(Tổ Quốc) - Theo Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, dù kết quả xét nghiệm lần 1 của ông Li Ding âm tính với virus corona nhưng trên lâm sàng thấy có sự chưa phù hợp. Từ đó các bác sĩ đã thảo luận và phát hiện trước khi thời điểm xét nghiệm, bệnh nhân đã làm điều này.
Sáng 4/2, anh Li Zichao (28 tuổi), một trong hai bệnh nhân quốc tịch Trung Quốc phát hiện nhiễm virus corona (nCoV) chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp đầu tiên tại Việt Nam đã được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho xuất viện.
Đây là thành quả tích cực mà các nhân viên y tế đã tạo ra sau 14 ngày điều trị tích cực cho bệnh nhân. Trong khi đó, bệnh nhân Li Ding (66 tuổi, bố của Li Zichao) vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị cách ly.
14 ngày xuyên Tết điều trị
Kể lại quá trình điều trị, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV cho biết thời điểm nhập viện, ông Li Ding có rất nhiều bệnh nền, không tự sinh hoạt được phải thở oxy liều cao.
Trước tình hình này BV đã hội chẩn nhiều chuyên khoa: Chuyên khoa Nội tiết để ổn định đường huyết, chuyên khoa Tim mạch để điều trị huyết áp và chuyên khoa Tim mạch can thiệp để điều trị đặt stent mạch vành.
Ngoài ra do bệnh nhân Li Ding còn có tình trạng bội nhiễm do vi trùng, tình trạng hô hấp rất xấu nên phải mời thêm chuyên khoa Hô hấp hỗ trợ.
Nhờ sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa xuyên suốt Tết, sức khoẻ bệnh nhân Li Ding đang từng bước ổn định.
Theo BS Thức, nếu chỉ chăm chăm vào chuyện nhiễm virus mà bỏ quên bệnh nền, bệnh nhân hoàn toàn có thể diễn tiến nặng khi nguy cơ nhồi máu cơ tim rất cao, phải đặt đến 3 stent mạch vành.
Về phía xét nghiệm, Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng những ngày điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona là bài học kinh nghiệm rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe, bao gồm vấn đề dịch tễ và lâm sàng, xét nghiệm và tư vấn.
"Trường hợp đầu tiên phát hiện khi chúng ta vẫn suy nghĩ dịch còn ở đâu đó chưa vào Việt Nam.
Kíp trực của BV Chợ Rẫy đã rất cẩn trọng, về mặt lâm sàng là chưa cần thiết phải nhập viện nhưng các BS vẫn vận động người con ở lại khi có dấu hiệu dịch tễ và ngay trong đêm kết nối với Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP.HCM làm ngay xét nghiệm.
Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa điều trị và dự phòng, ngay hôm sau đã có kết quả xét nghiệm đã xác định hai bệnh nhân dương tính với virus corona" - Phó Giáo sư Lân chia sẻ.
Ông Lân cũng cho rằng việc chống dịch có sự quyết liệt đến cả từ cơ quan cấp trên lẫn tuyến dưới.
Bệnh nhân Li Zichao được trao giấy xuất viện.
Đến nay, 28 người tiếp xúc với 2 bệnh nhân đã qua thời gian ủ bệnh và vẫn kiểm soát được. Đặc biệt, không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo.
"Do là virus chủng mới, vấn đề miễn dịch, đào thải và có tái nhiễm bệnh hay không vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên vấn đề lâm sàng của người con Li Zichao rất ổn định, đã âm tính 4 lần xét nghiệm.
Bệnh nhân được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và đáp ứng cả hướng dẫn của thế giới. Do đó, trường hợp này đã đủ cơ sở để khẳng định không lây lan ra cộng đồng" - Phó Giáo sư Lân nói tiếp.
Bệnh nhân đã làm gì trước khi xét nghiệm âm tính lần 1?
Với trường hợp của người bố Li Ding (66 tuổi), trong quá trình làm xét nghiệm liên tục, có 1 lần âm tính vào ngày 30/1.
Dù vậy khi dựa trên lâm sàng, các bác sĩ thấy có gì đó chưa phù hợp.
Từ đó các chuyên gia thảo luận lại và phát hiện ông bố thời điểm trước khi xét nghiệm đã súc miệng, khiến nồng độ virus giảm rất thấp.
"Có âm tính là báo cáo đúng, và chưa yên tâm nên phải làm lại. Hiện tại bệnh nhân vẫn dương tính về mặt xét nghiệm nhưng về mặt lâm sàng rất ấn tượng khi tự đứng dậy đi được, các chỉ số về ngưỡng an toàn và đã không còn phải thở oxy. Đây là yếu tố cơ bản.
Bệnh nhân có bệnh nền, miễn dịch có thể chưa khỏe như người con nên vấn đề đào thải virus thấp nhưng có cải thiện dần" - PGS Lân nói.
Trong ngày bệnh nhân Li Zichao xuất viện, ông Hoàng Hi Bình, đại diện lãnh sự quán Trung Quốc gửi lời biết ơn các bác y bác sĩ phía Việt Nam đã hết lòng chăm sóc, điều trị cho công dân nước bạn hết bệnh.
Do bệnh nhân có nguyện vọng được ở lại để chăm sóc người cha đang được điều trị, BV Chợ Rẫy đã bố trí một phòng riêng cho người con tại khoa Bệnh Nhiệt đới.
"Đây là sự nhân văn của ngành y tế Việt Nam và chúng tôi tin tưởng với sự chăm sóc của người con, ông bố cũng sẽ mau chóng xuất viện" - Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nói.
#ICT_anti_nCoV
VÌ SỨC KHỎE GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG, HÃY ĐEO KHẨU TRANG!
Trong bối cảnh đại dịch corona diễn biến phức tạp, chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ gia đình và cộng đồng từ hành động vô cùng đơn giản: Đeo khẩu trang.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với người khác hay thường xuyên rửa tay với xà phòng - đeo khẩu trang là việc làm bé nhỏ nhưng mang tính chất phòng ngừa cơ bản nhất, ngăn chặn nguy cơ lây truyền virus corona qua nước bọt hoặc dịch tiết đường hô hấp.
Hoàng Lê