõ phím đối với chị em công sở sẽ trở nên đơn giản, nhanh chóng và đỡ vất vả hơn nhiều. Thậm chí một khi đã quen, chị em có thể nhắm mắt gõ phím mà không bị sai lệch nội dung.
Theo D.T
Quiry